Cách Tổng thống Biden 'gửi quyền lợi' trong gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine

Chính gói viện trợ 61 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ vừa ký chuyển cho Ukraine để tăng cường sức mạnh quân sự lại giúp Lầu Năm Góc nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí của mình, theo cách mà lẽ ra không thể thực hiện được.

Tính toán ‘không đi đâu mà thiệt’ của Tổng thống Mỹ Biden trong khoản trợ cấp 61 tỷ USD dành cho Ukraine. Trong ảnh: Tổng thống Joe Biden bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau khi cả hai cùng phát biểu tại Cung điện Mariinsky trong chuyến thăm không báo trước tới Kiev, tháng 2/2023. (Nguồn: Reuters)

Washington đang ráo riết chuẩn bị gửi các chuyến hàng vũ khí đầu tiên trong gói tài trợ 61 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch quân sự với Nga. Nhưng bất ngờ là, phần lớn số tiền này đều đã được "nắn dòng" chảy qua nền kinh tế Mỹ trước tiên.

Luật mới sẽ cho phép Lầu Năm Góc gửi các loại vũ khí hiện có - mọi thứ từ đạn, tên lửa đến các bộ phận của xe tăng - đến Kiev và sau đó đồng thời, bù đắp “chỗ trống” vừa để lại đó bằng những nỗ lực sản xuất mới cho kho vũ khí của Mỹ.

Theo nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), có 117 dây chuyền sản xuất đóng tại khoảng 71 thành phố của Mỹ được thiết lập để sản xuất những hệ thống vũ khí này.

Sáng 24/4, sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật về gói viện trợ nước ngoài mới, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành thành luật. Gói viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD, trong đó có 61 tỷ USD dành cho Ukraine, phần còn lại viện trợ bổ sung cho Israel và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như có thể cấm TikTok ở Mỹ vào năm tới.

Phát biểu với báo giới sau khi ký ban hành luật, Tổng thống Biden khẳng định, những chuyến hàng viện trợ sẽ “lập tức bắt đầu trong vài giờ tới”.

“Chúng tôi sẽ gửi ngay thiết bị, vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của chính mình, sau đó sẽ bổ sung vào kho dự trữ đó những sản phẩm mới do các công ty Mỹ sản xuất tại Mỹ”, ông Biden nói rõ.

“Chúng tôi đang giúp Ukraine, nhưng cũng đầu tư vào cơ sở công nghiệp của chính mình”, ông Biden nói thêm, đồng thời cho biết số tiền sẽ được chia đều trên khắp 40 tiểu bang.

Một nhà nghiên cứu ở AEI, Marc Thiessen và các đồng nghiệp của ông đính chính con số thấp hơn một chút –là 31 bang – nhưng đồng ý với Tổng thống Biden rằng - hiệu ứng từ quyết định trên sẽ rất đáng kể.

Viết trong một bài bình luận gần đây trên tờ Washington Post, chuyên giaThiessen cho biết, chính “viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đang hồi sinh các cộng đồng sản xuất trên khắp nước Mỹ”.

AEI đã xác định một loạt khu vực - từ Ohio đến New Hampshire, Missouri đến California - sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhất. Đáng chú ý, nhiều bang trong số này có đại diện là các nhà lập pháp đã bỏ phiếu chống dự luật trên.

Chẳng hạn, Missouri là khu vực được đánh dấu bằng màu đỏ đậm trong dữ liệu của AEI, có Boeing (BA) và RTX (trước đây là Raytheon) Corporation (RTX) chế tạo những thứ như bom lượn và radar theo dõi.

Tương tự như vậy, ở Alabama - là nơi các công ty như BAE Systems (BAESY), General Dynamics (GD) và Lockheed Martin (LMT) chuyên sản xuất những thứ như xe chiến đấu, các bộ phận của pháo và tên lửa đất đối không Javelin.

RTX cũng đang hoạt động ở Alabama và gần đây đã động thổ mở rộng cơ sở tên lửa ở đó.

Trong tuần này, Lockheed Martin và General Dynamics cũng vừa công bố số liệu thu nhập hàng quý và không quên tranh thủ sử dụng các báo cáo này để quảng bá mối quan hệ của họ với Lầu Năm Góc, cũng như cách các hợp đồng quốc phòng giúp tăng lợi nhuận của họ như thế nào.

Mỹ hiện đã gửi hơn 100 tỷ USD tới Ukraine trong một loạt nỗ lực viện trợ theo mô hình tương tự - tiền viện trợ “đi qua” nền kinh tế Mỹ trước tiên và thúc đẩy ngành sản xuất của nước này.

Các nhà quan sát nhấn mạnh, "số tiền này cho phép Lầu Năm Góc nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí của Mỹ theo cách mà lẽ ra không thể thực hiện được".

Chuyên gia Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế gần đây đã viết về việc cắt viện trợ sẽ có những tác động khác như thế nào, từ việc tài trợ thiếu hụt cho các lực lượng hiện có của Mỹ, đến làm suy yếu các nỗ lực cứu trợ nhân đạo.

Biện pháp viện trợ được thông qua trong tuần này cũng bao gồm hơn 26 tỷ USD cho Israel. Một phần trong số tiền đó được biểu thị là hỗ trợ quân sự và vũ khí và có thể cũng sẽ đi theo mô hình tương tự - là mang lại lợi ích trước tiên cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ (và lực lượng của họ).

(theo AFP, Yahoo Finance)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-tong-thong-biden-gui-quyen-loi-trong-goi-vien-tro-61-ty-usd-cua-my-danh-cho-ukraine-269053.html