'Tôi điên cuồng tập thể dục để có được cơ thể hoàn hảo'

Sự căng thẳng trong thời kỳ đại dịch khiến Lauren Krouse, một cây viết tự do về sức khỏe, bị rối loạn ăn uống và phải tập luyện quá mức để lấy lại vóc dáng như xưa.

Lauren Krouse (28 tuổi, đến từ Wilmington, bang Bắc Carolina, Mỹ) luôn cảm thấy căng thẳng với vẻ ngoài của mình. Thời trung học, Krouse là một vận động viên nên cơ thể của cô rất gầy. Nhưng từ khi vào đại học và bỏ thể thao, số cân nặng mà Krouse gìn giữ bấy lâu tăng lên nhanh chóng.

“Kể từ đó, tôi đã phải vật lộn để tìm ra sự cân bằng giữa việc thưởng thức đồ ăn, tập thể dục lành mạnh và duy trì cân nặng của mình nhằm lấy lại vóc dáng”, Krouse nói với The Lily.

Trước đại dịch, Krouse thường xuyên tập chạy và nâng tạ. Sau đó, khi xứ cờ hoa lần lượt phong tỏa các bang vào năm ngoái, cuộc sống và thói quen hàng ngày của cô gần như bị đảo lộn.

“Có bằng chứng cho thấy phụ nữ đã phải vật lộn với hình ảnh cơ thể hoặc bị rối loạn ăn uống do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Các triệu chứng thường trở nên tồi tệ và cũng khó tiếp cận để giúp đỡ họ hơn”, Renee Engeln, giáo sư tâm lý học tại Đại học Northwestern, nhận định.

 Lauren Krouse ám ảnh với cơ thể không hoàn hảo của mình. Ảnh: The Lily.

Lauren Krouse ám ảnh với cơ thể không hoàn hảo của mình. Ảnh: The Lily.

Căng thẳng gia tăng

Tháng 3/2020, Krouse đã chuyển đến một thị trấn nhỏ bên ngoài Harrisonburg (bang Virginia) để chăm sóc bà của mình. Điều này đặt thêm trách nhiệm lên vai Krouse giữa thời kỳ khó khăn.

Bận rộn cả ngày với công việc gia đình, Krouse cho biết cô không có thời gian dành cho bản thân. Cô gái 28 tuổi vốn là một nhà văn tự do về sức khỏe. Thời gian gần đây, cô thường xuyên trễ thời hạn và gặp rắc rối với các biên tập viên. Điều này khiến cô căng thẳng và ăn rất nhiều để giải tỏa sự khó chịu trong người.

“Mức độ lo âu cao khiến việc chăm sóc bản thân trở nên khó khăn hơn. Trong mùa dịch, sự lo lắng và trầm cảm ngày càng gia tăng. Những cảm xúc này không tạo tiền đề cho việc phát triển một cơ thể khỏe mạnh vì mọi người có xu hướng làm ngược lại", Engeln nhấn mạnh.

Sự căng thẳng có thể khiến nhiều người ăn uống không kiểm soát. Ảnh: Pinterest.

Tháng 4/2020, khi đám cưới của chị gái sắp diễn ra, Krouse quyết định lấy lại thân hình săn chắc để tham dự ngày trọng đại này. Cô lên kế hoạch giảm 2 kg trong một tuần.

“Tôi điên cuồng tập thể dục để có được cơ thể hoàn hảo. Nhưng nó lại khiến tôi đau khổ, lúc nào tôi cũng đói và cố gắng không ăn hết thức ăn trong bếp vào ban đêm”, Krouse kể lại.

Nhưng một thời gian sau, Krouse không thấy sự thay đổi rõ rệt. Cô nói rằng việc tự cân đo, chụp ảnh tiến độ thường xuyên chỉ cho thấy mức độ giảm cân của cô đang dần chậm lại và số cân nặng dao động.

Sau khoảng 2-3 tuần chống chọi với cơn đói, cô quyết định cho mọi thứ chậm lại.

Hài lòng với cơ thể

Câu chuyện của Krouse là một điều mà Engeln muốn cảnh báo về chế độ ăn kiêng khắc nghiệt: “Nó không chỉ khiến bạn đói và cáu kỉnh triền miên mà còn có xu hướng khiến bạn bị ám ảnh bởi đồ ăn và việc ăn uống”.

Theo Engeln, một số giải pháp ăn kiêng không khiến mọi người khỏe mạnh hơn. Trong thời kỳ Covid-19, nó đã dựa vào nỗi sợ hãi về việc tăng cân để kiếm tiền từ họ bằng cách bán những lời hứa hão huyền như “lấy lại số kg dễ dàng”, “một lần duy nhất”.

Virgie Tovar, chuyên gia về hình ảnh cơ thể, đồng tình với quan điểm này. “Văn hóa ăn kiêng không có tác dụng tích cực lắm. Giảm cân không đúng cách là một cái bẫy khiến chúng ta mắc kẹt và gây ra sự độc hại về mặt tinh thần và thể chất”.

Là một người viết về sức khỏe, Krouse biết rằng cách tốt nhất là giảm cân từ từ và thực hiện các thay đổi lối sống bền vững. Vì vậy, cô bắt đầu tiếp cận những tình trạng về cơ thể để giải quyết vấn đề lớn hơn như tâm trạng và thói quen ăn uống vô độ của bản thân.

Cô nấu ăn nhiều hơn và thử những công thức mới đến từ các quốc gia khác nhau. Nữ nhà văn cũng loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn khỏi thực đơn của mình. Mục tiêu mỗi tuần của cô là nấu món mới cho bản thân thay vì ra ngoài mua.

Krouse cũng điều chỉnh lại việc tập thể dục như tranh thủ chạy quanh bệnh viện khi đưa bà đi tái khám hoặc cố gắng tập tạ bất cứ lúc nào có thời gian.

Krouse tìm ra cách thay đổi chế độ ăn và tập luyện. Ảnh: The Lily.

Sau khi tìm hiểu về cách thiền để điều trị chứng lo âu, Krouse quyết định nghiêm túc thực hiện.

“Tôi thiền khoảng 10-20 phút vào 4 ngày trong tuần. Sau khi thiền, tôi viết nhật ký và lập danh sách ghi lại những điều mình biết ơn. Có một sự thật là mọi người thường lầm tưởng phải tạo ra rất nhiều kỷ luật để giảm cân. Điều đó khiến họ thấy tồi tệ và đặt ra những mục tiêu bất khả thi”.

Krouse cho biết cô luôn nhắc nhở bản thân về mức độ phải đối mặt với cuộc sống đời thường và cố gắng tạo niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.

“Cho bản thân không gian để thất bại và dành thời gian để thừa nhận những bước đi rất quan trọng. Sự khoan dung với bản thân đã giúp tôi có được sức khỏe toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nó hữu ích hơn so với bất kỳ kế hoạch nghiêm ngặt nào hoặc những thứ tiêu cực từng làm”, Krouse bày tỏ.

Sau đám cưới của chị gái, Krouse nhìn lại các bức ảnh ngày đó và tự hào về những gì mình có. Điều cô ưng ý nhất cánh tay săn chắc vì nó khiến cô trông đẹp hơn.

“Tôi không có thân hình mà tôi hằng mong muốn nhưng tôi thấy hạnh phúc với diện mạo của mình hiện tại. Đây thực sự là một bước ngoặt lớn đối với tôi”, Krouse kết luận.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-dien-cuong-tap-the-duc-de-co-duoc-co-the-hoan-hao-post1229200.html