Tính thời sự trong 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc' 75 năm trước

Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc' gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Tập trung cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn -Ảnh: LÊ MINH

Từ ngày đó, tròn 75 năm đã qua; đất nước ta vượt qua hai cuộc “trường chinh”, đã giành được độc lập, hòa bình và thống nhất, mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng một “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” đang diễn ra tuân theo một cơ chế mới: cạnh tranh thị trường phức tạp và nhiều khi khốc liệt. Tất cả đều nhằm đạt hiệu quả cao nhất, quyết giành phần thắng cho mình, đơn vị mình. Vì thế, đến nay, các ban thi đua ở địa phương đã giải thể, cách phát động, tổ chức các phong trào thi đua cũng không rầm rộ như trước. Điều đó là hợp lý, khi hoạt động KTXH theo quy luật cạnh tranh là chủ yếu, thì cách kêu gọi thi đua “suông”, ít quan tâm đến lợi ích con người, lại nặng về hình thức với các khẩu hiệu có vần vè dễ nhớ không còn mấy hiệu quả.

Tuy vậy, đọc lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 75 năm trước, nhận ra vẫn còn nhiều nội dung có giá trị, cần được hiểu một cách thấu đáo, khi vận dụng vào điều kiện cụ thể hiện nay.

Trước hết, ngay từ tên gọi “thi đua ái quốc” đã mang một mục đích, một vẻ đẹp cao cả, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Một đơn vị, một địa phương nhờ cạnh tranh quyết liệt, kêu gọi được dưạ́n sản xuất thu lợi nhuận cao nhưng sản xuất càng phát triển, môi trường càng bị suy thoái, bị đầu độc (như xả khói, xỉ than chứa nhiều độc tố) thì không thể gọi là “ái quốc” được. Cuộc sống không thể thiếu vật chất, hầu như ai cũng gắng sức bươn chải để đạt tới sự giàu sang, nhưng xã hội càng tiến bộ, con người càng chú trọng đến những giá trị tinh thần, đạo đức. Đặt mục đích thi đua là “ái quốc”, chứ không phải để giành được danh hiệu với những món tiền thưởng lớn. Thi đua sẽ làm cho mọi hoạt động bình thường hằng ngày của con người mang ý nghĩa cao thượng hơn, hạn chế mặt tiêu cực trong cạnh tranh (con người ta chỉ biết tới chuyện “hơn-thua” và lợi ích phe nhóm). Chính với tinh thần “ái quốc”, đã có địa phương từ chối dự án “khủng” để bảo vệ môi trường, sinh thái, mặc dù như thế thu nhập bị giảm sút.

Chúng ta cũng cần lưu ý, ngay giữa lúc khói lửa bom đạn bời bời, trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” từ 75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng các nhà buôn, doanh nghiệp. Điều đó thể hiện, trong 7 lớp người mà Người kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới lực lượng “công thương” trước cả công nông, trí thức, nhân viên chính phủ và bộ đội dân quân: “Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp”. Ngày nay, Nhà nước đã biết nhìn nhận “giới công thương” là lực lượng quan trọng góp phần làm nên sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Cần nhìn lại như thế để thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng như thế nào trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” từ 75 năm trước.

Cũng với cách viễn kiến như thế, sau khi nêu các kết quả cụ thể của thi đua ái quốc là dân đủ ăn, đủ mặc, biết đọc, biết viết, bộ đội đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục tiêu cao đẹp hơn, có giá trị nhân văn hơn là “thực hiện dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Gọi là “viễn kiến” vì cho đến nay, chúng ta ngày càng nhận ra những mục tiêu “Dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” còn khó thực hiện hơn cả việc đánh đuổi quân xâm lược. Điều dễ thấy là hơn 40 năm kết thúc chiến tranh, mặc dù đất nước đã có những đổi thay không thể phủ nhận, nhưng nhiều vùng sâu, vùng xa còn nghèo đói. Cả mục tiêu “dân tộc độc lập” vẫn đang thường xuyên bị thách thức, uy hiếp, khi một phần lãnh thổ trên Biển Đông chưa thu hồi được và chúng ta vẫn phải thường nêu cao tinh thần “độc lập tự chủ” trong bang giao quốc tế hay khi quyết định các chính sách cần sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế… Chính vì thế, tinh thần chủ đạo “ái quốc” trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948, vẫn là “kim chỉ nam” trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Cũng ở đoạn văn nên trên trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mặc dù với tư cách là lãnh tụ tối cao của đất nước, sau khi chỉ ra 3 mục tiêu đã nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời tới 7 lớp người (phụ lão, thiếu nhi, công thương…) với một thái độ khiêm tốn rất đúng mực, đúng tinh thần “dân vi quý” chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có: “Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin/Các cụ phụ lão…/ Đồng bào công thương…”.

Xin được nhấn mạnh “tôi xin”, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn có quyền “ra lệnh”, ít ra thì cũng “đề nghị”. Cũng vì vậy, xin nhắc lại điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “xin” các cấp cán bộ nhà nước như sau: “Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự Nhân dân”. Đó cũng chính là điều mà hiện này toàn dân đang hy vọng cán bộ các cấp sẽ thực hiện được, nhất là khi Đảng, Quốc hội và Nhà nước ta vừa mạnh mẽ đặt lên bàn nghị sự việc cải tổ và chấn chỉnh bộ máy phục vụ Nhân dân cho phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới và xu thế mới của thời đại. Chính vì thế, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ 75 năm trước đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự.

Trung Sơn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/tinh-thoi-su-trong-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-75-nam-truoc/177508.htm