Tổ chức Lễ Khai hạ tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng 28-1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Lễ Khai hạ 2023, tái hiện phong tục cổ truyền ngày Tết của dân tộc.

Lễ Khai hạ bao gồm nhiều tục lễ cổ truyền

Lễ Khai hạ bao gồm nhiều tục lễ cổ truyền

Lễ Khai hạ còn được biết đến với một số tên gọi khác là lễ hạ cây nêu, lễ tạ năm mới..., như một nghi thức tiễn tổ tiên về trời sau thời gian “ăn Tết” cùng con cháu. Khi đó cây nêu ngày Tết sẽ được hạ xuống, mở đầu ngày vui để chào mùa xuân mới, gửi gắm những ước nguyện, cầu mong may mắn cho cả năm.

Cây nêu được hạ xuống, mở đầu ngày vui để chào mùa xuân mới

Cây nêu được hạ xuống, mở đầu ngày vui để chào mùa xuân mới

Trước đó, ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức lễ dựng cây nêu trước Đoan Môn. Cây nêu có treo kèm những vật trang trí truyền thống với ý nghĩa tống cựu nghênh tân, đón những điều may mắn trong năm mới, tiễn đi những thứ xui xẻo, không may mắn của năm cũ; diệt trừ, không cho ma quỷ tới quấy phá để có một cái Tết thật bình an.

 Tái hiện đầy đủ các nghi thức đón Tết cổ truyền nhằm tiếp nối truyền thống văn hóa

Tái hiện đầy đủ các nghi thức đón Tết cổ truyền nhằm tiếp nối truyền thống văn hóa

Lễ Khai hạ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long bao gồm các hoạt động cúng tế, xin phép hạ nêu. Cây nêu sau khi hạ xuống, được đặt ở nơi khô ráo, thoáng sạch để tránh điều không may mắn.

Việc tái hiện đầy đủ các nghi thức đón Tết cổ truyền của dân tộc tại Khu di sản nhằm tiếp nối truyền thống, tôn vinh quảng bá bản sắc văn hóa của người Việt trong đời sống đương đại. Dự kiến, 8h sáng 30-1, Trung tâm tổ chức lễ dâng hương khai xuân Quý Mão tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Miên Hạo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1054074/to-chuc-le-khai-ha-tai-hoang-thanh-thang-long