Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva: Thiếu lòng tin toàn cầu - thách thức lớn đòi hỏi cách tiếp cận đa phương

Chiều ngày 19/10, nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, Tổng giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva Tatiana Valovaya đã có buổi giao lưu, nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao với chủ đề: 'Chủ nghĩa đa phương – Thách thức hiện tại, con đường tới tương lai và vai trò lãnh đạo của nữ giới'. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn đồng chủ trì buổi giao lưu.

Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva Tatiana Valovaya và Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn tại buổi giao lưu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva Tatiana Valovaya và Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn tại buổi giao lưu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Năm thách thức không thể phủ nhận

Tại buổi nói chuyện, bà Tatiana Valovaya nêu một số thách thức lớn đối với quốc tế hiện nay. Thứ nhất là xung đột leo thang ở một số khu vực là điểm nóng trên thế giới như xung đột Nga-Ukraine, Hamas-Israel… tạo ra một thực trạng khủng hoảng về nhân đạo rất lớn.

Thứ hai, bà Tatiana Valovaya nhấn mạnh sự biến động của địa chính trị toàn cầu, trong đó có cạnh tranh nước lớn. Cục diện thế giới đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau Thế chiến II. Vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ không thể thông qua một nghị quyết tại cuộc họp khẩn cấp về tình hình Trung Đông, chính những cạnh tranh chiến lược nước lớn đã tạo ra khó khăn trong việc thúc đẩy các quốc gia cùng nhau giải quyết vấn đề xung đột.

Thứ ba, theo bà Tatiana Valovaya, biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy khôn lường đối với các quốc gia trên thế giới, nóng lên toàn cầu đã gây ra những thảm họa thiên nhiên. Các quốc gia đảo, quần đảo đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng. Rõ ràng, đây là bài toán không của riêng ai.

Thứ tư, Tổng giám đốc văn phòng LHQ tại Geneva cho rằng, công nghệ mới cũng là khía cạnh tạo ra không ít thách thức hiện nay. Bên cạnh những mặt tích cực của công nghệ như tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy các sáng kiến công nghệ trong y tế, dược phẩm… Công nghệ cũng tạo ra những mặt trái khó giải quyết như thách thức đối với quan trị toàn cầu, nhân quyền, hệ thống luật pháp…

Đặc biệt, thứ năm, bà Tatiana Valovaya nhận định: “Hiện nay đang tồn tại sự thiếu lòng tin toàn cầu – global mistrust”, nhiều quốc gia thiếu niềm tin vào nhau, người dân ở nhiều nước thiếu lòng tin vào chính phủ… điều này có thể tạo ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm.

Buổi giao lưu có sự tham dự của đông đảo giảng viên, sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Buổi giao lưu có sự tham dự của đông đảo giảng viên, sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đa phương - cách tiếp cận là chìa khóa

Trong bối cảnh chung đó, theo bà Tatiana Valovaya, chủ nghĩa đa phương có vai trò quan trọng. Hệ thống LHQ vẫn đóng vai trò thúc đẩy hợp tác, hòa bình, phát triển và an ninh. Kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng LHQ đã thành công với chủ đề: “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”.

Bà Tatiana Valovaya cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa hợp tác đa phương ở cấp độ toàn cầu và khu vực để giải quyết những thách thức toàn cầu, cần đưa ra những tầm nhìn dài hạn cho hệ thống đa phương một cách bao trùm, toàn diện và hiệu quả.

Các tổ chức khu vực như ASEAN, APEC… cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp toàn cầu, xây dựng lòng tin và bảo đảm hòa bình, thịnh vượng. Nếu như không có sự hợp tác của hệ thống đa phương khu vực và toàn cầu thì rất khó có thể tìm ra chìa khóa cho những thách thức chung.

"Nếu như hai năm trước, tôi có thể khẳng định rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đe dọa cuộc sống của chúng ta thì giờ đây không hoàn toàn là như vậy. Tôi cho rằng thiếu lòng tin toàn cầu mới là thách thức to lớn hiện nay", bà Tatiana Valovaya khẳng định. Theo bà, mặc dù là tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhưng LHQ chỉ có thể đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận giữa các quốc gia. Nếu các quốc gia không có cùng ý chí và tiếng nói chung thì cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Về việc cải tổ LHQ, bà Tatiana Valovaya cho rằng, hệ thống LHQ đã có những điều chỉnh thời gian qua thể hiện ở sự tăng cường phối hợp, kết nối giữa các phái đoàn của LHQ ở nhiều nơi trên thế giới, bảo đảm tính bao trùm, toàn diện trong các khía cạnh về hòa bình, an ninh và phát triển, quyền con người... Về việc cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có việc mở rộng các ủy viên thường trực (P5), theo bà Tatiana Valovaya, còn gặp khó khăn bởi cần sự đồng thuận của các quốc gia trong đó có các thành viên P5.

Cuối cùng, bà Tatiana Valovaya nêu bật vai trò của phụ nữ hiện nay, nhất là trong các tổ chức đa phương khi phụ nữ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các vị trí quan trọng, kể cả quản lý, lãnh đạo. Bà cho rằng, quan điểm của phụ nữ có thể tạo ra sự đa dạng, những cách nhìn khác nhau trong tiếp cận xử lý vấn đề. Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong bảo đảm bình đẳng giới, quyền của phụ nữ được thúc đẩy thông qua giáo dục. Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Bà Tatiana Valovaya là Giám đốc thứ 13 của Văn phòng LHQ tại Geneva và là phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này. Bà có 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ công, ngoại giao và báo chí. Bà đã viết hơn 170 ấn phẩm khoa học và báo chí trong các lĩnh vực tiền tệ quốc tế, hội nhập kinh tế châu Âu và hợp tác đa phương tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-giam-doc-van-phong-lhq-tai-geneva-thieu-long-tin-toan-cau-thach-thuc-lon-doi-hoi-cach-tiep-can-da-phuong-246722.html