Tọa đàm 'Vẻ đẹp của sự đa dạng'

Ngày 28-11, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'Vẻ đẹp của sự đa dạng'.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo không gian để sinh viên, giảng viên và chuyên gia trao đổi kiến thức liên quan đến sự đa dạng trong xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới, đặc điểm giới tính và những câu chuyện của cộng đồng LGBTI+.

Giải thích các khái niệm về giới tính, bà Đắc Thị Kiều Hồng, Ban điều hành, Quản lý nâng cao năng lực cộng đồng Tổ chức IT'S T Time cho biết: Bản dạng giới là cảm nhận của một người về bản thân, từ bên trong tiềm thức, rằng mình thuộc về giới nào.

Đặc điểm giới tính là những đặc điểm di truyền của cơ thể, từ đó dẫn đến sự phân chia thành giới tính sinh học. Chúng bao gồm đặc điểm sơ cấp (nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, bộ phận sinh dục ngoài và trong, nội tiết tố,...) và đặc điểm thứ cấp, thể hiện rõ khi bước vào giai đoạn dậy thì (sự phát triển của cơ bắp, lông, ngực, giọng nói, dáng người,...).

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới. Do đó CSAGA tổ chức hội thảo tại Học viện Phụ nữ Việt Nam với mong muốn truyền tải kiến thức về giới tới các bạn sinh viên, những người trong tương lai sẽ làm truyền thông trong lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Vân Anh nhấn mạnh: “Mở rộng tầm nhìn, hiểu chính mình và hiểu những người xung quanh, hiểu sự đa dạng của thế giới rất quan trọng với người trẻ. Sự sáng tạo, sự tôn trọng và tình yêu thương được xây dựng từ những điều tưởng như rất đơn giản ấy”.

TS Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Truyền thông có vai trò định hướng dư luận xã hội, giúp xã hội nhận thức đúng đắn hơn, quay về giá trị nhân văn, nhân ái của con người, yêu thương, tôn trọng nhau nhiều hơn. Những người làm truyền thông trước hết phải hiểu được chính bản thân mình rồi thấu hiểu nhân vật, cộng đồng, xã hội. Muốn đưa hơi thở cuộc sống vào bài viết thì người làm truyền thông cần làm bạn với chính nhân vật trong câu chuyện của mình, cùng ăn, cùng ở với họ để hiểu sâu sắc về nhân vật.

Tin, ảnh: LA DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/toa-dam-ve-dep-cua-su-da-dang-753337