Tốc độ lún của các siêu đô thị đang ngày càng gia tăng

Hoạt động của con người (khai thác nước ngầm, xây thành phố trên trầm tích mềm) và hiện tượng tự nhiên (nước biển nóng lên và dâng cao) khiến nhiều nơi trên bề mặt Trái Đất lún xuống, đặc biệt với các siêu đô thị dày đặc nhà chọc trời.

TP New York đang sụt lún dưới sức nặng của nhà chọc trời.

New York đang chậm rãi chìm vào Đại Tây Dương

Nghiên cứu mới lập mô hình địa chất bên dưới New York so với dữ liệu vệ tinh cho thấy thành phố đang sụp dần vào lòng đất, với tốc độ 1-2mm/năm dưới sức nặng của hơn 1 triệu tòa nhà chọc trời.

Một số khu vực trong thành phố chìm với tốc độ nhanh hơn. Sự biến dạng có thể gây rắc rối cho thành phố thấp nơi hơn 8 triệu người đang sinh sống.

Các nhà nghiên cứu lập bản đồ cảnh báo quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, khiến tình trạng sụt lún của New York càng thêm trầm trọng.

Chỉ riêng 2 công trình kiến trúc, bao gồm Tòa nhà Empire State và Tòa nhà Chrysler nổi tiếng, nặng tương đương trọng lượng của 140 triệu con voi.

Sức nặng khổng lồ này đang đẩy mớ hỗn độn các vật liệu khác nhau xuống lòng đất. Trong khi nhiều tòa nhà lớn được xây dựng làm tăng thêm hiệu ứng chìm dọc theo phần lớn bờ biển phía Đông New York.

Thủ đô Mexico sụt lún với tốc độ báo động

Mexico City -bsiêu đô thị đông dân nhất Bắc Mỹ đang sụt lún ở tốc độ hàng chục centimet mỗi năm và hầu như không có biện pháp khắc phục.

Dữ liệu mặt đất trong 115 năm và dữ liệu GPS trong 24 năm, phát hiện thành phố tiếp tục sụt lún ở cùng tốc độ.

Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên nhận thấy Mexico City đang sụt vào đầu thế kỷ 20, ở tốc độ khoảng 8cm/năm. Năm 1958, con số tăng lên 29cm/năm, dẫn tới quyết định hạn chế lượng nước lấy từ các giếng ở trung tâm thành phố.

Sau đó, tốc độ sụt lún giảm xuống dưới 9cm/năm, nhưng trong 2 thập niên qua, dữ liệu độ phân giải cao hé lộ tốc độ đều đặn lên tới 40cm/năm ở khu vực trung tâm của thành phố.

Thủ đô Bắc Kinh sụt lún 11cm mỗi năm

Nghiên cứu mới qua ảnh chụp vệ tinh cho thấy nhiều khu vực ở Bắc Kinh của Trung Quốc, đặc biệt là khu trung tâm hành chính thương mại, đang sụt lún tới 11cm/năm.

Hiện tượng sụt lún xảy ra mạnh nhất ở quận Triều Dương, nơi bắt đầu phát triển từ năm 1990 với hàng loạt tòa nhà chọc trời, đường vành đai và các công trình khác.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo hiện tượng sụt lún kéo dài sẽ trở thành nguy cơ cho sự an toàn của thủ đô với hơn 20 triệu dân này và hoạt động của ngành đường sắt sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Những thành phố đang chìm ở Đông Nam Á

Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore theo dõi 48 thành phố qua hình ảnh vệ tinh trong giai đoạn 2014-2020, cho thấy mức lún trung bình 16mm/năm, trong đó một số thành phố lún đến 43mm.

Nhiều năm trở lại đây, Jakarta của Indonesia, một siêu đô thị với 10 triệu dân luôn nằm trong nhóm thành phố lún nhanh nhất thế giới. Trung bình thành phố lún khoảng 3,4cm/năm.

Cá biệt có những khu vực ở miền Bắc Jakarta lún với tốc độ 25cm/năm. Điều này khiến Jakarta trở thành một trong những đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.

Indonesia đang có kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta, tới thành phố mới xây dựng trên đảo Borneo cách đó 2.000km.

Trong khi đó, Bangkok của Thái Lan nằm ở độ cao 1,5m so với mực nước biển và đang chìm 2-3cm mỗi năm.

Nghiên cứu từ năm 2020 chỉ ra thủ đô của Thái Lan sẽ là nơi đầu tiên hứng chịu toàn bộ tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan báo cáo thủ phủ này có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong thế kỷ tới.

Còn nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters, đã tiết lộ một số thành phố lớn ở Đông Nam Á đang bị chìm nhanh hơn mực nước biển dâng.

Đặc biệt, thủ đô Hà Nội và TPHCM của Việt Nam lọt top 10 thành phố đang bị nhấn chìm nhanh nhất thế giới, trong đó TPHCM đang lún xuống đến 16,2mm/năm.

Vấn đề các thành phố lớn sụt lún đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều nhà khoa học đã dùng đến từ thảm họa để nói về tình trạng này: một thảm họa khởi phát chậm.

H.N (tổng hợp)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/toc-do-lun-cua-cac-sieu-do-thi-dang-ngay-cang-gia-tang-post106915.html