Tổ chức Hội Phết Hiền Quan đảm bảo bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa truyền thống, phù hợp thuần phong mỹ tục

Làng Hiền Quan (tên gọi thời cổ là Song Quan, nay thuộc xã Hiền Quan, huyện Tam Nông), từ xa xưa đã nổi tiếng là nơi đông dân cư, nên có câu : Đinh tổng Hiền, điền tổng Tứ (xã Tứ Mỹ ). Vùng đất cổ Trung du bán sơn địa, với diện tích chỉ có trên 500 ha, nhưng lưu giữ tới bốn di tích lịch sử - văn hóa tâm linh, trong đó có hai di tích cấp Quốc gia và hai di tích cấp tỉnh. Các di tích này đều liên quan tới các chiến tích của ông cha ta đứng lên chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, trải qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời Hùng Vương tới triều đại nhà Đinh, đã được chính sử ghi nhận!

Nghi thức tế lễ tại Hội Phết Hiền Quan.

Thứ tự theo thời gian, vào thời Hùng Vương thứ sáu, tại trang Song Quan có bốn anh em trai đồng sinh họ Hà là: Hà Hắc Long, Hà Hiên Cương, Hà Thổ Lân, Hà Sơn Thắng đã có công tuyển mộ vài ngàn nghĩa quân trong vùng, giúp Vua Hùng thứ sáu đánh tan quân Thục xâm lược. Hùng Duệ Vương đã thân chinh về tại Song Quan khao quân và ban chiếu cho tứ vị được thự cấp tại đây. Sau này tứ vị đồng hóa nhằm ngày 26 tháng Chạp, dân làng xây đắp mộ phần tại xứ đồng cây đa cổng mả (lăng mộ tới nay vẫn tồn tại) và được tôn làm Thành hoàng thờ tại Đình Hiền Quan (di tích lịch sử cấp tỉnh). Vậy là tứ vị: Đồng sinh nhất bào, đồng thi nhất hương, đồng vinh nhất phẩm, đồng hóa nhất lăng!

Tuy nhiên, lịch sử nổi bật của làng phải kể đến nữ tướng Thiều Hoa công chúa, một trong sáu nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng. Thần phả ghi lại rằng, vào những thập niên đầu tiên sau công nguyên, đất Nam Việt còn chìm trong ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, có một nữ sư tên gọi Thiều Hoa đến tu tại chùa Phúc Khánh của Song Quan xưa (nay là Di tích lịch sử cấp quốc gia). Trước cảnh tình đất nước bị đô hộ, bà đã bí mật tuyển mộ các tráng đinh trong vùng và giao cho hai anh em trai họ Bùi là: Bùi Thạch Đa và Bùi Thạch Đê quản lý. Hàng ngày, bà dạy họ luyện tập võ nghệ tại khu rừng lim phía sau làng có địa danh là Rừng Cấm - Giếng Mỏ (di tích lịch sử cấp tỉnh), chờ thời cơ cứu nước. Năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nhà sư đã dẫn đạo quân từ trang Song Quan về Mê Linh tụ nghĩa và được vua Bà phong làm Hữu tướng tiên phong – Đông cung công chúa. Đạo quân của vua Bà đã đánh tan quân Hán, buộc viên Thái thú Tô Định phải “cắt tóc, cạo râu lẩn trốn về nước”, thu lại 65 thành trì. Khởi nghĩa thắng lợi, bà Thiều Hoa trao lại binh quyền và về lại chùa Phúc Khánh tiếp tục cuộc đời tu tập còn dang dở. Trong một buổi đi vi hành dọc bờ sông Thao, thấy nơi thế đất đẹp hình con rùa, bà đã hóa tại đó. Hai Bà Trưng khi nghe tin bà mất đã vô cùng thương tiếc, lệnh cho dân Song Quan xây lăng mộ, đền thờ và sắc phong cho bà Thiều Hoa hiệu: Phụ vương công chúa. Lăng mộ và đền thờ của bà nằm ngay bên bờ sông Thao và cũng chính nơi đây hàng ngàn năm nay đã diễn ra lễ hội kéo quân đánh phết - một hình thức rèn luyện quân sỹ của bà những ngày đầu khởi nghĩa. Uy linh của bà Thiều Hoa còn mãi tới các triều đại sau này.

Các triều vua xưa mỗi khi lên ngôi đều có sắc phong cho bà, hiện còn lưu giữ năm đạo sắc phong của các vua: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tôn, Lê Thái Tổ, Khải Định và nếu tính cả Quyết định của Nhà nước công nhận quần thể di tích cấp quốc gia đền thờ bà thì có tới sáu đạo sắc phong!

Để tưởng nhớ công lao, chiến tích lừng lẫy của các bậc nhân thần, nhân thánh, hàng ngàn năm nay, trang Song Quan xưa, làng Hiền Quan ngày nay, cứ đến ngày 12 và13 tháng Giêng hàng năm lại mở lễ hội tế lễ, kéo quân, đánh phết, diễn lại tích xưa bà Thiều Hoa luyện rèn quân sỹ … Giá trị của hội Phết Hiền Quan chính là tinh thần thượng võ hòa cùng truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của ông cha ta, đã thấm vào từng mạch máu của con dân đất Hiền Quan nói riêng và con dân đất Việt nói chung. Ngay cả trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, lễ hội vẫn diễn ra, mặc dù phải “sơ tán” bên sườn đồi, dưới tán cây rừng rậm rạp. Cũng chính từ những giá trị sâu xa, đặc sắc và rất nhân văn của lễ hội Phết Hiền Quan, trong hai năm 1999-2000, UBND tỉnh Phú Thọ đã cho phép triển khai một dự án khoa học “Nghiên cứu, phục dựng lại Lễ hội Phết Hiền Quan” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước về lịch sử, văn hóa của tỉnh và trung ương tham gia. Công trình đã được nghiệm thu, đánh giá loại xuất sắc, làm cơ sở cho việc tổ chức lễ hội sau này.

Chuẩn bị cướp phết tại lễ hội. (Ảnh chụp tại Hội Phết Hiền Quan Xuân Ất Dậu- 2015)

Nhân đây, thiết nghĩ chúng tôi cũng muốn nhắc lại và làm rõ thêm một số nội dung cơ bản của hai phần Lễ và Hội (hiểu để ứng xử cho phù hợp). Theo trình tự, từ sáng sớm ngày 12, tổ chức rước kiệu từ đình làng nơi thờ Tứ vị Thành hoàng tới địa điểm phần lễ được diễn ra tại đền thờ bà Thiều Hoa bên bờ sông Thao. Tại các di tích lịch sử: Chùa Phúc Khánh, lăng Cây Sòi (thờ Đức Thánh Mộc Trang Đại vương giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân), địa danh lịch sử: Rừng Cấm - Giếng Mỏ, được treo cờ hội và vọng bái về đền. Như vậy trước sân đền lúc này là hiện thân cả một chiều dài lịch sử oai hùng từ đời Hùng Vương thứ sáu, thời Hai Bà Trưng và tới triều đại nhà Đinh. Sau phần tế lễ hết sức trang nghiêm, thành kính để tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân là phần hội nhằm tái diễn lại các nghi thức mà thần nhân đã truyền dạy, đó là: Kéo quân, đánh phết.Tương truyền rằng, trước mỗi trận đánh, các vị tướng đều tiến hành điểm lại quân sỹ trước khi xuất trận. Hai đội quân đại diện cho hai giáp (thượng và hạ), mỗi đội gồm khoảng vài chục nam thanh, nữ tú mang theo binh khí, cờ quạt, trống trận và dẫn đầu là một cụ ông quắc thước đóng khố, cởi trần cầm cờ lệnh đuôi nheo. Đoàn kéo quân xuất phát từ sân đền, tỏa ra hai hướng ngược nhau, chạy ba vòng xung quanh khu vực đền trong tiếng hú, tiếng hò reo và tiếng trống trận giục giã, vang động cả một góc trời, rồi về hợp quân trước cửa đền chờ lễ rước Phết .

Nghi lễ đánh phết (hay còn gọi là cướp phết ) là hình thức nữ tướng Thiều Hoa dùng để rèn luyện sức khỏe, tính dẻo dai và lòng dũng cảm cho quân sỹ. Có thể nói đây là linh hồn của lễ hội, là giờ phút được chờ đợi nhất của hàng nghìn, hàng vạn du khách tham gia trẩy hội. Đặc biệt là khi chiếc lọng vàng rước cụ Thủ Phết (giữa vòng tay rắn chắc của hàng chục trai làng cởi trần vạm vỡ và đội gậy phết hộ giá) từ từ tiến ra bãi phết, trong tiếng trống bỏi khoan thai, xen lẫn tiếng hò reo vang dội của đám đông, rất đặc trưng của hội phết…

Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện một số dư luận trái chiều, thậm chí có lúc gay gắt về Lễ hội Phết Hiền Quan, đặc biệt là hình ảnh phản cảm về cảnh một số thanh niên trong lúc cướp phết. Thực ra chúng ta cần khách quan, phân tích trên cơ sở khoa học, thực tiễn và hợp lòng dân, tránh cứng nhắc, phiến diện. Tại sao hàng ngàn năm nay lễ hội vẫn diễn ra bình thường, có điều hiện nay quy mô lễ hội đã khác xưa, một số yếu tố bất cập đã phát sinh nhưng chúng ta (những người có trách nhiệm) chưa kịp thời xử lý. Như chúng ta đã biết, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước ta những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu thưởng thức, du ngoạn càng cao. Bên cạnh đó, dân số phát triển, hạ tầng giao thông kết nối đi lại thuận tiện, số người đến với hội Phết không chỉ là hội làng của con dân xã Hiền Quan mà là lễ hội thu hút đông đảo người dân từ khắp các vùng miền về dự. Chiếc áo đã quá chật với người mặc! Từ thực tế đó, để tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan đảm bảo giá trị truyền thống, đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp thuần phong mỹ tục, tôi đề xuất giải pháp sau đây:

Do quy mô và tầm ảnh hưởng của Hội Phết Hiền Quan, nên đưa lễ hội này vào danh mục phân cấp hằng năm tỉnh đứng ra tổ chức, huyện và xã phối hợp, có như vậy mới dảm bảo được nguồn lực cho an toàn lễ hội. Cùng với đó, cần đầu tư nâng cấp một số hạng mục cơ sở hạ tầng khu vực tổ chức lễ hội (mặc dù những năm gần đây đã có sự quan tâm), đặc biệt là địa điểm diễn ra nội dung tranh cướp Phết phải có không gian đủ rộng và bằng phẳng, không gần ao, hồ, thùng đấu … Có thể dành khu Đồng Chùa ngay phía sau đền rộng khoảng 4-5 ha, tiến hành san lấp các hố nước, vụ Xuân chậm đổ ải, cấy lúa muộn để làm bãi phết. Với không gian đủ rộng và được đầu tư cải tạo như vậy, kết hợp với công tác bảo vệ xung quanh bãi phết của các lực lượng chức năng chuyên nghiệp, khả năng an toàn sẽ là rất cao.

Cũng có ý kiến cho rằng nên tổ chức theo hình thức chọn một số thanh niên, rồi chia thành hai phe để diễn trò tranh phết, nhưng thực tế đã không thành công. Bởi lẽ đánh phết có tính chất xã hội, tâm linh rất cao, hiện tượng “hưng phấn của cộng đồng” mới là linh hồn của hội đánh phết, cướp phết! Vấn đề là làm sao chúng ta kiểm soát được hiện tượng này theo hướng an toàn, lành mạnh, bằng các biện pháp tổng hợp như đã nêu trên.

Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về lịch sử lễ hội, về những nguyên tắc ứng xử có văn hóa khi tham gia lễ hội tâm linh này, đồng thời cũng cần nghiêm khắc xử lý những cá nhân lợi dụng đám đông để có những hành vi bạo lực, phản cảm.

Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Quan có vinh dự được lịch sử giao cho gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá của ông cha ta để lại, thông qua sự kiện Lễ Hội Phết Hiền quan. Để những giá trị này không bị mai một, Lễ hội Phết Hiền Quan vẫn sống mãi trong lòng người dân địa phương và du khách, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, tránh tình trạng: Không quản được thì cấm!

Bùi Phúc Khánh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//du-lich-le-hoi/to-chuc-hoi-phet-hien-quan-dam-bao-ban-chat-y-nghia-lich-su-van-hoa-truyen-thong-phu-hop-thuan-phong-my-tuc/191317.htm