Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam ra đời năm nào?

Những bước đi về mặt tổ chức đã tạo thuận lợi cho sự ra đời hàng loạt sự kiện tạo dấu ấn nổi bật trong ngành công nghiệp dầu khí nước ta.

Để chuẩn bị cho việc khai thác dầu khí, sau thống nhất đất nước, có nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến phát triển về mặt tổ chức và thăm dò, phát hiện ra dòng dầu khí công nghiệp. Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010), ngày 03/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (Tổng cục Dầu khí Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 170/CP của Hội đồng Chính phủ. Ngày 09/9/1977, Chính phủ ra Quyết định số 251/CP thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, gọi tắt là Petrovietnam, trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.

Những bước đi về mặt tổ chức đã tạo thuận lợi cho sự ra đời hàng loạt sự kiện tạo dấu ấn nổi bật trong ngành công nghiệp dầu khí nước ta. Cụ thể:

Ngày 03/7/1980, tại Điện Kremli (Moscow), dưới sự chứng kiến của hai Tổng Bí thư Lê Duẩn và Leonid Ilyich Brezhnev, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam Nguyễn Lam và Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô Nikolai Baibakov đã ký Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiệp định gồm 6 điều thể hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản coi như là Hiệp định khung mở đường cho một Hiệp định cụ thể tiếp theo để triển khai công việc thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 19/4/1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên tại Giếng khoan 61 mỏ Tiền Hải C (trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng, chiều sâu 1146 - 1156) với lưu lượng 100.000 m3/ngày đêm đã được đưa vào buồng đốt tuabin nhiệt điện tại Tiền Hải phát ra dòng điện công suất 10 MW hòa lưới quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam được ghi tên trên bản đồ dầu khí thế giới, mở ra triển vọng to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 19/6/1981, tại Moscow, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Konstantin Katushev đã ký Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 25/12/1983, tàu Mikhail Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại Mỏ Bạch Hổ và 5 tháng sau, tức ngày 25/5/1984, đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Liên tục sau đó mỏ Rồng được phát hiện vào ngày 21/6/1985 và mỏ Đại Hùng được phát hiện vào ngày 18/7/1988, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành Công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Ngày 26/6/1986 đánh dấu bước đột phá hợp tác toàn diện với Liên Xô về dầu khí với tấn dầu thô đầu tiên được Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác từ mỏ Bạch Hổ.

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã tạo điều kiện để các công ty dầu khí nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam với các hợp đồng kinh tế đa dạng.

Ngày 07/7/1988, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000, đã khai thông con đường hợp tác đa phương với Liên Xô và các đối tác nước ngoài khác. Từ đó, các công ty dầu khí quốc tế bắt đầu hoạt động thông qua Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC). Một trong những thành tựu của ngành là phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ. Thành tựu này đã làm thay đổi quan điểm về tìm kiếm thăm dò dầu khí trong đá móng granitoit ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 06/7/1990, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 250- HĐBT thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt, trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác dầu khí thuộc Tổng cục Dầu khí cũ, là tổ chức sản xuất - kinh doanh có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh tế, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, có trách nhiệm nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu, tổ chức tiêu thụ trên thị trường nội địa các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt. Thời kỳ này, Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ Công nghiệp nặng.

Ngày 14/4/1992 Chính phủ ra Quyết định số 125-HĐBT về việc đặt Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 06/7/1993, Quốc hội ban hành Luật Dầu khí, nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, phát triển kinh tế quốc dân, mở rộng hợp tác với nước ngoài. Luật quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã được vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa và cung cấp khí cho Nhà máy Điện Bà Rịa. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tế từ dự án này đã góp phần to lớn vào việc hình thành phương thức quản lý các dự án tiếp theo của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nói riêng, cũng như việc xây dựng các Quy chế, Quy định và Luật về xây dựng và đấu thầu của Việt Nam nói chung.

Ngày 29/5/1995, thành lập Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, và là Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển, làm dịch vụ về dầu khí; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị dầu khí, dầu thô, các sản phẩm dầu khí; lưu thông các sản phẩm dầu khí... Tổng công ty được tiến hành các hoạt động dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hải đảo thuộc chủ quyền Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được tiến hành các hoạt động dầu khí ở nước ngoài khi Chính phủ cho phép.

Sản lượng khai thác tăng trưởng liên tục, từ 0,04 triệu tấn năm 1986 lên 2,7 triệu tấn năm 1990 và 7,67 triệu tấn năm 1995.

Đào Mạnh Đức

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tong-cuc-dau-mo-va-khi-dot-viet-nam-ra-doi-nam-nao-109527.htm