Tổng kết lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại tỉnh Đồng Tháp

Kỳ cuối: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); kịp thời cập nhật, bổ sung, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN phù hợp tình hình mới.

Kỳ 1: Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Kỳ 2: Những kết quả nổi bật qua gần 40 năm đổi mới

Kinh xáng Lấp Vò - Sa Đéc là tuyến vận tải thủy rất quan trọng giúp kết nối giao thông liên vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh

Các nội dung về KTTT định hướng XHCN nằm xen lẫn trong các Văn kiện và một số văn bản chuyên đề; nội dung còn chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá khung KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam có phù hợp với các tiêu chí KTTT quốc tế, nhất là tại Mỹ và EU. Đến nay, Việt Nam thực hiện KTTT gần 40 năm nhưng chưa được Mỹ và EU công nhận, gây khó khăn cho việc trao đổi mua bán với các nước. Ở tỉnh Đồng Tháp, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn bị đánh thuế chống bán phá giá của Mỹ...

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền KTTT định hướng XHCN phù hợp vai trò, vị trí chiến lược của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); lấy con người là trung tâm, tài nguyên đất và nước là yếu tố cốt lõi. Tham gia đóng góp nhiều đề xuất quan trọng xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; tranh thủ hỗ trợ của Trung ương; chủ động hội nhập, liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đến năm 2030, các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu xếp nhóm 5 địa phương đầu vùng ĐBSCL, đạt trên mức trung bình cả nước. Xếp nhóm đầu vùng ĐBSCL về chuyển đổi số và một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ làm đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông nội tỉnh kết nối thông suốt, hình thành các trục giao thông kết nối liên vùng; kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến cả nước. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

GIẢI PHÁP TRONG BỐI CẢNH MỚI

Thứ nhất, phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các loại thị trường. Thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư tạo nền tảng phát triển lực lượng doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển các thành phần kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, hiện đại hóa công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển mạnh kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác và hình thành các hợp tác xã mới trên nền tảng Hội quán.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Bảo đảm vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế có nhu cầu tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Khuyến khích phát triển thị trường hàng hóa - dịch vụ và xây dựng thương hiệu mạnh cho hàng hóa, bảo đảm kết nối cung - cầu và thực hiện tốt chức năng kiểm soát thị trường; đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh của tỉnh. Khuyến khích phát triển thị trường tài chính - tiền tệ theo hướng bền vững gắn với hội nhập. Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, phân tích, dự báo cung - cầu lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh; phát triển TP Sa Đéc là trung tâm sáng tạo hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP và tốc độ tăng trưởng công nghiệp xếp nhóm đầu vùng ĐBSCL. Phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời; phát triển các dự án điện rác phù hợp thực tế địa phương và xu thế phát triển. Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh. Lựa chọn nông nghiệp, giáo dục, y tế là các lĩnh vực ưu tiên để chuyển đổi số.

Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sinh thái, bền vững. Phát triển vùng sinh thái nông nghiệp dựa vào nguồn nước ngọt, chuyên canh lúa chất lượng cao, cá tra, xoài, nhãn, sen, trái cây có múi để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Tăng cường số hóa vùng trồng, vùng nuôi; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp; xây dựng nông thôn hiện đại gắn với đô thị hóa. Tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tránh thất thu thuế.

Thứ ba, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ hội từ hội nhập, nhất là các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh Quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển KTTT định hướng XHCN. Củng cố, cơ cấu lại lực lượng Công an, Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thứ tư, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Kết hợp phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; lồng ghép nguồn lực trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới.

Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, bảo đảm điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2030, có 70% trường học các cấp đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, 10% đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Phát triển mạng lưới trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề, chú trọng các ngành khoa học về nông nghiệp, y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với thị trường sử dụng lao động và xu hướng dịch chuyển lao động. Tăng cường đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe Nhân dân với hệ thống y tế chất lượng, dịch vụ kỹ thuật cao, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mở rộng. Từng bước xây dựng TP Cao Lãnh là trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe của vùng ĐBSCL.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tiếp tục thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Quản lý nền KTTT định hướng XHCN thông qua các kế hoạch, quy hoạch và cơ chế chính sách trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc của thị trường. Kịp thời cập nhật, bổ sung, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN phù hợp với tình hình mới.

Hoàn thành cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa và Cổng dịch vụ công tỉnh. Phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Phối hợp củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp; chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận để thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phú Trọng

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/tong-ket-ly-luan-va-thuc-tien-ve-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-tai--118719.aspx