Tốc độ 'đốt tiền' của doanh nghiệp startup

Trong thế giới khởi nghiệp lạ lùng, khoảng thời gian bạn có cho đến khi startup của bạn hết tiền và buộc phải đóng cửa được gọi là thời gian sống sót.

“Thời gian sống sót” và “tốc độ đốt tiền”

Trong thế giới khởi nghiệp lạ lùng, khoảng thời gian bạn có cho đến khi startup của bạn hết tiền và buộc phải đóng cửa được gọi là thời gian sống sót (runway time) của bạn. Bạn có thể có bốn tháng sống sót trước khi cạn tiền, hoặc bạn có thể có một năm. Nó phụ thuộc vào số tiền bạn có và số tiền bạn đang “đốt”.

“Tốc độ đốt tiền” của bạn là số tiền mà startup của bạn đang mất mỗi tháng. Nếu startup của bạn có 5.000 bảng trong ngân hàng, và tốc độ đốt của bạn là 1.000 bảng một tháng, thì bạn có thời gian sống sót là 5 tháng.

Nhiều tiền hơn có nghĩa là bạn có một khoảng thời gian sống sót dài hơn. Ngoài ra, tốc độ đốt tiền càng thấp, bạn cũng sẽ càng có nhiều thời gian sống sót.

Đây là một khái niệm rất hữu ích trong giới startup vì kinh doanh khởi nghiệp có thể mất từ vài tháng đến vài năm trước khi có lãi. Điều này đặc biệt đúng đối với các startup siêu tăng trưởng không nhắm vào thu lợi nhuận mà nhắm đến mục tiêu tăng trưởng (người dùng hoặc khách hàng) nhiều nhất có thể, rồi sau đó mới bắt đầu tạo lãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Karolina Grabowska/Pexels.

Chẳng hạn, nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng tính đến năm 2019, Uber vẫn không có lãi. Họ đã đốt tiền với tốc độ đáng kinh ngạc trong suốt thời gian qua, và lý do họ có thể làm được điều đó là vì họ có thể tiếp tục huy động ngày càng nhiều tiền hơn từ các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư này kiên nhẫn và tin tưởng rằng cuối cùng công ty sẽ có lãi.

Nhưng ngay cả khi bạn không có được nguồn tài trợ gần như vô tận như Uber và đang lên kế hoạch tự thân khởi sự một startup về lối sống hướng tới lợi nhuận, thì bạn vẫn cần tính toán thời gian sống sót của chính mình để xem bạn sẽ có thể sống được bao lâu mà không có lương.

Điều này rõ ràng là dễ dàng hơn nếu bạn đang khởi sự với một số tiền lớn, nhưng ngay cả khi đó, bạn vẫn cần biết thời gian sống sót của mình. Rất nhiều tiền cũng có thể trở thành không có tiền nếu bạn tính toán sai thời gian đó.

Nếu bạn vẫn chưa liều toàn thời gian vào gây dựng một startup, thì bạn có thể làm hai việc để tiếp tục. Một là cắt chi phí (giảm tốc độ đốt của bạn) và hai là tăng tiền. Cắt giảm chi phí có thể nghĩa là đơn giản hóa lối sống (ví dụ, nếu bạn còn trẻ và độc thân thì chuyển đến sống cùng cha mẹ là một phương pháp đã được thử nghiệm và xác thực, nếu bạn đủ may mắn để làm thế).

Và đối với một startup, tinh giản chi tiêu (tiết kiệm) luôn là chìa khóa, vì tiết kiệm tiền là điều quan trọng để kéo dài thời gian sống sót và giúp bạn có thời gian tạo lãi. Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng quá tiết kiệm đến nỗi không đầu tư vào những thứ mà startup của bạn cần để thành công.

Vậy, chính theo cách này, nhiều tiền có thể là một lợi thế bất công rất lớn. Nhưng đừng thối chí - không có nhiều tiền cũng có thể có những lợi ích riêng. Chúng tôi sẽ bàn tới điều đó sau.

Cuối cùng, như chúng tôi sẽ thảo luận trong Chương 17 (Gọi vốn), sau những người sáng lập, những người đầu tiên sẽ đầu tư vào một startup thuộc ba nhóm F: Family (Gia đình), Friends (Bạn bè) và Fools (Kẻ ngốc). Dĩ nhiên, “kẻ ngốc” ở đây chỉ là cách nói khôi hài và phản ánh tính rủi ro cao khi đầu tư vào một startup, và hy vọng là họ sẽ không dại dột khi đầu tư vào công ty của bạn.

Tuy nhiên, khả năng huy động vốn của bạn thông qua quen biết những người giàu có và có thể thuyết phục họ cấp vốn cũng có thể được coi là một lợi thế về Tiền. Chẳng hạn, nếu bạn bè và gia đình của bạn giàu có, họ có thể đủ khả năng tham gia và đầu tư vào startup của bạn.

Ash Ali & Hasan Kubba/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/toc-do-dot-tien-cua-doanh-nghiep-startup-post1467663.html