Toàn cảnh Dinh Tỉnh trưởng cũ trong lòng khu Hòa Bình của Đà Lạt

Dinh Tỉnh trưởng cũ có kiến trúc đẹp, còn khá chắc chắn, nằm trên một ngọn đồi xanh mát, là một trong những mảng xanh hiếm hoi còn lại trong lòng khu Hòa Bình của TP Đà Lạt.

Toàn cảnh Dinh Tỉnh trưởng cũ trong lòng TP Đà Lạt

Dinh Tỉnh trưởngnằm trên ngọn đồi rộng gần 5 ha, cao 1.500 m so với mực nước biển, có địa chỉ tại số 01 Lý Tự Trọng, phường 1, TP Đà Lạt. Ngọn đồi này chỉ cách trung tâm khu Hòa Bình, chợ Đà Lạt hay khu phức hợp Dalat Center chỉ hơn 1 km.

Dinh được xây dựng từ khoảng năm 1910 với lối kiến trúc Pháp, 2 tầng lầu, 1 tầng trệt gắn với lịch sử 130 năm hình thành phát triển của thành phố Đà Lạt. Tòa nhà là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức trước đây. Do đó người dân địa phương vẫn quen gọi là Dinh Tỉnh trưởng.

Hiện nay, dinh và toàn bộ khuôn viên đang được giao cho Trung tâm văn hóa nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng sử dụng, quản lý.

Khuôn viên của Dinh Tỉnh trưởng có nhiều cây xanh và thảm cỏ, không gian mát mẻ cả ngày. Từ ngọn đồi này có thể nhìn bao quát xuống hồ Xuân Hương, khu Hòa Bình hoặc hướng sang núi Langbiang.

Khu vực Dinh Tỉnh trưởng cũng có nhiều cây xanh rất lớn, đường kính thân phải nhiều người ôm mới đủ.

Đầu tháng 9-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định số 53/2023/QĐ-UBND quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó Dinh Tỉnh trưởng và Dinh Nguyễn Hữu Hào không còn nằm trong danh sách biệt thự được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc nhóm 1, chuyển sang danh sách biệt thự nhóm 2.

Hiện nay Dinh Tỉnh trưởng dù được giao cho đơn vị thuộc cơ quan nhà nước sử dụng nhưng trong tình trạng thường xuyên không có người trông coi. Biệt thự thuộc nhóm 2 khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Nếu hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ đổ sập thì khi phá dỡ xây dựng lại, phải đảm bảo đúng kiến trúc ban đầu, đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của công trình cũ.

Nhìn từ bên ngoài, tòa dinh dù có dấu hiệu cũ kỹ nhưng vẫn chắc chắn. Công trình này ra khỏi nhóm 1, đưa vào nhóm 2 vì chỉ đạt tiêu chí về giá trị lịch sử - văn hóa nhưng không đạt tiêu chí nghệ thuật kiến trúc - cảnh quan.

Phương án Dinh Tỉnh trưởng được giữ nguyên để làm bảo tàng và đưa lên cao 28 m so với vị trí ban đầu, phía dưới làm khu phức hợp khách sạn 10 tầng gồm khách sạn, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, mấy năm qua cũng gây ra nhiều tranh luận.

Một số vị trí mái ngói bị thủng, cây dại mọc ngay cả trên nóc tòa dinh.

Hệ thống điện kéo từ ngoài vào Dinh Tỉnh trưởng khá sơ sài, nằm lộ thiên bên ngoài.

Bên ngoài tòa dinh, trừ những vị trí được sơn vàng thì còn lại đã có dấu hiệu rêu phong, cũ kỹ do không được chăm sóc, bảo dưỡng.

Quanh móng tòa nhà Dinh Tỉnh trưởng mọc đầy cỏ dại, dương xỉ, rong rêu bám nhiều.

Phía sau công trình theo hướng nhìn về tòa nhà Dalat Center có người dùng làm nơi thả ngựa nên phân ngựa vương vãi khá nhiều.

Sau khi thông tin Dinh Tỉnh trưởng bị loại khỏi danh sách biệt thự nhóm 1, nhiều người lo lắng tòa dinh và cả vườn cây cổ thụ sẽ bị tác động để xây dựng khu phức hợp khách sạn. "Ngôi nhà rất đẹp và còn chắc chắn, nếu được tôn tạo trở thành nơi phát triển du lịch như Dinh I và Dinh III thì sẽ tốt hơn" - anh Trọng, du khách từ TP HCM, chia sẻ khi đi dạo trong Dinh Tỉnh trưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên, khách đến đây chủ yếu tự phát. Đa số là các bạn trẻ đến chụp ảnh lưu niệm vì nghe đến việc dinh bị loại khỏi nhóm 1. "Ở đây mát mẻ suốt ngày, kể cả giờ trưa vẫn không có nắng. Tôi mong muốn dinh sẽ được nâng cấp và bảo tồn vì biệt thự trên 100 năm của Đà Lạt đến nay chẳng còn bao nhiêu" - anh Trọng nói.

Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/toan-canh-dinh-tinh-truong-cu-trong-long-khu-hoa-binh-cua-da-lat-20230916104741777.htm