Tổng Giám đốc Hanoi Metro nói gì về con số báo lãi gần 100 tỉ đồng?

Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bất ngờ nêu con số báo lãi sau 19 tháng vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, hàng ngày có 31.000 - 33.000 người đi tàu, cao điểm 55.000 người/ngày. Tàu chạy 6 phút/chuyến và lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỉ đồng.

Chênh lệch doanh thu, chi phí 96 tỷ đồng chưa phải lợi nhuận

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về nội dung này, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường khẳng định, thông tin về số lãi gần “trăm tỉ” là chưa đúng. Theo đó, nguồn thu năm 2022 của công ty ngoài doanh thu từ vé đã có trợ giá của thành phố Hà Nội theo đơn giá tạm thời. “Con số chênh lệch thu chi trong báo cáo tài chính của công ty trên 96 tỷ đồng chưa phải là lợi nhuận. Tuy nhiên, theo quy định của tài chính nếu thu – chi mà dương thì gọi là lợi nhuận”, ông Trường nói.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường

Tổng Giám đốc Hanoi Metro lý giải con số chênh lệch trên 96 tỷ là do định mức và đơn giá của thành phố Hà Nội để đặt hàng, là tính bình quân cho cả một quá trình. Tuy nhiên, trong hai năm đầu đoàn tàu, trang thiết bị và hạ tầng còn mới nên các chi phí phát sinh chưa nhiều. Đặc biệt, nhiều loại vật tư phụ tùng sửa chữa đắt tiền do đơn vị bảo hành chi. Hết thời gian bảo hành các chi phí này sẽ phát sinh và tăng dần. Chính vì vậy, theo kế hoạch tài chính năm 2023, công ty dự kiến lợi nhuận còn thấp hơn lãi định mức trong đơn giá đặt hàng của thành phố Hà Nội. Ông Trường cho biết, công ty đã báo cáo liên ngành về phương án xử lý chênh lệch thu chi 96 tỷ năm 2022, trên cơ sở cân đối hợp lý nguồn để đảm bảo duy trì vận hành tuyến, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và quyền lợi cho người lao động theo quy định.

Trên13,7 triệu hành khách đã đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Thông tin về kết quả vận hành tuyến đường sắt đô thị, Tổng Giám đốc Vũ Hồng trường cho biết,ngày 6.11.2021 tuyến đường sắt đô thị số 2A, Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước chính thức đưa vào vận hành khai thác. Tính đến hết ngày 11.6.2023, Tuyến đã vận hành được 583 ngày an toàn, vận chuyển được trên 13,7 triệu hành khách. Hiện nay, mỗi ngày có trên ba vạn hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với mục đích khác.

Hành khách phấn khởi lần đầu tiên được trải nghiệm bằng tàu điện trên cao

“Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên Tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%. Đặc biệt, khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Trường nhấn mạnh.

Nhân viên Hanoi Metro hướng dẫn hành khách lên, xuống tàu điện trước các nhà ga

Theo các chuyên gia, đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và đường sắt đô thị là đầu tư công không nhằm mục đích lợi nhuận mà vì hiệu quả xã hội, môi trường như: giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông,... Theo tính toán, cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì sẽ giảm được 487.000 giờ tham gia giao thông trên đường và đem lại hiệu quả kinh tế trên 30 tỷ đồng. Về giảm thiểu ô nhiễm, cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì sẽ giảm được khoảng 100 tấn phát thải khí CO, HC và NOx.

Nhật Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-thong/tong-giam-doc-hanoi-metro-noi-gi-ve-con-so-bao-lai-gan-100-ti-dong--i332291/