Tổ liên kết phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn giáp ranh: Mô hình sáng tạo, hiệu quả

– “Địa giới hành chính thì có ranh giới nhưng lửa đã lan thì không phân biệt ranh giới nào”, đó là chia sẻ của Thượng tá Trần Quốc Tiến, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh khi nói về nguy cơ cháy, nổ và vai trò công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là phòng, chống cháy rừng ở địa bàn giáp ranh. Trên cơ sở đó, đơn vị đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Tổ liên kết PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) giữa các thôn, bản giáp ranh với các huyện khác”. Thực hiện mô hình, bước đầu triển khai đã đem lại hiệu quả tích cực.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh hướng dẫn các thành viên Tổ liên kết PCCC và CNCH giữa thôn Nà Tàn, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia với thôn Sắc Sái, xã Cư Lễ, huyện Na Rì (Bắc Kạn) sử dụng bình cứu hỏa

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh hướng dẫn các thành viên Tổ liên kết PCCC và CNCH giữa thôn Nà Tàn, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia với thôn Sắc Sái, xã Cư Lễ, huyện Na Rì (Bắc Kạn) sử dụng bình cứu hỏa

Thượng tá Trần Quốc Tiến cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 1.470 đội dân phòng về PCCC tại các thôn, bản, tổ dân phố. Tuy nhiên, thực tế tại địa bàn giáp ranh giữa các thôn khác huyện, khác tỉnh vẫn chưa có mô hình, chưa có quy định cụ thể về phối hợp trong công tác này, nhất là trong phòng, chống cháy rừng nên thường bị động khi có sự cố xảy ra, hiệu quả phối hợp không cao. Trước thực tế đó, tháng 7/2022, đơn vị đã tham mưu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Tổ liên kết PCCC và CNCH các thôn, bản giáp ranh với các huyện khác” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ban đầu triển khai mô hình tại các huyện có rừng giáp ranh như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định, sau đó sẽ nhân rộng toàn tỉnh.

Tính đến nay, 5 huyện trên đã phối hợp xây dựng và ra mắt mô hình (mỗi huyện 1 tổ) với khoảng 150 thành viên tham gia gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể, người dân 2 thôn khu vực giáp ranh. Các thôn thường có nét tương đồng về văn hóa, tập quán canh tác và điều kiện kinh tế, nhất là có những khu rừng trồng giáp ranh nhau. Tổ có nhiệm vụ như: tuyên truyền các quy định của pháp luật, kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân, chuẩn bị các điều kiện PCCC, phối hợp tuần tra địa bàn, xử lý tình huống cháy, nổ và các vấn đề về an ninh trật tự xảy ra ở khu vực giáp ranh…

Để hiệu quả, Công an tỉnh, công an các huyện đã hỗ trợ trang thiết bị, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các thành viên trong tổ về cách sử dụng các trang thiết bị, kỹ năng PCCC và CNCH giúp các tổ phát huy tốt hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, từ khi có mô hình, công tác phối hợp, trao đổi các thông tin liên quan được kịp thời hơn. Từ tháng 8/2022 đến nay, các tổ đã phối hợp, lồng ghép tuyên truyền về PCCC và CNCH cho người dân được gần 60 cuộc; trao đổi khoảng 70 thông tin liên quan đến công tác PCCC và đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh.

Ông Lương Trung Thuyền, Chủ tịch UBND xã Chí Minh, huyện Tràng Định cho biết: Tổ liên kết PCCC và CNCH giữa thôn Lũng Phầy – Khuổi Nà của xã với thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng) được thành lập tháng 12/2022. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, việc phối hợp được hiệu quả hơn, người dân 2 thôn thêm hiểu nhau, đoàn kết hơn, thường xuyên trao đổi thông tin tình hình thời tiết, những nguy cơ cháy nổ xảy ra để cùng nhau phòng ngừa, xử lý. Từ khi có mô hình đến nay, 2 thôn giáp ranh chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào, trong khi đầu năm 2022 xảy ra 2 vụ.

Tương tự, tổ liên kết về PCCC và CNCH các thôn, bản giáp ranh khác cũng bước đầu phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần tạo sự chuyển biến về công tác phòng ngừa cháy, nổ. Từ khi thành lập mô hình đến nay, địa bàn các thôn giáp ranh chưa để xảy ra vụ cháy nào, giảm 3 vụ so với đầu năm 2022 đến trước khi thành lập mô hình.

Ông Nông Văn Hân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ liên kết PCCC và CNCH thôn Làng Trang, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Từ năm 2020 đến năm 2022, trong thôn xảy ra 4 vụ cháy rừng keo, bạch đàn, diện tích cháy khoảng 1,8 ha, nguyên nhân chủ yếu do bà con sơ suất khi phát dọn, đốt thực bì hoặc sơ suất khi đi đốt ong, vứt mẩu thuốc đang cháy xuống bìa rừng. Từ khi thành lập Tổ liên kết PCCC và CNCH tháng 8/2022 đến nay, tổ đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo quy chế phối hợp đề ra, chưa để xảy ra vụ cháy nào.

Thượng tá Trần Quốc Tiến, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh cho biết thêm: Từ hiệu quả mang lại, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu nhân rộng mô hình “Tổ liên kết PCCC và CNCH giữa các thôn bản giáp ranh với các huyện khác”. Qua đó, góp phần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng ở cơ sở và Nhân dân khu vực giáp ranh trong PCCC và CNCH, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

HOÀNG HUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/596400-to-lien-ket-phong-chay-chua-chay-o-dia-ban-giap-ranh-mo-hinh-sang-tao-hieu-qua.html