Tổng thống Biden quá tự tin về vũ khí mới nhất của Mỹ trong 'chiến tranh kinh tế' với Trung Quốc?

Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ 'vũ khí' mới nhất của mình trong cuộc chiến kinh tế của Mỹ với Trung Quốc.

Tổng thống Biden tự tin về vũ khí mới nhất của Mỹ trong 'chiến tranh kinh tế' với Trung Quốc. (Nguồn: Shutterstock)

Tổng thống Biden tự tin về vũ khí mới nhất của Mỹ trong 'chiến tranh kinh tế' với Trung Quốc. (Nguồn: Shutterstock)

Các quy định mới sẽ kiểm soát các khoản đầu tư ra nước ngoài của khu vực tư nhân và những khoản đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm nhất ở Trung Quốc sẽ bị cấm.

“Sân nhỏ và hàng rào cao”

Tờ The Economist cho rằng việc nhà vô địch mạnh nhất thế giới về chủ nghĩa tư bản sử dụng những biện pháp kiềm chế như vậy là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong chính sách kinh tế của Mỹ khi nước này phải đối mặt với sự trỗi dậy của một đối thủ ngày càng quyết đoán và đầy đe dọa.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã cổ vũ cho quá trình toàn cầu hóa thương mại và vốn, điều này mang lại lợi ích to lớn về hiệu quả nâng cao và chi phí thấp hơn cho người tiêu dùng. Nhưng trong một thế giới đầy nguy hiểm, chỉ hiệu quả thôi là chưa đủ.

Ở Mỹ và trên khắp phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đưa các mục tiêu khác lên hàng đầu. Có thể hiểu được, các quan chức muốn bảo vệ an ninh quốc gia, bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với công nghệ tiên tiến có thể nâng cao sức mạnh quân sự của họ và xây dựng các chuỗi cung ứng thay thế ở những khu vực mà Trung Quốc đang duy trì sự kìm kẹp.

Kết quả là một loạt thuế quan, đánh giá đầu tư và kiểm soát xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc, đầu tiên là dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump và bây giờ là đương kim Tổng thống Joe Biden.

Mặc dù các biện pháp “giảm thiểu rủi ro” như vậy sẽ làm giảm hiệu quả, nhưng có quan điểm rằng, việc gắn bó với các sản phẩm nhạy cảm sẽ hạn chế thiệt hại. Và chi phí tăng thêm sẽ xứng đáng, bởi vì nước Mỹ sẽ an toàn hơn.

Tác động của ý tưởng mới này đang trở nên rõ ràng. Thật không may, lập luận này không mang lại khả năng phục hồi cũng như an ninh. Các chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn khi chúng phải thích nghi với các quy tắc mới. Và nếu nhìn kỹ, thì rõ ràng là sự phụ thuộc của Mỹ vào các đầu vào quan trọng của Trung Quốc vẫn còn. Đáng lo ngại hơn, chính sách này đã có tác động ngược là đẩy các đồng minh của Mỹ xích lại gần Trung Quốc.

Điều này có thể gây ngạc nhiên; bởi thoạt nhìn, các chính sách mới trông giống như một thành công rực rỡ. Liên kết kinh tế trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ đang bị thu hẹp. Năm 2018, 2/3 hàng nhập khẩu của Mỹ từ nhóm các nước châu Á “chi phí thấp” đến từ Trung Quốc; năm ngoái chỉ còn hơn 1/2. Thay vào đó, Mỹ đã quay sang Ấn Độ, Mexico và Đông Nam Á.

Các dòng đầu tư cũng đang điều chỉnh. Năm 2016, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 48 tỷ USD đáng kinh ngạc vào Mỹ. 6 năm sau, con số này đã giảm xuống chỉ còn 3,1 tỷ USD. Lần đầu tiên sau 25 năm, Trung Quốc không còn là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của hầu hết các thành viên Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc. Trong suốt hai thập kỷ qua, Trung Quốc chiếm phần lớn trong các dự án đầu tư nước ngoài mới ở châu Á. Năm 2022, Trung Quốc nhận được ít đầu tư từ Mỹ hơn Ấn Độ.

Sự phụ thuộc vẫn còn nguyên vẹn

Tuy nhiên, nếu đào sâu hơn, sẽ thấy rằng sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn.

Mỹ có thể đang chuyển hướng nhu cầu từ Trung Quốc sang các nước khác. Nhưng sản xuất ở những nơi đó hiện phụ thuộc nhiều vào đầu vào của Trung Quốc hơn bao giờ hết. Ví dụ, khi xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ tăng lên, nhập khẩu các đầu vào trung gian của nước này từ Trung Quốc đã bùng nổ. Xuất khẩu phụ tùng xe ô tô của Trung Quốc sang Mexico, một quốc gia khác đã được hưởng lợi từ việc giảm thiểu rủi ro của Mỹ, đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Nghiên cứu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy, ngay cả trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, nơi mà Mỹ rất muốn rời xa Trung Quốc, thì những quốc gia thâm nhập được nhiều nhất vào thị trường Mỹ lại là những quốc gia có liên kết công nghiệp gần nhất với Trung Quốc. Chuỗi cung ứng đã trở nên phức tạp hơn và thương mại trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng sự thống trị của Trung Quốc là không suy giảm.

Điều gì đang xảy ra?

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, hàng hóa Trung Quốc chỉ đơn giản là được đóng gói lại và gửi qua các nước thứ ba để đến Mỹ. Vào cuối năm 2022, Bộ Thương mại Mỹ phát hiện ra rằng, bốn nhà cung cấp năng lượng Mặt Trời lớn có trụ sở tại Đông Nam Á đang thực hiện quá trình xử lý nhỏ đối với các sản phẩm khác của Trung Quốc; trên thực tế, họ đang lách thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như kim loại đất hiếm, Trung Quốc tiếp tục cung cấp các đầu vào khó thay thế.

Tuy nhiên, thường xuyên hơn, cơ chế này là lành tính. Các thị trường tự do chỉ đơn giản là thích nghi để tìm ra cách cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng một cách rẻ nhất. Và trong nhiều trường hợp, Trung Quốc, với lực lượng lao động đông đảo và hậu cần hiệu quả, vẫn là nhà cung cấp rẻ nhất.

Các quy tắc mới của Mỹ có khả năng chuyển hướng thương mại của chính họ với Trung Quốc. Nhưng họ không thể loại bỏ toàn bộ chuỗi cung ứng khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Do đó, phần lớn việc “phân tách” là giả tạo. Tồi tệ hơn, theo quan điểm của ông Biden, cách tiếp cận của ông cũng đang làm sâu sắc thêm mối liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và các nước xuất khẩu khác. Khi làm như vậy, các nước sẽ đặt lợi ích của họ chống lại Mỹ. Ngay cả khi các chính phủ đang lo lắng về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, thì mối quan hệ thương mại của họ với nền kinh tế lớn nhất châu Á đang ngày càng sâu sắc.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại được ký kết vào tháng 11/2020 giữa nhiều quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, tạo ra một loại thị trường duy nhất về chính xác những hàng hóa trung gian mà thương mại đã bùng nổ trong những năm gần đây.

Đối với nhiều quốc gia nghèo hơn, việc nhận được đầu tư và hàng hóa trung gian của Trung Quốc và xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ là nguồn tạo việc làm và thịnh vượng. Việc Mỹ miễn cưỡng ủng hộ các hiệp định thương mại mới là một lý do khiến đôi khi họ coi Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy. Nếu được yêu cầu lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, họ có thể không đứng về phía Mỹ.

Tất cả điều này mang lại những bài học quan trọng cho các quan chức Mỹ. Họ muốn đề phòng Trung Quốc bằng cách sử dụng “sân nhỏ và hàng rào cao”. Nhưng nếu không có ý thức rõ ràng về sự đánh đổi từ thuế quan và các hạn chế, rủi ro thực tế là mỗi mối lo ngại về an ninh lại khiến sân rộng hơn và hàng rào cao hơn.

Những lợi ích cho đến nay vẫn là mơ hồ và chi phí lớn hơn dự kiến đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần phải có chiến lược tốt hơn.

Hơn nữa, cách tiếp cận càng có chọn lọc, khả năng thuyết phục các đối tác thương mại giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực thực sự quan trọng càng lớn. Nếu không, việc loại bỏ rủi ro sẽ khiến thế giới nguy hiểm hơn.

(theo The Economist, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-biden-qua-tu-tin-ve-vu-khi-moi-nhat-cua-my-trong-chien-tranh-kinh-te-voi-trung-quoc-238101.html