Tòa án Hiến pháp Indonesia bác đơn kiện về kết quả bầu cử tổng thống

Tòa án Hiến pháp Indonesia ngày 22/4 đã bác bỏ các đơn kiện của luật sư đại diện cho 2 cặp ứng cử viên đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 2 trước đó, liên quan tới việc tổ chức bầu cử lại và loại bỏ kết quả chiến thắng của ông Prabowo Subianto.

Ông Prabowo Subianto, người đắc cử Tổng thống Indonesia. Ảnh: EPA - EFE

Trước đó, kết quả kiểm phiếu chính thức do Ủy ban Bầu cử Indonesia công bố ngày 20/3 cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã giành chiến thắng với 96.214.691 phiếu bầu, chiếm 58,59% tổng số phiếu. Trong khi đó, cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nhận được 24,9% số phiếu bầu và cựu Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo nhận được 16,5%.

Tuy nhiên, kết quả này vấp phải sự phản đối từ phía các ứng viên thất bại là ông Anies Baswedan và ông Ganjar Pranowo – những người muốn cuộc bầu cử được tiến hành lại, loại bỏ kết quả chiến thắng của ông Prabowo cũng như loại bỏ ông Gibran Rakabuming Raka – người đồng tranh cử cùng ông Prabowo và là con trai của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo.

Tới ngày 23/3, đội ngũ pháp lý của 2 ứng viên này đã nộp các đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp Indonesia. Tuy nhiên tới ngày 22/4, Chánh án Tòa án Hiến pháp Suhartoyo cho biết cơ quan này bác bỏ đơn kiện do nhóm luật sư đại diện cho ông Anies đệ trình cũng như đơn kiện của phía ông Ganjar.

Theo hãng tin Straits Times, các luật sư đại diện cho ông Anies đã đặt câu hỏi về tính công bằng của Ủy ban bầu cử và các cơ quan liên quan khác, đồng thời khẳng định khoản viện trợ xã hội khổng lồ của chính phủ phân bổ cho cử tri trong thời gian tranh cử đã mang lại lợi ích cho ứng cử viên có quan hệ chặt chẽ hơn với tổng thống đương nhiệm.

Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ tuyên bố rằng trợ cấp xã hội có bất kỳ ảnh hưởng nào đến kết quả bầu cử. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Daniel Yusmic Pancastaki Foekh cho biết khi đến lượt đọc tài liệu phán quyết: “Tòa án Hiến pháp không tin rằng có mối quan hệ nhân quả giữa phân phối trợ cấp xã hội và sự gia tăng số phiếu bầu của bất kỳ ứng cử viên nào”.

Ông Anies và các luật sư cũng cáo buộc chính phủ đương nhiệm do ông Widodo lãnh đạo đã sử dụng các đặc quyền thể chế, trong đó bao gồm cả việc huy động công chức và nhân viên an ninh tham gia vào chiến dịch tranh cử - để ủng hộ ông Prabowo và ông Gibran.

Các ứng cử viên thua cuộc còn đặt vấn đề về tính hợp lệ trong tư cách ứng cử của ông Gibran. Hồi năm 2023, tòa án đã đưa ra phán quyết cho phép ông Gibran Rakabuming Raka trở thành người đồng hành cùng tranh cử với ông Prabowo. Phán quyết này đã đưa ra một ngoại lệ do yêu cầu về độ tuổi tối thiểu đối với các ứng cử viên là 40 trong khi ông Raka chỉ mới 37 tuổi.

Liên quan đến vấn đề này, các luật sư đại diện cho ông Anies cáo buộc ông Widodo phạm tội gia đình trị, vi phạm nghị định năm 1998 do Hội đồng Tư vấn Nhân dân ban hành cũng như các luật và quy định liên quan.

Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp hôm 22/4 đã bác bỏ cáo buộc này khi cho rằng tư cách phó tổng thống đắc cử của ông Gibran là kết quả của một cuộc bầu cử chứ không phải sự bổ nhiệm. Ông Daniel dẫn lời phán quyết cho biết: “Bất kỳ vị trí nào được bổ nhiệm thông qua một cuộc tổng tuyển cử đều không thể bị coi là một hình thức gia đình trị”.

Ở một diễn biến khác, 3 thẩm phán bao gồm ông Saldi Isra, bà Enny Nurbaningsih và ông Arief Hidayat cũng được báo cáo là có quan điểm bất đồng với phán quyết. Ông Saldi nhấn mạnh các thành viên Nội các của ông Widodo đã giúp đỡ chiến dịch tranh cử của ông Prabowo và ông Gibran – động thái được ông gọi là “chính trị hóa các khoản trợ cấp xã hội”.

Về phía ông Arief, ông cho biết chính phủ đã vi phạm bầu cử một cách có hệ thống và có cấu trúc, trong khi bà Enny cho biết cơ quan giám sát bầu cử quốc gia - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát Ủy ban Bầu cử - đã không thực hiện quyền hạn của mình để đảm bảo cuộc bầu cử được tổ chức một cách trung thực và công bằng.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/toa-an-hien-phap-indonesia-bac-don-kien-ve-ket-qua-bau-cu-tong-thong-post33967.html