Tổng thống đắc cử Iran ưu tiên chiến dịch tiêm chủng

Ngày 22/6, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi cam kết chính quyền sắp tới sẽ khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế vốn đang trong 'tâm chấn' của đại dịch ở vùng Trung Đông.

Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống đắc cử Raisi nêu rõ "chiến dịch tiêm chủng mở rộng nhanh chóng nhất" sẽ là một trong "những chương trình ưu tiên" của tân chính phủ. Iran sẽ sử dụng vaccine sản xuất trong nước và nếu cần thiết sẽ sản xuất các loại vaccine này ở nước ngoài một cách nhanh chóng. Do đó, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận vaccine và nền kinh tế cũng sẽ phục hồi.

Trước đó một ngày, người phát ngôn Chính phủ Iran đương nhiệm Ali Rabiei cho biết nước này sẽ chủ yếu sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước, trong đó có vaccine Spunik V của Nga và một vaccine khác mà Iran phối hợp với Cuba phát triển. Trong tuần này, Iran sẽ triển khai tiêm chủng bằng vaccine COVIran Barakat do một tập đoàn trực thuộc nhà nước phát triển.

Theo kế hoạch, ông Raisi sẽ tuyên thệ nhậm chức và kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới. Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rouhani đã vấp phải sự chỉ trích vì chậm trễ trong tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Các quan chức Iran cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tác động đến các nỗ lực mua vaccine của nước ngoài cũng như làm trì hoãn việc giao hàng.

* Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang có kế hoạch phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca hồi tháng 5, nhưng cho biết vào thời điểm đó họ chưa có ý định sử dụng vaccine ngay lập tức do một số trường hợp hiếm gặp về rối loạn đông máu sau tiêm được ghi nhận ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng không nên loại trừ việc sử dụng vaccine này vì hiệu quả của nó đã được xác nhận ở Anh và các quốc gia khác. Các nguồn tin cho biết vào ngày 30/6 tới, một hội đồng của Bộ Y tế sẽ thảo luận về độ tuổi đủ tiêu chuẩn để tiêm vaccine này, cũng như đánh giá tình hình ở nước ngoài.

Không giống như vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ) - cả hai đều sử dụng công nghệ mới gọi là RNA thông tin, vaccine của AstraZeneca được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Chế phẩm này đã được chứng minh có khả năng phòng bệnh đạt 70%, thấp hơn một chút so với 2 loại còn lại. Tuy nhiên, ưu điểm của vaccine này là dễ bảo quản hơn và được sản xuất theo giấy phép tại Nhật Bản.

Văn Ứng - Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-dac-cu-iran-uu-tien-chien-dich-tiem-chung-20210623085556995.htm