Tình thế 'đi không được, ở chẳng xong' ở chung cư chờ sập

Bên cạnh băn khoăn về hệ số bồi thường và tái định cư, người dân cho rằng cơ chế kiểm định chung cư cũ cũng cần xem lại khi hai khu xuống cấp như nhau lại được dán nhãn khác nhau.

Sinh sống ở chung cư G6B tập thể Thành Công từ năm 1995 theo diện nhà cấp cho cán bộ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Tú Uyên (58 tuổi) cho biết gia đình vừa phải chuyển ra ngoài để đi thuê nhà, bỏ lại căn chung cư cũ đã trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Gần 30 năm sinh sống tại đây, gia đình bà phải chịu nhiều bất tiện khi tường nhà thường xuyên lở loét, ẩm thấp và căn nhà "ngày càng nghiêng".

“Mùa đông ở được nhưng mùa hè mưa bão thì không thể ở nổi vì trần nhà thường xuyên thấm dột. Ở trong nhà tôi lúc nào cũng phải có các chậu thau hứng nước mưa”, bà Uyên kể lại và cho biết gia đình bà đã chi hàng trăm triệu đồng để sửa sang trong những năm qua nhưng tình trạng không được cải thiện.

Đánh cược mạng sống trong chung cư 'chờ sập' Nhiều hộ dân tại chung cư G6A Thành Công (Hà Nội) không muốn di dời vì chưa thỏa mãn về cơ chế đền bù. Ở các tòa khác, nhiều người phải thuê nhà vì căn hộ xuống cấp nghiêm trọng.

Có nhà vẫn phải đi thuê

Giữa năm 2022, vì căn nhà đã quá xuống cấp, gia đình bà Uyên buộc phải rời đi và chi trả 8 triệu đồng/tháng để thuê một căn hộ trên đường Nguyễn Xiển do chưa có đủ điều kiện để mua nhà mới. Căn nhà ở chung cư cũ giờ đây chỉ còn là nơi tạm trú để các con của bà thỉnh thoảng ghé qua nghỉ ngơi.

Theo bà Uyên, cả khu chung cư hiện chỉ còn vài phòng có người ở, là những người đến thuê lại. Còn chủ hộ đều đã chuyển đi do lo ngại về an toàn cũng như sự bất tiện trong sinh hoạt.

Dù xuống cấp trầm trọng, chung cư G6B Thành Công mới chỉ được dán nhãn cấp độ C nên chưa có cơ chế để đền bù, di dời hay cải tạo khẩn cấp. Do đó, người dân như bà Uyên phải chủ động dời đi và tự tìm cách thuê hoặc mua nhà bên ngoài, còn căn chung cư cũ thì để không hoặc cho thuê lại.

 Căn nhà của bà Uyên xuống cấp nghiêm trọng nên gia đình chuyển đi nơi khác, con trai của bà chỉ vào ở tạm khi cần. Ảnh: Mỹ Hà.

Căn nhà của bà Uyên xuống cấp nghiêm trọng nên gia đình chuyển đi nơi khác, con trai của bà chỉ vào ở tạm khi cần. Ảnh: Mỹ Hà.

Trong khi đó, ông Sỹ Hùng (chung cư G6A tập thể Thành Công) cho biết khu chung cư nơi ông đang ở được thành phố dán nhãn cấp D và yêu cầu người dân di dời khẩn cấp từ năm 2016 để thành phố tiến hành cải tạo.

Dù vậy, ông Hùng cùng nhiều người dân trong chung cư vẫn ở lại vì chưa chấp thuận cơ chế mà thành phố đưa ra cho người dân sau khi di dời.

Cụ thể, theo thông báo người dân nhận được, thành phố sẽ di dời, sau đó tiến hành lập quy hoạch và chọn chủ đầu tư để cải tạo khu chung cư cũ rồi đón người dân về ở.

Nhưng nếu theo lộ trình này, những người dân như ông Hùng bày tỏ lo lắng vì không biết sẽ phải di dời đi đâu, nơi ở mới ra sao, bao giờ được trở về và khi trở về thì điều kiện sinh sống thế nào.

Lo cảnh "một đi không trở lại"

Ông Nguyễn Văn Chi, tổ trưởng cư dân khu tập thể G6A Thành Công, chia sẻ người dân lo ngại vì đã có những trường hợp di dời khỏi chung cư cũ hàng chục năm qua và sinh sống ở các nhà tạm, nhưng đến nay vẫn chưa biết ngày trở về.

Ông Chi lấy ví dụ về những người dân đang sinh sống ở khu nhà tạm cư Phú Thượng cũng nằm trong diện ở chung cư cũ phải di dời từ năm 2006. Trải qua 17 năm, đến nay, họ vẫn chưa được về nhà vì chung cư chưa cải tạo xong, trong khi các khu nhà tạm cư đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Chúng tôi mong muốn được tự lựa chọn chủ đầu tư cho chính nơi ở của mình, còn không thì phải có cơ chế đền bù, tái định cư thỏa đáng”, đại diện người dân ở khu tập thể G6A Thành Công cho biết.

Hiện trạng khu chung cư cũ G6A Thành Công sắp được cải tạo. Ảnh: Mỹ Hà.

Hiện trạng khu chung cư cũ G6A Thành Công sắp được cải tạo. Ảnh: Mỹ Hà.

Trong khi đó, bà Hồng (nhà ở tầng 1 khu chung cư G6A Thành Công), cho biết căn hộ gia đình bà đang ở “rất mới và hiện đại” vì được đầu tư nội thất bên trong. Bên cạnh việc ở, gia đình bà còn cho thuê mặt bằng để kinh doanh.

Nếu bắt buộc phải di dời, bà Hồng cần đảm bảo thêm cơ chế về công ăn việc làm, kinh doanh buôn bán vì “đang sinh sống, làm ăn yên ổn thì không ai muốn đi”. Đây cũng là băn khoăn lớn của các hộ đang có cửa hàng kinh doanh ở chung cư cũ.

Đồng thời, người dân phản ánh một nghịch lý về việc hai khu chung cư G6A và G6B Thành Công bị dán nhãn cấp độ trái ngược với hiện trạng sử dụng. Trong đó, G6A là chung cư cấp D mà người dân vẫn có thể ở lại sinh hoạt bình thường, còn G6B là chung cư cấp C mà xuống cấp đến nỗi người dân không thể ở được nữa.

Theo ghi nhận của Zing, hai chung cư G6A và G6B Thành Công ở sát nhau và có mức độ xuống cấp khá nghiêm trọng bởi các mảng tường lở loét, cầu thang phải gia cố, trần nhà ẩm thấp. Riêng chung cư G6B bắt đầu có hiện tượng nghiêng, lún, nứt tường.

Cơ chế kiểm định chung cư cũ cần chi tiết

Nói về cơ chế cải tạo nhà chung cư cũ, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, dẫn số liệu trong 10 năm qua, Hà Nội mới chỉ cải tạo được 1,5% trong số hơn 1.500 chung cư cũ. Việc chậm trễ trong thực hiện cải tạo chủ yếu do xung đột lợi ích hoặc vướng mắc về cơ chế chính sách.

“Theo quy định, với các chung cư nằm trong 4 quận nội thành, sau khi cải tạo xong không được làm tăng mật độ dân số, không tăng chiều cao, diện tích. Đây là bài toán rất khó với doanh nghiệp vì nếu làm vậy thì sẽ không thể có lãi”, ông Điệp nhìn nhận.

Ngoài ra, vướng mắc quan trọng nhất nằm ở quy định cần sự đồng thuận của 100% cư dân thì mới có thể tiến hành cải tạo.

 Đơn nguyên 1 khu tập thể Ngọc Khánh trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đã được rào chắn để chuẩn bị kế hoạch cải tạo. Ảnh: Mỹ Hà.

Đơn nguyên 1 khu tập thể Ngọc Khánh trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đã được rào chắn để chuẩn bị kế hoạch cải tạo. Ảnh: Mỹ Hà.

Ông Điệp cũng cho rằng bên cạnh cải tạo chung cư, vấn đề an sinh xã hội cần được tính đến khi nhiều người dân cần đảm bảo công việc làm ăn kinh doanh. Các vấn đề này tưởng là nhỏ nhưng nếu không tháo gỡ được thì rất khó để vận động người dân di dời.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nêu kiến nghị sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội chủ động trong điều tiết, quy định rõ những khu vực có thể tăng mật độ, chiều cao chung cư. Điều này phần nào tháo gỡ cho doanh nghiệp khi đứng trước bài toán về lợi nhuận.

Ngoài ra, ông Điệp cho rằng quy định về tỷ lệ người dân đồng thuận cần được giảm xuống còn 80-85%, còn lại là cưỡng chế. Với các hộ kinh doanh tầng 1, chính quyền và chủ đầu tư cần tính thêm cơ chế để đảm bảo công ăn việc làm cho người dân sau khi di dời.

Về cơ chế kiểm định nhà chung cư cũ, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 Group là đơn vị từng nhận đầu tư cải tạo chung cư cũ ở Đại La, cho rằng việc kiểm định phải nhanh chóng và chỉ tiêu phải chi tiết.

“Tôi ví dụ khu chung cư chúng tôi triển khai cải tạo có 4 tòa, trong đó nếu nhìn bằng mắt thì một tòa thuộc nhóm D, hai tòa nhóm C và một tòa nhóm B. Nếu tính như vậy thì không biết triển khai kiểu gì”, ông Quê nói.

Chủ tịch G6 Group cho rằng quy định nên làm rõ nếu trong cả khu chung cư, chỉ cần một tòa thuộc nhóm D thì cả khu phải thuộc nhóm D vì trong trường hợp một tòa sập, sẽ có sự lây lan sang các tòa khác theo hiệu ứng domino.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-the-di-khong-duoc-o-chang-xong-o-chung-cu-cho-sap-post1401412.html