Tổ công tác đặc biệt: Kịp thời gỡ khó cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án

Thời gian qua, tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, kịp thời gỡ khó cho các DN, nhà đầu tư. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thu hút DN đầu tư vào tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhà thầu tổ chức san ủi mặt bằng phục vụ thi công Dự án nâng cấp đoạn Km 18 – Km 80 Quốc lộ 4B

Nhà thầu tổ chức san ủi mặt bằng phục vụ thi công Dự án nâng cấp đoạn Km 18 – Km 80 Quốc lộ 4B

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ năm 2016 đến nay (tính đến 30/4/2024), toàn tỉnh thu hút 217 dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách với tổng số vốn đầu tư trên 82.300 tỷ đồng.

Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị

Trong quá trình triển khai, tại nhiều dự án đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách, đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... cần được ngành chức năng tỉnh quan tâm tháo gỡ.

Để xác định chính xác điểm nghẽn, nguyên nhân vướng mắc, để có phương án gỡ khó kịp thời cho DN, nhà đầu tư, bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo và ban hành cơ chế điều hành các dự án trọng điểm, tháng 5/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (tổ công tác đặc biệt).

Trong năm 2023, Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 27 dự án đầu tư; ban hành 150 văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở KH&ĐT và các cơ quan liên quan xử lý giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn tại 13 dự án...

Theo đó, tổ công tác đặc biệt do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trường, tổ phó do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm và 13 thành viên là thủ trưởng một số sở, ban, ngành liên quan.

Nhiệm vụ của tổ công tác đặc biệt là chỉ đạo rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để xem xét, giải quyết dứt điểm và hướng dẫn DN, nhà đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, tổ công tác tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ.

Ngoài ra, tổ công tác chủ động tiếp cận, trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư để vận động, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm theo quy định.

Ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực tổ công tác đặc biệt, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho tổ trưởng triển khai, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của tổ công tác. Đồng thời, trên cơ sở báo cáo định kỳ hằng quý của các nhà đầu tư, sở tiến hành tổng hợp, xem xét giải quyết hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư. Cùng đó, định kỳ hằng quý, 6 tháng, hằng năm, sở thực hiện tổng hợp kết quả, báo cáo tiến độ và tham mưu, đề xuất hướng xử lý với tổ trưởng tổ công tác đặc biệt. Trên cơ sở đó, tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xem xét giải quyết với mốc thời gian cụ thể. Qua đó, góp phần gỡ khó kịp thời cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2023, Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 27 dự án đầu tư; ban hành 150 văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở KH&ĐT và các cơ quan liên quan xử lý giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn tại 13 dự án; ban hành 15 văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất dự án mới, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư.

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Từ năm 2019, Công ty Cổ phần Tân Việt Bắc Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Đèo Khách (xã Bắc Hùng, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng) với công suất thiết kế 5 MW. Trong quá trình khảo sát, thiết kế, công ty nhận thấy công suất thiết kế 5 MW thấp, hiệu suất thiết bị không cao dẫn tới lãng phí nguồn tài nguyên nước. Do đó, năm 2020 công ty đã có văn bản gửi ngành chức năng tỉnh về việc xin phê duyệt điều chỉnh công suất Thủy điện Đèo Khách lên 14 MW.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Việt Bắc Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan của tỉnh đã rất quan tâm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của công ty. Đặc biệt, từ tháng 5/2023, định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm công ty đều thực hiện báo cáo tiến độ triển khai dự án và nêu khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ gửi Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo tổ công tác đặc biệt. Trên cơ sở đó, tổ công tác đặc biệt chỉ đạo các sở, ngành xem xét giải quyết, gỡ khó cho đơn vị. Tháng 4/2024, các sở, ngành đã có văn bản hướng dẫn công ty rà soát, hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ điều chỉnh quy hoạch dự án Thủy điện Đèo Khách theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Hiện công ty đang lập kế hoạch, hoàn thiện hồ sơ trình Sở KH&ĐT xem xét thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.

Cũng như nhà đầu tư trên, các kiến nghị của DN, nhà đầu tư các dự án triển khai trên địa bàn thành phố cũng được ngành chức năng tỉnh quan tâm giải quyết. Ông Trần Tiến Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện đang thi công 32 dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng 4 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 12.300 tỷ đồng. Thời gian qua, tại các dự án này phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, công tác giải phóng mặt bằng… Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đã quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh tại các dự án. Đơn cử như tại dự án Nhà ở xã hội 2 thành phố Lạng Sơn, tháng 8/2023 nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư NNP) kiến nghị tổ công tác đặc biệt chỉ đạo cơ quan liên quan đẩy tiến độ thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường đối ngoại giáp nhà ở xã hội số 2 và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư liền kề nhằm khớp nối hạ tầng xung quanh dự án nhà ở xã hội. Kết quả đến nay, các tuyến đường ngoại vi đã cơ bản hoàn thành, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong triển khai thi công các tòa nhà GP3, GP4 thuộc dự án. Việc quan tâm giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn đã góp phần tạo niềm tin với nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trên địa bàn.

Hiện nay, các dự án đầu tư vào tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ; các dự án khu đô thị, khu dân cư... Việc tỉnh quan tâm, kịp thời gỡ khó cho DN, nhà đầu tư trên địa bàn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút DN đầu tư vào tỉnh. Từ đó, đóng góp vào tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh và nộp ngân sách Nhà nước. Tổng thu ngân sách từ khu vực DN giai đoạn 2016 - 2023 là 60.984 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, việc tích cực gỡ khó cho DN còn góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh đạt 69,05 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Có thể thấy việc thành lập tổ công tác đặc biệt là thực sự cần thiết, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, đưa dự án đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/to-cong-tac-dac-biet-kip-thoi-go-kho-cho-nha-dau-tu-day-nhanh-tien-do-du-an-5008702.html