Tôi đưa tiền cho người yêu giữ dùm, giờ chia tay có đòi được không?

Nếu đưa tiền cho người yêu giữ dùm mà không kèm theo điều kiện thì có thể được xem là hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện.

Trước đây tôi có gửi cho anh H (người yêu cũ của tôi) giữ số tiền khoảng 400 triệu đồng để anh gửi tiết kiệm, làm vốn xoay sở làm ăn, trang trải cuộc sống của anh. Số tiền này là do tôi tự gửi, anh H không yêu cầu.

Đến thời điểm hiện tại, tôi và anh đã chia tay, tôi muốn đòi lại số tiền này có được hay không?

Bạn đọc TT (TP.HCM)

Đưa tiền cho người yêu giữ dùm, có đòi lại được không? Ảnh: MINH HOÀNG

Đưa tiền cho người yêu giữ dùm, có đòi lại được không? Ảnh: MINH HOÀNG

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Hơn nữa, thỏa thuận giữa anh/chị và người yêu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự thì việc thỏa thuận giữa các bên dù không được lập thành văn bản vẫn hợp pháp.

Bên cạnh đó, theo Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 (quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản) thì hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ.

Tuy nhiên, tình huống anh/chị đưa ra không phải là quan hệ gửi giữ tài sản mà là một dạng tặng cho tài sản theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng tặng cho tài sản.

Theo đó, kể từ khi nhận được tài sản chuyển giao, hợp đồng tặng cho tài sản sẽ có hiệu lực và người yêu bạn sẽ có quyền sở hữu với số tiền trên. Đồng thời, hợp đồng tặng cho có hai dạng là tặng cho có điều kiện và tặng cho không có điều kiện.

Như anh/chị trình bày thì việc đưa số tiền cho người yêu là hoàn toàn tự nguyện, người yêu của anh/chị không yêu cầu, anh/chị cũng không đề cập gửi tiền có kèm theo điều kiện gì hay không. Cho nên, trường hợp anh/chị gửi tiền và không kèm theo bất kỳ điều kiện gì thì có thể được xét vào hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện.

Căn cứ quy định tại Điều 238 Bộ luật Dân sự 2015, khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.

Như vậy, theo quy định trên thời điểm anh/chị chuyển giao số tiền 400 triệu đồng cho người yêu đã là hành động chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền đó. Lúc này, anh/chị không có quyền gì đối với số tiền nữa. Trường hợp này thì việc anh/chị đòi lại số tiền đã cho người yêu là không có căn cứ pháp luật.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/toi-dua-tien-cho-nguoi-yeu-giu-dum-gio-chia-tay-co-doi-duoc-khong-post791636.html