Tổ chức African Parks mua lại trang trại tê giác lớn nhất thế giới

Trang trại tê giác lớn nhất thế giới Platinum Rhino rộng 7.800ha ở Nam Phi, hiện là nơi sinh sống của 2.000 con tê giác trắng phương Nam, tương đương 15% số tê giác loại này còn lại trên thế giới.

Nhân viên cho tê giác trắng con 3 tháng tuổi uống sữa tại tỉnh Tây Bắc Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức phi chính phủ African Parks (Các công viên châu Phi) ngày 4/9 thông báo đã mua lại trang trại tê giác lớn nhất thế giới mang tên "Platinum Rhino."

Đây là trang trại nhân giống tê giác nuôi nhốt tư nhân lớn nhất thế giới.

Trang trại Platinum Rhino rộng 7.800ha ở tỉnh North West của Nam Phi, hiện là nơi sinh sống của 2.000 con tê giác trắng phương Nam - tương đương 15% số lượng tê giác trắng phương Nam hoang dã còn lại trên thế giới.

Trang trại này trước đó thuộc sở hữu của nhà bảo tồn John Hume (81 tuổi, người Nam Phi). Tuy nhiên, ông Hume đã buộc phải đấu giá tài sản này vào đầu năm nay sau 30 năm dày công chăm sóc, do "cạn kiệt tài chính."

Ông Hume cho biết ông đã chi khoảng 150 triệu USD cho dự án từ thiện khổng lồ này nhằm cứu loài động vật có vú trên cạn lớn thứ hai thế giới, trong đó vấn đề an ninh và giám sát chiếm phần lớn kinh phí dành cho trang trại.

Tổ chức African Parks đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Nam Phi để tiếp quản trang trại Platinum Rhino. Giám đốc điều hành African Parks - ông Peter Fearnhead khẳng định tổ chức phi chính phủ này “không có ý định trở thành chủ sở hữu của hoạt động nhân giống tê giác nuôi nhốt."

Tuy nhiên, ông giải thích rõ rằng: "Chúng tôi nhận thức đầy đủ yêu cầu đạo đức của việc phải tìm ra giải pháp cho những động vật này, để chúng một lần nữa có thể đóng vai trò không thể thiếu trong các hệ sinh thái toàn diện. Đây cũng là một trong những cơ hội bảo tồn mang tính chiến lược toàn cầu và thú vị nhất.”

African Parks hiện quản lý 22 khu bảo tồn trên khắp châu Phi. Tổ chức này cho biết sẽ dần loại bỏ chương trình nhân giống và đưa 2.000 con tê giác trắng phương Nam về tự nhiên trong 10 năm tới.

Là nơi sinh sống của gần 80% số tê giác trên thế giới, Nam Phi đã trở thành điểm nóng về săn trộm loài động vật này, do những nhu cầu lớn từ châu Á - nơi sừng tê giác được cho là có tác dụng chữa bệnh.

Tê giác bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 19, nhưng dần dần hồi phục nhờ nỗ lực bảo vệ và nhân giống trong nhiều thập kỷ.

Chính phủ Nam Phi cho biết có tới 451 con tê giác đã bị sát hại tại nước này trong năm 2021. Trong năm 2022, con số này là 448 con - giảm đi nhưng không đáng kể, nhờ biện pháp an ninh được tăng cường tại các công viên quốc gia./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/to-chuc-african-parks-mua-lai-trang-trai-te-giac-lon-nhat-the-gioi/892568.vnp