Tốn chục triệu đồng vì giẫm gai

Sau khi bị vật chọn đâm vào chân, nhiều người chủ quan không tiêm vaccine uốn ván, khiến họ rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh.

Người đàn ông bị uốn ván nặng vì dẫm gai. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong lúc làm việc ở vườn, ông N.V.N., ngụ Bình Dương, vô tình đạp phải gai. Nghĩ vết thương đơn giản, người đàn ông chỉ rửa sơ qua nước.

Tuy nhiên, một tuần sau, hàm của ông N. mỏi, dần dần không mở miệng được, ăn uống khó khăn, lúc nào hàm răng cũng cắn chặt.

Người đàn ông 62 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cấp cứu với chẩn đoán nhiễm uốn ván nặng.

Bệnh nhân nặng nhất khoa ICU

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Ngọc Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết khi nhập viện, ông N. đã ở ngày thứ 3 của bệnh uốn ván. Đây là trường hợp uốn ván nặng.

Sau khi nhập khoa ICU 2 ngày, các bác sĩ phải mở khí quản để người bệnh thở máy, sử dụng những thuốc an thần, giãn cơ vì ông lên cơn gồng liên tục và tăng tiết đàm.

Bác sĩ Trung chia sẻ trong trong giai đoạn nặng nhất của bệnh, ông N. bị rối loạn thần kinh thực vật, mạch và huyết áp dao động rất nhiều, tổn thương tim, nhồi máu cơ tim cấp.

Khoa ICU đã hội chẩn với khoa Tim mạch, tiến hành điều trị tình trạng nhồi máu cơ tim song song với các phương pháp điều trị uốn ván.

May mắn, sau 6 ngày điều trị tích cực, người đàn ông đã tạm ổn định, không gồng giật nữa, nhưng vẫn thở máy và được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ. Tình trạng tim mạch của ông N. cũng dần cải thiện.

Sự chủ quan khi giẫm phải vật nhọn khiến người đàn ông mất thời gian dài nằm trong phòng hồi sức, sức khỏe suy giảm. Đây cũng là thói quen của rất nhiều người khác khi nghĩ rằng vết thương do giẫm gai, đinh rỉ sét, kẽm, tôn... Nguy hiểm nhất là khi vết cắt không gọn, khó loại được hết mô chết hoặc dị vật trên bề mặt.

Bàn chân bị cứng cơ của những bệnh nhân uốn ván nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Nếu không vệ sinh sạch, vi trùng uốn ván sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, tăng nhanh về số lượng rồi sản sinh độc tố gây bệnh.

"Thời gian ủ bệnh càng ngắn, dưới 48 giờ thì bệnh thường nặng", bác sĩ Trung nói.

Một người bị uốn ván sẽ có biểu hiện mỏi hàm, cứng hàm, cắn khít răng, nuốt khó, nuốt sặc, co cứng cơ vùng đầu, cổ, ngực, bụng, tay chân. Bên cạnh đó, người bị uốn ván có thể có những cơn co giật, gồng toàn thân.

Bệnh uốn ván có thể nhầm với những bệnh khác như viêm khớp thái dương hàm, bệnh lý răng miệng, tai biến mạch máu não.

Di chứng suốt đời

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho 12 người bệnh uốn ván, trong đó 7 người phải thở máy.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Ngọc Trung, Trưởng khoa ICU, mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng từ 200-300 người bệnh uốn ván, trong đó 70-75% là bệnh nặng.

Theo bác sĩ Trương Ngọc Trung, thông thường, người bệnh uốn ván nặng có thời gian thở máy kéo dài khoảng 3 tuần, cần thêm vài tuần nữa để bệnh thuyên giảm và hồi phục. Những bệnh nhân nhẹ hơn, không cần thở máy thì thời gian nằm viện sẽ ngắn, nhưng khoảng 2-3 tuần mới có dấu hiệu hồi phục.

Do năm viện lâu, bệnh nhân uốn ván phải đối mặt với các biến chứng cứng khớp do hạn chế vận động, rối loạn dinh dưỡng, giảm hoặc mất khả năng lao động. Ngoài ra, các khối cơ của người bệnh sẽ bị sụt giảm vì nằm lâu, tình trạng giới hạn vận động kéo dài, kèm theo nhiều bệnh lý.

"Có những trường hợp sau xuất viện 3-6 tháng, người bệnh mới có thể tự chăm sóc bản thân, đi lại được và chỉ dừng lại ở mức đó", bác sĩ Trung chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Ngọc Trung, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Tỷ lệ tử vong của bệnh uốn ván hiện nay vào khoảng 5-10%, đa số là người bệnh uốn ván nặng.

Người bệnh uốn ván phải trả viện phí vào khoảng vài chục triệu đồng nếu không có biến chứng. Con số này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, nếu người bệnh có biến chứng nặng, phải can thiệp nhiều hơn, phải thở máy kéo dài.

Đó chỉ là chi phí trực tiếp, phần chi phí gián tiếp bao gồm chi phí của người nuôi bệnh, gián đoạn việc làm và các chi phí phát sinh khác chưa được thống kê đầy đủ.

Uốn ván là bệnh nặng, có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị đúng. Tuy vậy, bác sĩ Trung cho hay bệnh này phòng ngừa được, bằng cách tiêm vaccine. Vaccine uốn ván có thể được tiêm theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, hoặc tiêm khi người dân có những vết thương hở.

Bác sĩ Trung khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa bệnh uốn ván đầy đủ, tiêm nhắc lại đúng thời gian để đảm bảo hiệu quả bảo vệ trước bệnh. Trong trường hợp vết thương có tụ mủ, viêm đỏ nhiều, đau nhức, sưng thì người dân nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc.

Bên cạnh công tác điều trị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng thực hiện hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật điều trị uốn ván cho các tỉnh, để giảm bớt lượng bệnh đổ về bệnh viện, bệnh nhân cũng được chăm sóc sớm.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/ton-chuc-trieu-dong-vi-giam-gai-post1463580.html