Tổng thống Iran Raisi tử nạn: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, 'hỗn hợp dễ cháy' có thể bị kích hoạt, gây thêm rối ren ở Trung Đông

Vẫn còn một số câu hỏi bỏ ngỏ sau sự ra đi đột ngột của Tổng thống Iran Raisi trong vụ tai nạn máy bay trực thăng thảm khốc hôm 19/5. Trung Đông, cũng vì vậy, đang đứng trước nhiều thách thức có thể làm gia tăng những tính toán sai lầm.

Người dân Iran bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Tổng thống Raisi tại Quảng trường Valiasr ngày 20/5. (Nguồn: AFP)

Người dân Iran bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Tổng thống Raisi tại Quảng trường Valiasr ngày 20/5. (Nguồn: AFP)

Vẫn còn những câu hỏi?

Vụ trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bị rơi cho tới nay vẫn thiên nhiều về nguyên nhân do thời tiết xấu nhưng còn một số câu hỏi chưa được giải đáp.

Chiếc trực thăng chở ông Raisi, người được nhận định sẽ là ứng viên kế nhiệm tiềm năng của lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, gặp nạn tại một khu vực đồi núi và rừng rậm hiểm trở giữa thời tiết sương mù.

Ngồi cùng ông Raisi trên trực thăng còn có Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian; thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati và giáo chủ khu vực Tabriz, Tây Bắc Iran, ông Mohammad Ali Al-e-Hashem. Họ đang trên đường trở về sau khi dự lễ khánh thành một đập thủy điện hợp tác với Azerbaijan.

Đến nay, Tehran nói vụ tai nạn xảy ra do "trục trặc kỹ thuật" nhưng không tiết lộ gì thêm.

Thông tin ban đầu từ lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, thiết bị phát đáp trên chiếc trực thăng sản xuất từ những năm 1960 này đã bị tắt hoặc không có. Điều này phần nào cho thấy tình trạng những chiếc máy bay nói chung ở Iran cũ kỹ và không được bảo dưỡng đầy đủ do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, nhiều quan chức quốc gia Trung Đông cũng thiệt mạng trong những vụ rơi máy bay tương tự.

Điều này kết hợp với tình trạng thời tiết mưa, sương mù lạnh giá có thể là sự giải thích phù hợp nhất cho nguyên nhân tai nạn.

Trên đài CNN, nhà phân tích quân sự Cedric Leighton cho rằng "với mức nhiệt dưới 10oC, ở khu vực có độ cao lớn (như núi cao) có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng các cánh quạt bị đóng băng. Cũng có khả năng đã xảy ra lỗi động cơ".

Ông đặt câu hỏi: "Yếu tố khác là việc bảo trì. Liệu chiếc trực thăng có được bảo dưỡng đúng cách hay không?".

Trong khi đó, phi công Nga Vadim Bazykyn cho rằng, lỗi không hoàn toàn do máy móc.

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Bazykyn nói: "Khu vực miền núi có những đặc điểm riêng. Trước tiên và quan trọng nhất là có sự khác biệt lớn ở khu vực sườn đón nắng và sườn khuất nắng. Phi công giàu kinh nghiệm bay ở núi sẽ biết rất rõ điều này và cần phải lường trước mọi thứ".

Tuy nhiên, tất cả những lý giải đó vẫn không ngăn được các giả thuyết khác được bàn tán, từ việc cho rằng đây là âm mưu ám sát ông Raisi của Israel, Mỹ, mà cả Israel và Washington đã lên tiếng phủ nhận, cho đến khả năng chiếc trực thăng đã bị phá hoại.

Trên mạng xã hội X thậm chí còn xôn xao giả thuyết cho rằng, chiếc trực thăng đã bị vũ khí quân sự, có thể là thiết bị phát laser từ không gian, cắt làm đôi.

Chính sách đối ngoại khó thay đổi

Quyền lực tại Iran hiện đã được chuyển giao tạm thời cho Phó Tổng thống Mohammad Mokhber. Ngày 20/5, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người quyết định cuối cùng về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Iran, phê chuẩn ông Mohammad Mokhber làm Quyền Tổng thống.

Nhưng theo luật, Iran sẽ phải tổ chức bầu cử trong vòng 50 ngày tới. Cùng ngày 20/5, hãng thông tấn nhà nước IRNA cho biết, cuộc bầu cử Tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6. Các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 đến 3/6 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ 12-27/6.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vội vàng, tỷ lệ cử tri đi bầu không cao. Vào tháng 3, Iran ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo thành lập năm 1979, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu.

Cho đến khi Lãnh đạo tối cao được thay thế, dự kiến sẽ có rất ít thay đổi sau cái chết của cố Tổng thống Raisi, đặc biệt là về chính sách đối ngoại.

Chuyên gia Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu Nhóm khủng hoảng quốc tế nhận định: “Thực sự, nhà Lãnh đạo tối cao và Lực lượng Vệ binh cách mạng là những người đưa ra quyết định cuối cùng, và thậm chí với các đồng minh trong khu vực cũng hầu hết đều thực hiện chính sách của Tehran”.

Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã giám sát sự thay đổi trong quan hệ của Iran với các nước láng giềng Arab, giúp bình thường hóa quan hệ với quốc gia đối địch lâu năm là Saudi Arabia, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Nhưng họ cũng chứng kiến nước Cộng hòa Hồi giáo lần đầu tiên khởi động một cuộc tấn công trực tiếp quy mô lớn vào Israel, sau vụ tấn công nghi của Israel vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria.

Điều đó đã thúc đẩy Israel tiến hành một cuộc trả đũa chưa từng có, khiến “cuộc chiến tranh bóng tối” giữa hai quốc gia lộ diện công khai.

Một số chuyên gia cho rằng, cuộc bầu cử tới đây tạo cơ hội quay trở lại cho những người ôn hòa. Chuyên gia về Iran Mohammad Ali Shabani nhận định: “Nếu Lãnh đạo tối cao chọn sử dụng những cuộc bầu cử sớm này như một bước ngoặt để mở ra không gian chính trị, thu hút mọi người bỏ phiếu trở lại, thì đó có thể là một yếu tố lớn thay đổi cuộc chơi”.

Khoảng trống cho nhưng tính toán sai lầm ở Trung Đông

Sự ra đi của Tổng thống Raisi có thể sẽ khiến tình hình Trung Đông thêm bất ổn, giữa lúc khu vực trải qua hàng loạt xung đột. Ông Raisi qua đời trong thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi thế đối đầu giữa Iran và Israel đang leo thang nhanh chóng do chiến sự ở Gaza, gây lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra ở Trung Đông.

Bạo lực cũng gia tăng trên Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn liên tục phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) vào tàu hàng đi qua, bất chấp liên minh do Mỹ dẫn đầu đã nhiều lần tập kích mục tiêu của nhóm này.

Căng thẳng chưa bao giờ dâng cao đến vậy khi Iran, dưới mệnh lệnh của Tổng thống Raisi và Lãnh tụ Tối cao Khamenei, phóng hàng trăm UAV và tên lửa vào Israel nhằm đáp trả cuộc không kích vào lãnh sự quán ở Syria khiến hai tướng Iran và 5 sĩ quan thiệt mạng.

Israel, với trợ giúp từ Mỹ, Anh, Jordan cùng các nước khác, đã đánh chặn gần như toàn bộ tên lửa và UAV Iran. Israel tiến hành cuộc tấn công nhằm vào hệ thống radar phòng không ở thành phố Isfahan của Iran, không gây thương vong nhưng gửi đi thông điệp răn đe cứng rắn.

Chuyên gia Vaez cho rằng, trong lúc cuộc đối đầu giữa hai đối thủ "không đội trời chung" tiếp tục căng thẳng, "luật chơi cũ đã không còn nữa nhưng các quy tắc mới lại chưa được thiết lập đầy đủ", sự cố với Tổng thống Raisi đã làm tăng thêm "tính chất không chắc chắn cho sự mơ hồ vẫn tồn tại lâu nay giữa Iran và Israel, thúc đẩy nguy cơ tính toán sai lầm".

Khi các đồng minh và láng giềng của Iran gửi lời chia buồn ngày 20/5, lực lượng Hamas cũng cảm ơn Tehran vì đã hỗ trợ trong cuộc chiến với Israel.

Hơn 7 tháng qua, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn trên khắp Trung Đông đã liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công mà họ tuyên bố là nhằm trả đũa Israel vì chiến dịch quân sự tại Gaza hay chống lại Mỹ, đồng minh quốc tế chính của Israel. Bạo lực đã dẫn đến những lo ngại về một cuộc xung đột khu vực dai dẳng, mặc dù Tehran từng nhiều lần ra tín hiệu rằng họ đang cố gắng tránh kịch bản đó.

Mỗi cuộc tấn công và phản công đều có nguy cơ thổi bùng một cuộc xung đột lớn hơn. Bình luận viên Joseph Krauss của hãng thông tấn AP nói: "Đó là một hỗn hợp dễ cháy có thể bị kích hoạt bởi những sự kiện bất ngờ, như vụ rơi trực thăng tại Iran".

Ông Vaez lưu ý thêm, nhiều người lo ngại rằng "các đối thủ trong khu vực của Iran có thể coi đây là cơ hội để vượt qua giới hạn".

Trong khi đó, ông Hamidreza Azizi, chuyên gia tại Viện các Vấn đề an ninh và quốc tế Đức, nhận định, mối lo ngại về nguy cơ bị tấn công vào thời điểm nhạy cảm này sẽ tạo ra tâm lý cảnh giác và đề phòng cao độ ở Iran, thậm chí dẫn tới những hành động cực đoan.

Ông nói: "Tâm lý hoang mang sẽ gia tăng ở trong nước... Sẽ có một khoảng thời gian mơ hồ cho đến khi tổng thống tiếp theo được chọn".

(theo CNN, IRNA, Reuters)

Hà An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-iran-raisi-tu-nan-nhieu-cau-hoi-con-bo-ngo-hon-hop-de-chay-co-the-bi-kich-hoat-gay-them-roi-ren-o-trung-dong-272149.html