TỌA ĐÀM VỀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH LƯỠNG DỤNG

Chiều ngày 26/1, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Tọa đàm 'Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng và huy động nguồn lực xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh'. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh điều hành cuộc Tọa đàm.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng chủ trì Tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh gồm: Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Trung tướng Đỗ Quang Thành và Trung tướng Trần Ngọc Khánh; các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban. Về phía đại diện Ban soạn thảo Luật, tham gia cuộc Tọa đàm có Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Cuộc tọa đàm có còn có sự tham dự của đại diện Cục Quân lực, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng; Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tiến sỹ…

Về phía Quân khu 7, có Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh Quân khu. Đại diện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQPAN) là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia và tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đảng và Nhà nước có chính sách xây dựng CNQPAN theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, việc tổ chức và phát triển CNQPAN bảo đảm tính lưỡng dụng còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện lưỡng dụng trong các dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Do chưa có chính sách khuyến khích phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng nên khi nghiên cứu sản xuất hoặc nhập khẩu dây chuyền chưa tính đến khả năng chuyển đổi sản xuất, chưa phát huy hiệu quả sản xuất lưỡng dụng. Vì vậy, cuộc Tọa đàm này là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp thảo luận sâu, làm rõ tính khả thi của các quy định của Luật.

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để phát triển CNQPAN, cần thiết thu hút nguồn nhân lực ngoài ngành Quân đội, Công an. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để xây dựng các chính sách để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực này; đồng thời phát huy sáng tạo, sáng kiến về khoa học công nghệ, vì hiện nay CNQPAN gia công các sản phẩm vẫn là chủ yếu. Đây là luật đặc thù, đặc biệt nên phải có các chính sách vượt trội hơn hẳn, khác biệt không theo các quy định thông thường để ưu tiên phát triển CNQPAN hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Ý kiến khác lại cho rằng, hiện nay, nguồn lực từ dân sự rất nhiều, đa dạng nên Luật cần tạo cơ chế, chính sách để huy động, phát huy được nguồn lực này cho phát triển CNQPAN, cho nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Với một số ngành nghề, chúng ta phải nắm được công nghệ lõi. Vì vậy, phải nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao, chế thử, sản xuất, để từ đó có thể làm chủ được công nghệ hiện đại. Phát triển CNQPAN lưỡng dụng là yêu cầu đặt ra và đã trở thành nhiệm vụ của các cơ sở, doanh nghiệp trong thời gian qua, bởi nếu không sẽ không đủ nguồn lực để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giữ chân người lao động. Muốn phát triển CNQPAN, phải có quy hoạch về lĩnh vực này, thậm chí phải quy hoạch vùng vì mỗi vùng có những đặc điểm khác nhau.

Việc phát huy tính lưỡng dụng, tăng cường và phát triển liên kết giữa CNQPAN với công nghiệp dân sinh cần được triển khai theo cả hai hướng: lưỡng dụng trong các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN để phát huy hiệu quả đầu tư và lưỡng dụng trong công nghiệp dân sinh để huy động phục vụ CNQPAN. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với tư cách là chủ sở hữu các cơ sở, doanh nghiệp QPAN, chứ không chỉ dừng lại ở việc quy định chung chung kiểu quản lý nhà nước, sẽ dẫn đến khó triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận Tọa đàm

Kết luận buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là dự án luật khó nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn theo chủ trương của Đảng về phát triển CNQPAN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Vì vậy, phát triển lưỡng dụng, huy động nguồn lực xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là yêu cầu đặt ra đối với quá trình xây dựng Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, đồng thời đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo UBTVQH một số nội dung lớn tại phiên họp tháng 2/2024./.

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84409