Toàn cảnh vụ phụ huynh nhắn tin 'xúc phạm' nhà trường: Học sinh bị buộc nghỉ học?

Ông H., phụ huynh học sinh trong vụ việc xảy ra tại trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội, cho biết con ông đã bị yêu cầu nghỉ học từ ngày 4/10.

Vụ việc xảy ra tại trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội. Theo văn bản thông báo của nhà trường, ngày 26/8, một phụ huynh lớp 12A3 đã có những tin nhắn trên nhóm lớp với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nhà trường đã 2 lần mời phụ huynh làm việc, cử giáo viên chủ nhiệm tới nhà đưa giấy mời, nhưng phụ huynh này không hợp tác.

Ngày 25/9, nhà trường gửi thông báo có ghi: "Nay nhà trường gửi thông báo đến ông H., mời ông bố trí thời gian lên làm việc với Ban giám hiệu nhà trường trước ngày 29/9/2023. Sau thời gian trên, nếu ông H. không lên làm việc với nhà trường thì nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh K. lớp 12A3" (tên phụ huynh và học sinh đã thay đổi).

Văn bản thông báo gửi phụ huynh của Trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, cho biết trường mời phụ huynh lên làm việc không phải về nội dung liên quan tới chuyện thu chi mà vì “phụ huynh trong nhóm lớp đã có tin nhắn nội dung xúc phạm danh dự của nhà trường”.

Trước câu hỏi căn cứ nào để trường có quyền từ chối công tác giáo dục với học sinh, ông Dũng cho hay Trường THPT Lạc Long Quân là trường ngoài công lập và có nội quy, quy chế, quy trình phản ánh của phụ huynh, giáo viên, nhân viên.

Ông Dũng giải thích thêm: “Trong công tác giáo dục học sinh, kể cả các văn bản của Bộ GD&ĐT, cần việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Gửi con tới trường, trường mời lên nhưng phụ huynh không lên. Giáo viên chủ nhiệm về tận nhà mời, họ cũng không lên. Không có sự hợp tác trong công tác giáo dục, làm sao nhà trường có thể làm được?

Hình ảnh các khoản thu đầu năm của lớp 12A3 Trường THPT Lạc Long Quân do phụ huynh cung cấp cho báo chí.

Phụ huynh lúc nào cũng đòi hỏi nhà trường phải thế này, thế kia trong khi phụ huynh không tôn trọng nhà trường. Chúng tôi muốn mời lên làm việc là để phụ huynh có ý kiến tại sao lại nhắn như thế trong nhóm lớp. Chúng tôi chỉ cần sự giải thích của phụ huynh”.

Ông Dũng cho hay, nhà trường có quy trình từng bước, chứ không phải mời một lần, phụ huynh không lên sẽ cho học sinh dừng học ngay.

Tối 4/10, chia sẻ với báo chí, ông H. - phụ huynh học sinh Trường THPT Lạc Long Quân cho biết, con ông đã nghỉ học từ sáng nay, 4/10, theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm.

Luật sư Hoàng Văn Liêm - Văn Phòng Luật Sư Quốc Tế L&P - nêu quan điểm: "Trường THPT Lạc Long Quân là trường ngoài công lập. Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là mối quan hệ hợp đồng cung cấp dịch vụ, cụ thể là "dịch vụ giáo dục". Theo đó, nhà trường sẽ là bên cung cấp dịch vụ giáo dục như đã thỏa thuận với phụ huynh.

Việc nhà trường từ chối công tác giáo dục đối với học sinh có thể hiểu là việc nhà trường đơn phương chấm dứt việc cung cấp dịch vụ giáo dục đã thỏa thuận trước đó với phụ huynh.

Căn cứ theo Điều 428, 520 của Bộ luật Dân sự 2015 thì bên cung cấp dịch vụ được quyền đơn phương chấp dứt hợp đồng dịch vụ khi: (i) bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ; (ii) các bên có thỏa thuận về các trường hợp chấm dứt.

Đối với trường hợp đầu tiên, bên sử dụng dịch vụ "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ" thì theo Khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, thuật ngữ này được hiểu là: "việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng."

Mục đích cơ bản khi giao kết hợp đồng dịch vụ là bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Trường hợp này, có thể hiểu mục đích cơ bản khi giao kết hợp đồng của phụ huynh là mong muốn nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho con của họ; của nhà trường là nhận được đầy đủ học phí.

Do đó, việc phụ huynh không đến làm việc theo giấy mời của nhà trường để làm rõ tin nhắn gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường không phải là trường hợp "không đạt được mục đích của giao kết hợp đồng" để làm căn cứ chấm dứt hợp đồng; nhất là việc bị ảnh hưởng uy tín của nhà trường còn chưa rõ ràng.

Trường hợp thứ hai là việc chấm dứt hợp đồng dựa trên những căn cứ mà các bên khi giao kết hợp đồng đã thỏa thuận. Nhà trường muốn chấm dứt cung cấp dịch vụ giáo dục vì lý do nào thì trước đó phải có thỏa thuận hợp pháp với phụ huynh về nội dung này. Khi đó, việc chấm dứt cung cấp dịch vụ giáo dục mới đúng pháp luật.

Linh Lê (tổng hợp)

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/toan-canh-vu-phu-huynh-nhan-tin-xuc-pham-nha-truong-hoc-sinh-bi-buoc-nghi-hoc-post1575221.tpo