'Tôi khủng hoảng khi biết mình mang thai'

'Khi hay tin mình mang bầu, tôi sợ bị cô lập, cảm thấy thiếu ngủ và không còn hào hứng với những hoạt động yêu thích', một phụ nữ người Anh chia sẻ.

Zing trích dịch bài đăng từ The Guardian, đề cập đến những chia sẻ của tác giả Isabel Hardman, người dẫn chương trình của kênh Radio 4's Week (Westminster, Anh), về quá trình lần đầu làm mẹ trong đại dịch.

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có con. Để rồi khi mang bầu, tôi phát hiện ra bản thân đang mong chờ quá trình làm mẹ sẽ trở thành một mớ rắc rối.

Rắc rối ở đây không phải là những suy nghĩ tiêu cực của phụ huynh về những đêm mất ngủ và thay tã cho con liên tục. Nó đáng sợ bởi tôi mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Nhiều lúc, tôi còn chẳng thể chống chọi chính bản thân, huống chi là làm mẹ.

Tôi cũng không ngờ rằng mình sẽ sinh con giữa đại dịch toàn cầu, khi mà tôi bị cắt liên hệ với phần lớn mạng lưới hỗ trợ căn bệnh của mình.

 Isabel Hardman và con trai. Ảnh: Guardian.

Isabel Hardman và con trai. Ảnh: Guardian.

Khủng hoảng

Kể từ khi tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương nghiêm trọng trong quá khứ, suốt 3 năm qua, tôi dành rất nhiều thời gian để tìm cách kiểm soát bệnh tật của mình.

Tôi thường lên kế hoạch cho mỗi tuần, tham gia các hoạt động ngoài trời mà các nghiên cứu y học khẳng định rằng sẽ giúp chữa lành tâm trí tôi đôi chút.

Chẳng hạn, bơi trong nước lạnh sẽ giúp chúng ta kiểm soát bản năng chiến đấu hoặc bỏ chạy vốn thường rất tệ đối với bệnh tâm thần. Hoặc chạy bộ giúp cơ thể sản xuất các chất giúp cải thiện tâm trạng.

Việc ra ngoài ngắm chim chóc, cây cảnh hay những bông hoa dại hỗ trợ tôi hiệu quả hơn những ứng dụng thiền định bắt tôi ngồi im trong phòng.

Tháng 9/2019, tôi phát hiện mình mang bầu. Thế là mọi chuyện thay đổi hoàn toàn.

Ngay từ khi biết con trai mình tồn tại trong bụng, tôi luôn khao khát được gặp nó. Nhưng đồng thời, tôi cũng lo lắng vô cùng.

 Con trai Jacob của Isabel Hardman. Ảnh: NVCC.

Con trai Jacob của Isabel Hardman. Ảnh: NVCC.

Tôi biết rằng làm mẹ lần đầu đồng nghĩa với việc thiếu ngủ trầm trọng. Tôi cũng không còn thời gian để tham gia các hoạt động ngoài trời như trước. Trên thực tế, điều đó đã làm sức khỏe tôi ngày càng xấu đi.

Tất cả nỗi lo thông thường khi một phụ nữ mang thai, giờ cộng thêm cả sự sợ hãi của bản thân khiến tôi không tin rằng mình có thể làm tròn bổn phận của một người mẹ.

Khi lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên được áp dụng hồi tháng 3, nỗi lo của tôi trầm trọng thêm. Tôi tự vấn bản thân rất nhiều thứ, như liệu tôi có được phép ra khỏi nhà cùng trẻ sơ sinh không. Viễn cảnh vốn đáng sợ nay lại trở nên tồi tệ hơn.

Càng đến ngày dự sinh, sức khỏe tinh thần của tôi càng xấu đi. Vì vậy, tôi được các bác sĩ Bệnh viện Kingston theo dõi cẩn thận trong quá trình chuyển dạ khó khăn.

Nhờ đó, tháng 5/2020, Jacob, con trai tôi, hạ sinh khỏe mạnh trong lúc nước Anh vẫn trong lệnh phong tỏa. Tôi cũng may mắn hơn những sản phụ khác khi Bệnh viện Kingston cho phép chồng tôi có mặt trước, trong và sau khi sinh, còn các cơ sở y tế khác thì không.

Thay đổi cách nhìn

Tôi viết những lời chia sẻ này trong khi đang ngồi trên một thân cây ở Công viên Richmond, còn đứa con bé bỏng của tôi đang say giấc nồng trong xe đẩy.

 Tình trạng sức khỏe tâm thần của Isabel được cải thiện sau một thời gian có con. Ảnh: NVCC.

Tình trạng sức khỏe tâm thần của Isabel được cải thiện sau một thời gian có con. Ảnh: NVCC.

Hóa ra, không một nỗi lo lắng nào mà tôi nghĩ đến hồi còn mang bầu trở thành sự thật. Đương nhiên, làm mẹ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, tôi đã nhìn nhận mọi việc theo một cách khác.

Trước đây, chưa một ai nói với tôi rằng tôi sẽ cảm thấy một tình yêu vô cùng sâu sắc khi làm mẹ, đến mức cứ ôm con trai mình là tôi khóc. Chưa người nào đề cập đến những khoảnh khắc nghe tiếng thở dài nhè nhẹ thể hiện “sự hài lòng” từ đứa trẻ sơ sinh trong đêm khuya.

Bằng nhiều cách khác nhau, sống chung với bệnh tâm thần thực ra lại là một bước chuẩn bị tốt cho việc làm phụ huynh. Căn bệnh tâm thần của tôi khá lên nhiều nhờ có đứa con bụ bẫm, đáng yêu của tôi phải “chịu trách nhiệm” thay mẹ nó.

Jacob trở thành một lý do chính đáng để tôi chôn chân ở nhà trong thời điểm đại dịch. Tôi không còn sợ chán nản, lo lắng khi loanh quanh trong không gian nhỏ với con trai, dù trước đó những hoạt động này làm trầm trọng hơn sức khỏe tâm thần của tôi.

Khi mùa hè trôi qua, tôi học được rằng bản thân vẫn có thể chăm sóc tinh thần của mình ngay cả khi bên cạnh tôi là một nhóc tì nhỏ xíu. Tôi không cần phải chạy bộ suốt 2 tiếng đồng hồ hoặc mải mê đi bơi. Tôi hoàn toàn có thể xoa dịu tâm trí mình bằng cách thong dong đi bộ ngoài trời.

 Isabel thích bơi trong nước lạnh để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Ảnh: NVCC.

Isabel thích bơi trong nước lạnh để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Ảnh: NVCC.

Vài tuần sau khi Jacob chào đời, tôi tập tễnh đi qua khu rừng địa phương với con trai nằm trong xe đẩy. Hoạt động này cũng khiến thằng bé ngủ ngon hơn. Khi tỉnh dậy ngoài trời, Jacob cũng bình tĩnh hơn, không gào khóc, miễn là tôi tiếp tục đẩy xe.

Những tháng ngày qua là khoảng thời gian sức khỏe tâm thần của tôi ở mức tốt nhất. Đương nhiên, tôi cũng gặp một số may mắn.

Tôi vẫn được theo dõi cẩn thận bởi nhóm bác sĩ tâm thần chu sinh. Tôi cũng đang sử dụng liều thuốc chống trầm cảm cao nhất và sẵn sàng trở lại điều trị bất cứ lúc nào. Tôi biết rằng vào một thời điểm nào đó, sức khỏe tâm thần của tôi sẽ lại sụp đổ.

Tuy nhiên, việc làm mẹ trong thời gian toàn quốc phong tỏa đã dạy tôi rằng tôi có thể đối phó với bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, dù có bất ngờ đến đâu.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-khung-hoang-khi-biet-minh-mang-thai-post1169785.html