'Tinh thần samurai' mà đội tuyển Nhật Bản khao khát

Cầu thủ Yuto Nagatomo nói rằng tuyển Nhật Bản cần khơi dậy 'tinh thần samurai' để vượt qua Croatia và lần đầu tiên ghi tên mình vào vòng tứ kết tại một kỳ World Cup.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4/12, một ngày trước trận đấu ở vòng 16 đội giữa tuyển Nhật Bản và Croatia, Nagatomo, một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất phía "Samurai xanh", cho biết đã đến lúc chuẩn bị cho thực tế.

"Có những chiến thuật quan trọng, nhưng cho dù có cải thiện đến mức nào, nếu chúng tôi sợ hãi trên sân thì những điều đó đều trở nên vô ích", cầu thủ 36 tuổi, người từng 4 lần tham dự World Cup, nói.

"Trước khi samurai ra trận, họ đánh bóng vũ khí và cố gắng cải thiện kỹ thuật của mình. Nhưng nếu sợ hãi trong trận chiến, họ sẽ không thể sử dụng những vũ khí đó đúng cách. Trong bóng đá cũng vậy.

Để có thể phát huy tối đa tất cả chiến thuật đã thảo luận và thực hành, điều kiện tiên quyết là phải có lòng can đảm. Vì vậy, ngày mai, chúng tôi rất muốn thể hiện sự can đảm của mình".

HLV Hajime Moriyasu đồng ý với học trò. Ông một lần khẳng định tuyển Nhật Bản sẽ thi đấu dũng cảm, kiên trì đến cùng như những gì họ đã thể hiện trong trận thắng trước Đức và Tây Ban Nha ở vòng bảng.

Không chỉ thầy trò HLV Moriyasu, ngay cả người hâm mộ Nhật Bản cũng rất mong chờ "tinh thần samurai" sẽ được các tuyển thủ thể hiện trong trận đấu quan trọng với Croatia.

"Tinh thần samurai" là gì?

Truyền thuyết về Toyotomi Hideyoshi, chiến binh samurai vĩ đại trong lịch sử Nhật Bản, kể về một cậu bé nông dân được gia đình gửi đến ngôi đền gần nhà để trở thành thầy tu. Nhưng đến năm 15 tuổi, Hideyoshi bỏ trốn và cuối cùng phục vụ cho Oda Nobunaga, một vị tướng samurai đầy tham vọng.

Sự trung thành và cống hiến tận tâm của Hideyoshi đã được Nobunaga đề cao và nhiều lần ban thưởng, trọng dụng. Về sau, Hideyoshi trở thành nhà lãnh đạo quân sự và là người thống nhất Nhật Bản vào thế kỷ thứ 16.

 "Tinh thần samurai" được tôn vinh, coi trọng tại Nhật Bản. Ảnh: The New York Times.

"Tinh thần samurai" được tôn vinh, coi trọng tại Nhật Bản. Ảnh: The New York Times.

Lòng trung thành của Hideyoshi với vai trò nổi tiếng của mình trong lịch sử Nhật Bản là sự mô tả thực tế của từ "samurai". Đây cũng chính là cội nguồn cho "tinh thần samurai" hay văn hóa ứng xử của người Nhật trong mọi lĩnh vực từ kinh doanh, giáo dục cho đến nghệ thuật, thể thao.

Trong cuốn sách Bushido: The Soul of Japan, tác giả Nitobe Inazo viết: "Đường đi của chiến binh thể hiện tấm gương phản chiếu trung thực đáng kinh ngạc về nhiều đặc điểm và thói quen của nền văn minh Nhật Bản hiện đại. Nếu thiếu hiểu biết về võ sĩ đạo thì quan niệm đạo đức của Nhật Bản hiện đại sẽ giống như quyển sách bị niêm phong".

Bushido hay võ sĩ đạo có nghĩa là "con đường của võ sĩ", đó là các nguyên tắc, đạo lý mà các samurai phải tuân theo trong cuộc sống đời thường suốt thế kỷ thứ 8 cho đến thời hiện đại.

"Tinh thần samurai" xuất phát từ bushido mà trong đó cội nguồn là hệ thống đạo đức của Phật giáo, Thần đạo và tư tưởng Khổng - Mạnh.

Nitobe Inazo giải thích "tinh thần samurai" được thể hiện qua 8 đức tính cơ bản là nghĩa khí, dũng cảm, nhân từ, tôn trọng, trung thực, danh dự, trung thành và tự chủ.

Samurai xanh và bóng đá Nhật Bản

"Samurai xanh" là tên gọi do Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) nghĩ ra để ủng hộ đội tuyển Nhật Bản tại World Cup 2006 ở Đức.

Một số cái tên khác cũng đã được đưa ra, nhưng "Samurai xanh" là lựa chọn áp đảo của người hâm mộ trong một cuộc thăm dò trực tuyến.

Cụm từ kết hợp từ chỉ các chiến binh cổ đại của Nhật Bản đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới thông qua bộ phim Last Samurai (2003), với màu áo thi đấu của đội tuyển quốc gia Nhật Bản, màu xanh lam.

"Samurai xanh" mang ý nghĩa chiến đấu với niềm kiêu hãnh, tinh thần công bằng và khát khao chiến thắng mãnh liệt.

Theo The Japan Times, tại một đất nước mà bóng chày và sumo từ lâu đã được yêu thích hơn cả, sự ra đời của cái tên "Samurai xanh" đã góp phần giúp bóng đá tìm được chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả xứ Phù Tang.

 Cổ động viên Nhật Bản thu dọn rác trên sân vận động ở World Cup 2022. Ảnh: The New York Times.

Cổ động viên Nhật Bản thu dọn rác trên sân vận động ở World Cup 2022. Ảnh: The New York Times.

Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2006, những lá cờ màu xanh lam đã được phân phát cho người hâm mộ tại các trận đấu và sự kiện bóng đá trên khắp đất nước. Một số xe buýt được bọc màu xanh lam để thể hiện sự ủng hộ dành cho đội tuyển Nhật Bản. Một chiếc lều khổng lồ có tên Samurai Blue Park được dựng lên tại Yokohama nhằm phục vụ nhóm fan chính thức.

Trong khi đó, JFA kêu gọi người dân cả nước mặc trang phục màu xanh lam vào những ngày Nhật Bản thi đấu, nhằm lan tỏa tinh thần "Samurai xanh".

Trong những kỳ World Cup tiếp theo, "Samurai xanh" không chỉ là tên gọi gắn liền với tuyển Nhật Bản, mà còn thể hiện tinh thần, hình ảnh ấn tượng trên các khán đài hay phòng thay đồ.

Những bức ảnh ghi lại cảnh các cổ động viên Nhật Bản nhặt rác, phòng thay đồ của các tuyển thủ nước này được thu dọn sạch sẽ sau mỗi trận đấu tại World Cup 2018, 2022 nhận được nhiều lời khen ngợi.

Dù đội nhà thường phải dừng chân sớm tại các kỳ World Cup, người hâm mộ bóng đá Nhật Bản vẫn tự hào với tinh thần "Samurai xanh" được thể hiện trong từng hành động nhỏ.

Khi tuyển Nhật Bản để thua đội tuyển Bỉ và phải dừng chân ở vòng 16 đội ở World Cup 2018, mạng xã hội ngập tràn những lời cổ vũ, khen ngợi các tuyển thủ và cổ động viên nước này.

Kyodo News đăng tải bài viết World Cup 2018: Japan lost the game, but win hearts on social media (tạm dịch: Nhật Bản thua trên sân, nhưng thắng trên mạng xã hội). Còn India Today nhận định: "Tuyển Nhật vẫn chiếm trọn cảm tình dù để thua Bỉ".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-than-samurai-ma-doi-tuyen-nhat-ban-khao-khat-post1382090.html