Tình trạng sạt lở bờ sông, rạch tiếp diễn tại ĐBSCL

Rạng sáng 26-5, địa bàn tỉnh Hậu Giang liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Những ngày gần đây, nhiều địa phương khác như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An cũng xảy ra tình trạng tương tự làm ảnh hưởng đến tài sản, sinh hoạt của người dân.

Vụ sạt lở bờ sông Ô Môn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ làm sụp nhà của người dân. Ảnh: TTXVN

Vụ sạt lở bờ sông Ô Môn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ làm sụp nhà của người dân. Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, chỉ trong sáng hôm nay (26-5), địa bàn xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông, ước tính thiệt hại khoảng 250 triệu đồng.

Vụ sạt lở nặng nhất là trên tuyến kênh Nàng Mau (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp) với hơn 92m2 đất sạt lở. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dòng chảy. Đơn vị chức năng đã có hướng dẫn cho địa phương kiểm tra, theo dõi điểm xung yếu về sạt lở, cắm biển cảnh báo, di dời người dân đến nơi an toàn.

Trước đó, trong các ngày 20, 21, 23, 25-5, địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ sạt lở bờ sông tại huyện Châu Thành. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang dự báo, đến hết 31-5, các trận mưa đầu mùa sẽ khiến dòng chảy mạnh lên, kết hợp với đất ở bờ sông, kênh dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Một số địa phương có nguy cơ sạt lở cao như huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 26 vụ sạt lở gây thiệt hại hơn 1,8 tỉ đồng.

Những ngày qua, một số khu vực khác như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chẳng hạn như từ ngày 21 đến 24-5, tỉnh An Giang ghi nhận 3 vụ sạt lở đất bờ sông, rạch với tổng chiều dài 125m.

Cụ thể, tại huyện Châu Phú, vụ sạt lở gây thiệt hại bốn nhà kho của người dân, buộc phải tháo dỡ và di dời tài sản. Tại huyện Chợ Mới, tuyến bờ sông Hậu đoạn qua xã Hòa Bình cũng sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 70m, đi sâu vào đất liền 10m. Các vụ sạt lở gây thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng.

Nguyên nhân gây sạt lở được xác định là do ảnh hưởng của biên độ triều cao và có những đợt mưa đầu mùa đã phá hoại kết cấu đất, kết hợp tác động của dòng chảy, di chuyển của các phương tiện giao thông thủy.

Ở Cần Thơ, hôm 24-5, phía bờ trái sông Ô Môn (đoạn thuộc xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai) sạt lở đã làm hai căn nhà của người dân bị sụp xuống sông. Vụ sạt lở này gây chia cắt giao thông qua khu vực, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Lực lượng cứu hộ đã làm rào chắn, giăng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; tạo lối đi tạm cho người dân; đồng thời, vận động người dân di dời hàng rào gần khu vực sạt lở; đốn hạ cây xanh nhằm hạn chế tình trạng này xảy ra.

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, bờ sông Ô Môn qua địa bàn huyện Thới Lai đã xảy ra 4 vụ sạt lở ở các xã Thới Thạnh, Tân Thạnh và thị trấn Thới Lai. Trước mắt, UBND huyện Thới Lai đã quyết định xây kè chống sạt lở khẩn cấp ở hai điểm sạt lở nêu trên với kinh phí dự kiến khoảng 2 tỉ đồng. Kè được thi công với kết cấu cừ tràm, cừ dừa, lưới thép B40, thảm rọ đá.

Về lâu dài, lãnh đạo UBND huyện đã kiến nghị UBND thành phố và đơn vị liên quan hỗ trợ kinh phí để khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân quanh khu vực này. Huyện cũng đề nghị thành phố có lộ trình đầu tư xây dựng 13 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở cao trên đoạn sông Ô Môn với chiều dài khoảng 7,1 km.

Những khu vực khác như khu vực bờ kênh Cần Lố (xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) tiếp tục xảy ra sạt lở làm hai ngôi nhà của người dân đã bị sụt xuống kênh, thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng. Còn ở khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An), sạt lở làm sụp hoàn toàn một đoạn đường bê tông, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng trăm người dân sinh sống xung quanh.

T.Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tinh-trang-sat-lo-bo-song-rach-tiep-dien-tai-dbscl/