Tội vi phạm quy định về an toàn lao động bị xử lý thế nào?

Về vụ án liên quan đến tai nạn tại Nhà máy Xi măng Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương, theo luật sư, cá nhân vi phạm có thể đối diện với mức án cao nhất là 12 năm tù.

Hình ảnh trước khi xảy ra sự cố tại Nhà máy Xi măng Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Ảnh cắt từ clip

Tai nạn lao động khiến 7 người chết, 3 người bị thương

Mới đây, CA tỉnh Yên Bái vừa khởi tố, bắt tạm giam một nhân viên liên quan đến vụ tai nạn lao động ở Nhà máy xi măng Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Đồng thời, CA tỉnh Yên Bái cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Mạnh Hùng (SN 1980, trú tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, quy định tại khoản 3, điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Hùng là nhân viên cân băng liệu của Nhà máy xi măng Yên Bái. Các quyết định và lệnh tố tụng đối với ông Hùng đã được tống đạt, thực thi sau khi Viện KSND tỉnh Yên Bái phê chuẩn. CA tỉnh Yên Bái đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của bị can Trần Mạnh Hùng.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, khoảng13h30 ngày 22/4, tại Nhà máy xi măng của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 7 người chết và 3 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do sai sót trong việc thực hiện quy trình vận hành sửa chữa (chưa có dấu hiệu tác động khách quan), dẫn đến vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng của tỉnh này phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã triển khai các biện pháp hỗ trợ các nạn nhân, đồng thời điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Cá nhân vi phạm có thể đối diện với mức án cao nhất là 12 năm tù

Về hành vi vi phạm quy định an toàn lao động, luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định rất rõ về tội này.

Theo đó, Điều này quy định rõ, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ chịu phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm. “Như vậy, đối chiếu với các quy định đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, đối với vụ tai nạn xảy ra tại Nhà máy Xi măng Yên Bái, cá nhân vi phạm có thể đối diện với mức án cao nhất là 12 năm tù” – luật sư Nguyễn Thị Yến cho biết.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Yến, xem từ video lúc xảy ra vụ việc, có thể thấy rằng, trong sự cố này, có rất nhiều điều không được thực thi khi một hệ thống công nghệ, thiết bị được bảo trì, bảo dưỡng tại một nhà máy. Theo bà, hoàn toàn không thấy có phương án khẩn cấp, có giám sát an toàn đứng bên cạnh để giám sát, đảm bảo an toàn… “Trong vụ việc này cũng cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Và để xảy ra sự cố này, cần rút ra các bài học nhằm phòng ngừa không xảy ra những việc tương tự” – luật sư Nguyễn Thị Yến nói.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/toi-vi-pham-quy-dinh-ve-an-toan-lao-dong-bi-xu-ly-the-nao-378556.html