Tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 trên toàn cầu vượt 800.000 người

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran ngày 1/3/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Hệ thống Khoa học và Công nghệ của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) ngày 31/3, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 800.000 người.

Còn theo trang web chuyên về thống kê worldometer.info, số ca nhiễm trên toàn thế giới tính đến 19 giờ 25 ngày 31/3 (theo giờ Việt Nam) là 802.736 ca, số ca tử vong là 39.015 ca và số ca bình phục là 172.319 ca.

Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới với 164.610 ca. Trong khi Ý là quốc gia có số ca tử vong cao nhất là 11.591 ca trên tổng số 101.739 ca nhiễm bệnh.

Cùng ngày, Ý đã dành một phút mặc niệm và treo cờ rủ để tưởng niệm hơn 11.000 người đã tử vong do COVID-19. Phát biểu tại lễ tưởng niệm diễn ra bên ngoài tòa thị chính ở TP Rome, Thị trưởng Rome Virginia Raggi cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia này, song nhấn mạnh rằng tất cả sẽ cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Trong khi đó, Vatican cũng treo cờ rủ để bày tỏ tình đoàn kết với Ý.

Ngày 31/3 cũng đánh dấu một tháng kể từ khi Ý ghi nhận số người tử vong do dịch bệnh lớn hơn bất kỳ thảm họa nào kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cách đây 3 tuần, Ý đã áp đặt lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Thiệt hại do việc đóng cửa gần như tất cả các doanh nghiệp có nguy cơ đẩy Ý, nền kinh tế lớn thứ ba của Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái, rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong ngày 30/3, Ý đã ghi nhận 812 ca tử vong do COVID-19. Chính phủ Ý hiện đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa cho đến giữa tháng 4.

Tại Iran, phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 31/3, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur cho biết số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 2.898 người, sau khi có thêm 141 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này hiện là 44.606.

Ông Jahanpur nêu rõ: "Trong vòng 24 giờ qua, có 3.111 ca mắc COVID-19 mới ở Iran. Đáng tiếc là 3.703 ca nhiễm hiện đang trong tình trạng nguy kịch”.

Bộ Ngoại giao Đức ngày 31/3 thông báo các nước châu Âu đã chuyển những trang thiết bị y tế tới Iran - vụ giao dịch đầu tiên theo cơ chế INSTEX, vốn được lập ra để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Tehran.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: "Pháp, Đức và Vương quốc Anh xác nhận INSTEX đã thực hiện thành công giao dịch đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất các trang thiết bị y tế từ châu Âu sang Iran. Những hàng hóa này hiện đang ở Iran”.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo trong ngày 31/3 đã ghi nhận thêm 78 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ trước tới nay. Theo đó, Tokyo tiếp tục dẫn đầu trên toàn quốc về số lượng người nhiễm bệnh với 521 người.

Tính đến chiều 31/3, số ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản đã tăng lên 2.093 người, trong đó có 59 ca tử vong. Cả hai số liệu này đều không bao gồm những trường hợp trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly hồi tháng trước.

Ngày 31/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thông báo các biện pháp hỗ trợ người dân có thu nhập thấp. Các biện pháp bao gồm tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực-thực phẩm và miễn hoặc giảm giá điện.

Ngoài ra, Indonesia cũng có kế hoạch thả tự do khoảng 30.000 tù nhân nhằm tránh trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các nhà tù quá đông đúc. Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) đã quyết định hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực vốn dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan ra các vùng nông thôn.

Theo số liệu mới nhất trong ngày 31/3 từ Bộ Y tế Indonesia, nước này đã xác nhận 114 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 1.528 người. Ngoài ra, thêm 14 ca tử vong, đưa tổng số người chết vì COVID-19 lên 136 trường hợp.

Bộ Y tế Philipines ngày 31/3 thông báo thêm 10 ca tử vong do COVID-19, mức tăng cao nhất tính trong một ngày ở nước này. Hiện tổng số ca tử vong tăng lên 88 người. Số ca mắc mới tăng 538 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.084 người.

Israel cũng xác nhận tổng số ca tử vong tại nước này tăng lên 18 người sau khi xác nhận thêm 2 ca tử vong trong ngày 31/3. Cả 2 trường hợp đều ở độ tuổi 49-50. Hiện số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Israel đã tăng lên 4.831 người.

Ngoài ra, các nước Kuwait, Cameroon và Nigeria đều thông báo có thêm các ca nhiễm mới. Trong khi đó, Lào không ghi nhận thêm ca nhiễm bệnh mới nào trong ngày 31/3. Hiện tại Lào có 9 trường hợp mắc COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Tanzania Ummy Mwalimu ngày 31/3 thông báo nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2. Ca bệnh là nam giới, 49 tuổi. Hiện tại Tanzania có 19 trường hợp nhiễm bệnh COVID-19.

Cũng trong ngày 31/3, Bộ trưởng Y tế Mauritania Mohamed Ould Hamid thông báo nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân, là phụ nữ 47 tuổi quốc tịch Pháp gốc Mauritania, đến quốc gia Tây Phi này hôm 16/3 vừa qua.

Người này đã tự cách ly sau khi cảm thấy mệt mỏi. Ca bệnh này không phát hiện ra mình bị mắc COVID-19 cho đến khi sức khỏe suy yếu và tử vong trên đường tới bệnh viện. Đến nay, Mauritania đã ghi nhận 6 ca nhiễm bệnh, bao gồm ca tử vong nói trên và 2 trường hợp đã hồi phục.

Ngày 31/3, Sierra Leone xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 là một nam bệnh nhân 37 tuổi, đến từ Pháp. Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Julius Maada Bio thông báo bệnh nhân này đã được cách ly từ khi tới Sierra Leone hôm 16/3.

Tuy nhiên, ông không tuyên bố biện pháp mới để ứng phó với đại dịch COVID-19 tại quốc gia này. Tính tới nay, còn 6 quốc gia châu Phi chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào gồm Nam Sudan, Burundi, Sao Tome và Principe, Malawi, Lesotho và Comoros.

Cũng trong ngày 31/3, Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi đã ban bố tình trạng khẩn cấp cộng đồng tại quốc gia này để có các biện pháp phù hợp nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Hiện quốc gia này ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh tại các quốc gia láng giềng khiến nguy cơ gia tăng tại quốc gia phía Nam châu Phi này.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/237000/tong-so-ca-nhiem-benh-covid-19-tren-toan-cau-vuot-800-000-nguoi.html