Tò he nhớ tuổi thơ

Nhắc đến tò he là nhớ ngay đến một loại đồ chơi dân dã, nhiều hình thù, màu sắc, đậm hồn Việt đã đi cùng những năm tháng tuổi thơ của biết bao người. Ngày nay, tuy không còn thịnh hành như trước nhưng tò he vẫn hiện hữu bên cạnh nhiều loại đồ chơi hiện đại tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, công viên... thu hút ánh nhìn, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn trẻ nhỏ...

Các bé chăm chú xem nghệ nhân nặn tò he trong phiên chợ Tết tại Trường Mầm non Tiny Bear (thành phố Việt Trì).

Các bé chăm chú xem nghệ nhân nặn tò he trong phiên chợ Tết tại Trường Mầm non Tiny Bear (thành phố Việt Trì).

Trước đây, tò he thường được làm từ bột gạo được nghiền mịn từ gạo nếp và gạo tẻ với tỷ lệ phù hợp sao cho bột dẻo, dễ nặn, không dính tay, sau đó trộn cùng các loại nước màu pha chế từ nguyên liệu thiên nhiên như màu đỏ từ gấc, vàng từ nghệ, xanh từ lá trầu không... rồi đem hấp chín thành bột nặn. Nhiều nơi còn pha bột với chút đường, nên tò he vừa chơi, vừa có thể ăn được. Bây giờ ở một số nơi, để tò he không phai màu và trở thành món quà lưu niệm bền lâu, người nặn tò he thường dùng đất sét và phẩm màu an toàn thay thế màu tự nhiên.

Từ những nắm bột đủ sắc màu và vài công cụ khá thô sơ như: Con dao, cái lược nhỏ, que tre vót sẵn, sáp ong để làm trơn tay... thêm đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ là người nặn tò he có thể “biến hóa” những cục bột màu thành vô vàn hình thù đẹp mắt. Không chỉ tạo hình 12 con giáp, mâm ngũ quả, các loại hoa đơn giản, người nặn tò he còn sáng tạo nhiều hình nhân vật từ những bộ phim nổi tiếng như: Tôn Ngộ Không, nàng tiên cá, siêu nhân, người nhện, công chúa tuyết... để chiều theo sở thích của các khách hàng nhí.

Bên cạnh những món đồ chơi hiện đại, những gánh tò he đầy sắc màu vẫn có sức cuốn hút đối với con trẻ.

Bên cạnh những món đồ chơi hiện đại, những gánh tò he đầy sắc màu vẫn có sức cuốn hút đối với con trẻ.

Bày một thùng xốp nhỏ để nặn và bán tò he cho du khách hành hương về Đền Hùng, chị Phạm Thị Liên, quê ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) - vùng quê có nhiều làng nghề nặn tò he từ lâu đời chia sẻ: “Thời buổi hiện đại bây giờ có nhiều đồ chơi bằng nhựa rất hấp dẫn, nhưng thấy chúng tôi ngồi nặn ở đâu là các em nhỏ vẫn xúm vào xem và rất thích thú, đòi bố mẹ cho nặn theo và mua một que tò he về. Chúng tôi mừng lắm. Những tháng đầu năm, vào mùa lễ hội lớn nhỏ ở khắp các tỉnh thành miền Bắc, người dân làng nghề nặn tò he ở Phú Xuyên lại tất bật chuẩn bị đồ nghề để đi đến các lễ hội, không chỉ để bán hàng, mưu sinh mà còn lan tỏa nét đẹp văn hóa dân gian mang đậm hồn dân tộc này. Qua mùa hội, chúng tôi lại lên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội để bày hàng”.

Nếu về thăm Đền Hùng dịp Giỗ Tổ 10/3 âm lịch hay tham gia vào các sự kiện văn hóa, hội trại, phiên chợ Tết... do các trường học trên địa bàn tổ chức, có thể dễ dàng bắt gặp những gánh tò he đầy sắc màu, phảng phất mùi thơm dịu ngọt của bột gạo nếp. Có dịp cùng con tham gia vào sự kiện “Nét đẹp chợ quê” tại Trường Mầm non Tiny Bear (thành phố Việt Trì) vừa qua, chị Phan Thùy Sang (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) chia sẻ: Hai bé nhà tôi rất thích thú với hoạt động nặn tò he trong phiên chợ Tết. Trong khi nghệ nhân nặn tò he tay đưa thoăn thoắt, chăm chú “thổi hồn” vào từng viên bột màu, thì hai con và các bạn, cả người lớn như chúng tôi vây quanh ngắm nhìn, háo hức trông đợi sản phẩm sắp thành hình. Những trải nghiệm như thế này nên được lan tỏa nhiều hơn để các con biết, hiểu và thêm yêu thích món đồ chơi dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này”.

Năm tháng trôi đi, đời sống có nhiều đổi khác, nhưng những con tò he sắc màu, mềm thơm mùi bột nếp vẫn còn lưu dấu, tô lên những mảng màu rực rỡ vui tươi trong ký ức tuổi thơ của nhiều người và đến giờ chúng vẫn giữ được sức cuốn hút, như nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã từng viết trong tác phẩm “Tò he”: “Tò he xanh đỏ tím vàng/ Mẹ mua mỗi độ chợ làng vào phiên/ Chim cò ngũ quả cô tiên/ Nhỏ xinh đánh đổi nỗi niềm tuổi thơ... Bao giờ cho tới ngày xưa?/ Tò he ngóng mẹ chợ trưa lâu về...”.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/to-he-nho-tuoi-tho/206600.htm