Tôn vinh và tri ân những 'chiến sĩ áo trắng'

'Người ta là hoa của đất'. Con người là thứ quý giá nhất trên hành tinh này và sức khỏe là thứ quý giá nhất của con người. Bởi thế, việc chăm sóc sức khỏe cho con người được xã hội đặc biệt quan tâm và những người làm công việc ấy được tôn vinh bằng danh xưng Thầy thuốc! Đảng và Nhà nước ta chọn ngày 27/2 hằng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam càng thể hiện sự quan tâm và tôn vinh ấy.

Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế Việt Nam. Từ đó, ngày 27/2 hằng năm được Bộ Y tế chọn làm ngày truyền thống của ngành. Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra quyết định lấy ngày 27/2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm tôn vinh công trạng và nêu cao trách nhiệm của đội ngũ các thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Bắc Giang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Sỹ Quyết.

Theo đó, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế cả nước tiếp tục phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu; không ngừng nâng cao y đức, rèn luyện y thuật, phát triển y nghiệp, đoàn kết, sáng tạo... để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Những cống hiến của mỗi người thầy thuốc tuy lặng thầm nhưng hết sức to lớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh, giúp toàn ngành đạt nhiều thành tựu quan trọng trong y học dự phòng cũng như công tác khám bệnh, chữa bệnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 mới đây, tài năng và y đức của đội ngũ những người thầy thuốc và toàn ngành Y tế lại được khẳng định mạnh mẽ, tăng thêm sự tin yêu của nhân dân đối với những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch. Rất nhiều câu chuyện xúc động được lan tỏa trong cộng đồng về tinh thần “Lương y như từ mẫu”.

Đồng hành cùng sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, ngành Y tế nước ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Hiện nay nước ta đã có hệ thống các cơ sở y tế đều khắp từ T.Ư tới cơ sở. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế mới được xây dựng khang trang, hiện đại. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng lên.

Kíp mổ Trung tâm Y tế huyện Sơn Động phẫu thuật mắt cho bệnh nhân.

Đến nay Việt Nam đã đạt 8,2 bác sĩ/1 vạn dân, cao hơn bình quân các nước ASEAN. Trình độ y tế của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, ngang tầm khu vực và nhiều bộ môn đạt tầm quốc tế, như kỹ thuật mổ tim và ghép tạng... Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế và có những bước đi mạnh mẽ, đầy hứa hẹn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành Y tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khả năng đáp ứng chưa theo kịp nhu cầu của người dân như: Sự chênh lệch trong thụ hưởng dịch vụ y tế giữa người dân các vùng miền; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; số lượng bác sĩ và nhân viên y tế ở cơ sở còn thiếu so với yêu cầu... Cùng đó, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, hoạt động phục vụ của ngành Y tế còn nhiều biểu hiện tiêu cực, như: Cửa quyền, phiền nhiễu, tắc trách... Đặc biệt, một số tổ chức và cá nhân của ngành có những vi phạm về y đức và luật pháp, phải bị xử lý kỷ luật và truy tố hình sự; nổi cộm nhất là những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh vừa qua để trục lợi...

Những vi phạm, sai sót trên đây rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành Y tế nước nhà, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong nhiều chục năm qua, nhất là trong cuộc chiến với dịch Covid-19 mới đây. Chúng ta cần có sự khách quan, công bằng với ngành Y tế; bởi nghề y là một trong những nghề “nhạy cảm”, gắn liền với sinh mệnh con người, yếu tố chuyên môn hòa trộn trong tính nhân văn bản ngã.

Mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản vất vả, nguy hiểm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta vẫn có thể tôn vinh các thầy thuốc bằng cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương những việc làm tốt của họ, khuyến khích họ sáng tạo và có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ những thầy thuốc chân chính.

Trung tâm Y tế huyện Lục Nam được đầu tư hệ thống xét nghiệm hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu của của Đảng và Nhà nước ta. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế... được quản lý tốt hơn, minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế phù hợp và hiệu quả hơn… Đó là những đòi hỏi hết sức chính đáng và cấp thiết. Để đáp ứng những yêu cầu đó, ngành Y tế cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân; đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn ngành Y tế nước ta đã đạt được, chúng ta càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trước mắt là tích cực củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở có đủ khả năng giải quyết cơ bản nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngay tại địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành các chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Với mỗi người thầy thuốc, muốn tinh thông nghề nghiệp trước hết phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Ðạo đức ngành y là một phẩm chất cao đẹp của người làm công tác y tế. Vì vậy đã là người thầy thuốc thì dù hoàn cảnh nào cũng cần ra sức rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống... để trở thành một người thầy thuốc vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lòng tin của người dân và lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thầy thuốc như mẹ hiền".

Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những người thầy thuốc Việt Nam; đồng thời cũng là dịp để các thầy thuốc xác định rõ hơn vinh dự và trách nhiệm của mình. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được trong những năm qua, chúng ta càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để xứng đáng với sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/419566/ton-vinh-va-tri-an-nhung-chien-si-ao-trang-.html