'Tổng thống của người giàu' và nỗi phẫn nộ của người Pháp

Chuyên gia nhận định quyết định dùng quyền hiến định để thông qua cải cách hưu trí khiến công chúng càng thêm tin rằng ông Macron là 'tổng thống của người giàu'.

Những cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí trong hơn hai tháng qua đã thu hút hàng triệu người tham gia ở Pháp. Sự phản đối kịch liệt đó nổi lên như một phép thử lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron sau khi tái đắc cử vào năm 2022, với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Pháp phản đối cuộc cải tổ của ông.

Những người trong cuộc cho biết nỗ lực của ông Macron nhằm thông qua cải cách hưu trí bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ đang tạo ra rạn nứt giữa nội các và các đồng minh của ông. Nhiều người thất vọng vì chính phủ không thể giải quyết tình thế bế tắc. Trong khi đó, hình ảnh của tổng thống Pháp trong mắt công chúng càng xấu đi.

 Ông David S. Bell - giáo sư danh dự về chính phủ và chính trị Pháp tại Đại học Leeds (Anh). Ảnh: Harvard Radcliffe Institute.

Ông David S. Bell - giáo sư danh dự về chính phủ và chính trị Pháp tại Đại học Leeds (Anh). Ảnh: Harvard Radcliffe Institute.

“Ông Macron bị cáo buộc là ‘tổng thống’ của người giàu và cải cách lương hưu đã củng cố quan điểm này”, ông David S. Bell - giáo sư danh dự về chính phủ và chính trị Pháp tại Đại học Leeds (Anh) - nhận định với Zing. Ông đồng thời viện dẫn nhiều ý kiến phản đối cũng như sự hoài nghi về việc liệu cải cách hưu trí có cần thiết vào lúc này.

Các bộ trưởng và nhà lập pháp đang đổ lỗi cho nhau về việc không thể thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn cho kế hoạch của ông Macron.

Thậm chí, một số thành viên trong đảng cầm quyền cũng không hài lòng với động thái sử dụng quyền hiến định để thông qua dự luật mà không cần Quốc hội bỏ phiếu.

Nói về nguyên nhân động thái này gây tranh cãi, chuyên gia truyền thông chính trị Philippe Moreau Chevrolet nhận định với Yahoo News rằng “vấn đề hiện nay không còn là cải cách hay kinh tế, mà là sự dân chủ”.

Theo ông, phần lớn người Pháp “cảm thấy ông Macron đã đi quá xa và đang lạm dụng quyền lực của mình”. Trong những năm qua, chính phủ Pháp “nắm quá nhiều quyền lực, trong khi Quốc hội suy yếu đến mức (đất nước) không còn sự kiểm tra và cân bằng”, ông nói.

Ông Macron bị đẩy vào thế khó

Theo cải cách hưu trí của ông Macron, tuổi nghỉ hưu chung tối thiểu sẽ tăng từ 62 lên 64, một số công nhân trong khu vực công sẽ mất các đặc quyền và số năm làm việc cần thiết để đủ điều kiện nhận lương hưu đầy đủ sẽ tăng.

Trước khi cải cách được thông qua, đảng Les Republicaines (đảng Cộng hòa) - vốn chiếm đa số ở Thượng viện Pháp - về cơ bản đã đồng ý với ông Macron "hầu hết toàn bộ nội dung kế hoạch".

Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng, "một số nghị sĩ đã quay ngoắt 180 độ, khiến khả năng thông qua cải cách trở nên không chắc chắn". "Do đó, chính phủ phải dùng tới quyền hiến định 49.3”, giáo sư Capoccia nói với Zing.

Các đảng khác cũng có quan điểm khác nhau về kế hoạch cải cách hưu trí. Chẳng hạn, Liên minh nhân dân mới vì sinh thái và xã hội (NUPES), do đảng cánh tả cấp tiến La France Insoumise (Nước Pháp bất khuất) lãnh đạo, muốn giảm tuổi hưởng lương hưu xuống 60, song kế hoạch tài trợ cho dự luật này bị chỉ trích kịch liệt.

Trong khi đó, kế hoạch hưu trí do đảng Rassemblement National (Mặt trận Quốc gia Pháp) của bà Marine Le Pen đề xuất, quy định nghỉ hưu ở tuổi 62 ngoại trừ một số ngành nghề, lại không được đánh giá cao.

“Sự khác biệt giữa một bên là ông Macron, một bên là NUPES và bên kia là đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, khiến nhiều người dự đoán rằng việc thông qua cải cách sẽ gây tranh cãi gay gắt, đặc biệt là khi chính phủ không chiếm đa số trong Quốc hội”, ông nhận định.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Paris vào ngày 28/3. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Paris vào ngày 28/3. Ảnh: Reuters.

Sau đó, giáo sư từ Đại học Oxford cho rằng sự phản đối với cải cách này đã nhanh chóng chuyển thành sự phản đối với chính phủ, và đặc biệt là đối với Tổng thống Macron.

“Những căng thẳng về cải cách hưu trí đã tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị của ông Macron đưa ra các bất đồng chính kiến chống lại chính phủ, vượt ngoài vấn đề hưu trí”, ông nói thêm.

Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp dường như đứng ngoài cuộc và không tham gia làn sóng phản đối. “Dẫu vậy, các nhà lãnh đạo đảng này liên tục khẳng định họ phản đối cải cách. Bà Marine Le Pen đã tuyên bố nếu trở thành tổng thống, bà sẽ bãi bỏ kế hoạch này”, ông nói.

Giáo sư Bell nhận định hệ thống hưu trí của Pháp rất hào phóng và được coi là một phần của hệ thống phúc lợi nhưng người dân vẫn phản đối vì hầu hết họ phụ thuộc vào lương hưu nhà nước và cũng thường không so sánh với các nước khác.

Bên cạnh đó, chính quyền ông Macron cũng đặc biệt gây tranh cãi khi viện dẫn quyền hiến định 49.3 của Hiến pháp. Theo ông, điều 49.3 không chỉ nhằm “trừng phạt” một số nghị sĩ cá nhân bất đồng với chính phủ mà còn được sử dụng để tự tạo ra đa số chính trị.

“Quốc hội Pháp hiện nay rất phân cực, với hai phe đối lập cấp tiến ở cánh hữu và cánh tả phát triển mạnh mẽ và không thể đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này”, ông giải thích thêm về làn sóng phản đối sau khi dự luật được thông qua.

Không những vậy, ông cho rằng chính phủ Pháp có thể cần sử dụng lại đặc quyền này, dù Thủ tướng Elisabeth Borne nói rằng bà sẽ hạn chế viện dẫn điều 49.3 trong thời gian sắp tới.

 Người biểu tình cầm cờ của liên đoàn lao động Pháp khi tham gia biểu tình trên một con đường quê ở Beauvoir ngày 7/4. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình cầm cờ của liên đoàn lao động Pháp khi tham gia biểu tình trên một con đường quê ở Beauvoir ngày 7/4. Ảnh: Reuters.

Những người dễ bị tổn thương nhất

Theo giáo sư David Bell, cải cách hưu trí có thể gây chia rẽ và không công bằng. “Vấn đề chính là đề xuất làm việc trong một khoảng thời gian dài hơn sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Và sự bất bình đẳng sẽ gia tăng đối với mọi ngành nghề”, ông nói.

Trong khi đó, giáo sư Capoccia cho rằng cải cách hưu trí không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm người có thu nhập thấp, mà còn cả những người phải lao động từ sớm, những người có thể nghỉ hưu ở tuổi 62 hoặc sớm hơn theo hệ thống hiện tại.

Theo ông, họ thường là những lao động trình độ thấp, vì lao động trình độ cao thường bắt đầu sự nghiệp muộn hơn do phải hoàn thành việc học.

“Dưới hệ thống hưu trí mới, những người tham gia thị trường lao động từ rất sớm thường sẽ phải làm việc lâu hơn trước khi nghỉ hưu, mặc dù cải cách bao gồm một số biện pháp giảm nhẹ tác động này”, ông cho hay.

Một trong số nhóm lao động này là bà Katie, quản lý cửa hàng ở Stains (vùng ngoại ô của tầng lớp lao động ở phía Bắc Paris). Với bà, làm việc đến năm 64 tuổi là điều không tưởng, theo Le Monde.

Bà Katie cho biết bản thân đã bắt đầu làm việc từ năm 18 tuổi. "Tôi không thể chịu đựng được nữa ở tuổi 47”, bà chia sẻ với thái độ lo lắng, đồng thời nhấn mạnh ở Stains, "mọi người đều chống lại cuộc cải cách”.

Tuy nhiên, giống nhiều người ở đây, bà Katie đã không tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí. Trong khi các cuộc biểu tình mới được tổ chức trên khắp nước Pháp vào ngày 28/3, cư dân từ các banlieues (vùng ngoại ô chủ yếu gồm tầng lớp lao động) lại vắng mặt ngay từ đầu.

Ở những khu phố này, cảm giác không bao giờ được lắng nghe, vốn đã dai dẳng càng trở nên mạnh mẽ hơn trong những tuần gần đây.

"Ngay sau khi chính phủ viện dẫn điều 49.3, tôi hiểu rằng tiếng nói của mình sẽ không được lắng nghe”, bà Katie nói.

Hiến pháp của nước Pháp quy định khi một dự luật gây tranh cãi tại Quốc hội, thủ tướng có quyền viện dẫn điều 49.3 sau khi được Hội đồng Bộ trưởng cân nhắc để thông qua dự luật mà không cần Quốc hội bỏ phiếu.

Nếu các nghị sĩ muốn tiếp tục ngăn chặn dự luật, giải pháp duy nhất là lật đổ chính phủ. Các nghị sĩ có quyền đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm trong vòng 24 giờ. Nếu đạt được đa số phiếu, dự luật bị bác bỏ và chính phủ sụp đổ. Tổng thống sẽ giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm.

Ngược lại, nếu kiến nghị bất tín nhiệm bị bác bỏ, chính phủ sẽ thắng "canh bạc" và luật được thông qua, theo Lemonde.

Song chính phủ của Tổng thống Macron hôm 20/3 đã vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi thông qua các cải cách hưu trí mà không có sự chấp thuận của Quốc hội Pháp.

 Người biểu tình ở Nantes, Pháp, hôm 28/3. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình ở Nantes, Pháp, hôm 28/3. Ảnh: Reuters.

Theo Guardian, quyết định mới nhất của chính phủ Pháp cũng ảnh hưởng lớn đến các lao động nữ, đặc biệt là những người làm công việc bán thời gian và có mức lương thấp. Họ cho rằng bản thân sẽ phải chịu thêm gánh nặng, thậm chí phải làm việc lâu hơn các đồng nghiệp nam chỉ để nhận mức lương hưu thấp hơn.

Báo cáo năm 2022 của tổ chức thống kê Insee cho thấy những phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp do sinh đẻ hay nuôi con, và những người có mức lương thấp hơn 22% hoặc lương hưu thấp hơn khoảng 40% so với đồng nghiệp nam, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Dẫu vậy, giáo sư Capoccia cho rằng kế hoạch cải cách của Tổng thống Macron cũng có một số điểm giúp bù đắp một phần bất lợi đó.

“Một trong những mục tiêu của kế hoạch cải cách là giảm chênh lệch về số tiền lương hưu giữa nam và nữ (hiện chênh lệch trung bình 40%). Mục tiêu là giảm một nửa mức chênh lệch này vào năm 2027 và xóa bỏ nó vào năm 2050”, vị chuyên gia đến từ Đại học Oxford nói.

Vân Đinh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-cua-nguoi-giau-va-noi-phan-no-cua-nguoi-phap-post1418187.html