Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự án Luật Công chứng sửa đổi

Trên cơ sở Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc Hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp về việc tiếp tục lấy ý kiến đối với Dự án Luật Công chứng sửa đổi để hoàn thiện trình Chính phủ theo tiến độ. Ngày 19/7, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tọa đàm lấy ý kiến đối với Dự án Luật Công chứng sửa đổi.

Sở Tư pháp TP Hà Nội:

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội chủ trì Hội nghị. Ảnh: Bạch Dương

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội chủ trì Hội nghị. Ảnh: Bạch Dương

Hội nghị do bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội chủ trì, cùng tham dự có đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp: Bổ Trợ tư pháp, Văn bản pháp quy cùng đại diện Hội Công chứng viên TP, đại diện các Phòng/Văn phòng công chứng…

Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, qua 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng của Việt Nam ngày càng phát triển. Chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày được nâng cao, quy mô hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Các việc công chứng hợp đồng giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70 đến 80% số việc công chứng. Việc công chứng các hợp đồng giao dịch về đất đai, nhà ở đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Hương cũng chia sẻ bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: Luật Công chứng hiện hành thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng ở Việt Nam là công chứng nội dung. Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch.

Trong thời gian vừa qua, khi thực hiện việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, một số công chứng viên trên địa bàn TP đã chủ quan không kiểm tra bản chính làm cơ sở để chứng nhận, chứng thực hợp đồng, giao dịch đã được chứng nhận (mua, bán, chuyển nhượng, ủy quyền…) nên đã xảy ra tình trạng tiếp nhận và chứng nhận đối với các hợp đồng, giao dịch giả tạo, chứng thực cả chữ ký có nội dung đề nghị, yêu cầu thuộc lĩnh vực hộ tịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy trong thực tế.

Chất lượng đội ngũ công chứng chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ, chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng công chứng viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh công chứng và uy tín của đội ngũ công chứng viên trong xã hội.

Việc hợp doanh tại một số văn phòng công chứng tại một số địa phương còn mang tính hình thức. Việc quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp doanh và bổ sung thành viên hợp doanh mới tại Văn phòng công chứng còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ sở hữu hiệu để kiểm soát và thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa các thành viên hợp doanh.

Một số trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tế, vừa gây khó khăn cho công chứng viên vừa không tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng chưa tương xứng với việc phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời đại hiện nay. Chưa có sự kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu các ngành có liên quan.

Luật Công chứng cũng chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số quy định quản lý Nhà nước còn chưa phù hợp; chưa có quy định rõ nét về vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức này do đó làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý vào những nội dung sửa đổi của Dự án Luật như: Về phạm vi điều chỉnh; Về phạm vi hoạt động của công chứng mà cụ thể là hoạt động công chứng và chứng thực, phạm vi hành nghề công chứng về địa hạt đối với bất động sản.

Về tiêu chuẩn công chứng viên: Số lượng, chất lượng, bổ nhiệm, miễn nhiệm…; Về tổ chức hành nghề công chứng: Loại hình hoạt động, tên gọi, đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động…; Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên: Vai trò tự quản và đạo đức nghề nghiệp: Cấp thẻ công chứng viên, tạm đình chỉ, khai trừ…;

Về nội dung quy hoạch công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng: Sự cần thiết và các giải pháp để bảo đảm hoạt động công chứng ổn định, rộng khắp, an toàn và khó kiểm soát theo định hướng của chính phủ tại nghị quyết 172/NQ-CP…

Về trình tự, thủ tục công chứng, chứng thực: Bảo đảm sự thống nhất giữa các chủ thể thực hiện như công chứng viên công chứng tư pháp, nhân viên ngoại giao; Chuyển đổi số hoạt động công chứng trong đó có nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tập trung, chứng nhận sổ và lưu trữ số.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-chuc-hoi-nghi-lay-y-kien-doi-voi-du-an-luat-cong-chung-sua-doi-344772.html