Tỉnh nào của Việt Nam có nghĩa là 'làng hồ'?

Đây là một tỉnh Tây Nguyên, nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn với nhiều dân tộc cùng sinh sống, đa dạng tài nguyên rừng.

1. Tên gọi của tỉnh nào theo tiếng Kinh có nghĩa là "làng hồ"?

icon

Kon Tum

icon

Đăk Nông

icon

Gia Lai

Câu trả lời đúng là đáp án A: Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, rộng hơn 9.600 km2. Theo tài liệu Kon Tum trên đường phát triển, vùng đất này vốn là một làng nhỏ của người Bana cạnh dòng sông Đăk Bla. Sau đó, đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Jẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm đến sinh sống. Theo truyền thuyết người Ba Na, làng người địa phương ở gần bên dòng sông Đăk Bla với tên gọi Kon Trang - Ôr. Lúc ấy, Kon Trang - Ôr rất thịnh vượng với dân số khá đông. Giữa các làng khi đó luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi - một trong số những người đứng đầu làng Kon Trang - Ôr tên là Jơ Rông và Uông, không thích cảnh chiến tranh, làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăk Bla.

2. Sau năm 1975, tỉnh Kon Tum ngày nay có tên gọi là gì?

icon

Gia Lai

icon

Kon Tum

icon

Gia Lai- Kon Tum

Câu trả lời đúng là đáp án C: Vùng đất Kon Tum có nhiều biến động về địa giới hành chính, kể từ giai đoạn khởi nghĩa Tây Sơn (1771 - 1786) đến đầu thế kỷ 20. Địa danh Kon Tum từng gồm các vùng thuộc Gia Lai, Đăk Lăk ngày nay. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các huyện trong tỉnh Kon Tum đều được gọi theo tên mật danh như: H16, H29, H30, H40, H67, H80. Riêng TP Kon Tum lúc đó mang mật danh là H5. Vùng Kon Hring (nay thuộc huyện Đăk Hà) mang mật danh H9. Tháng 10/1975, Kon Tum sáp nhập với Gia Lai thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Tháng 10/1991, tỉnh Kon Tum được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Một số huyện mới được thành lập như Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông. Hiện, tỉnh Kon Tum có TP Kon Tum và chín huyện, gồm: Đăk Glei, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Ia H'Drai.

3. Tỉnh nào của Việt Nam có nhiều dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn nhất?

icon

Kon Tum

icon

Quảng Ngãi

icon

Đăk Lăk

Câu trả lời đúng là đáp án C: Đăk Lăk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba. Phía Bắc tỉnh giáp Gia Lai; phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa; phía Nam giáp Lâm Đồng và Đăk Nông; phía Tây giáp Campuchia. Tỉnh Đăk Lăk rộng hơn 13.000 km2 với 2,1 triệu dân. Theo số liệu của Cục Thống kê Đăk Lăk, tỉnh này hiện có 49 dân tộc đang cư trú trên địa bàn. Trong đó, người Kinh đông nhất với 70% dân số; tiếp đó là người Êđê 18%, người Nùng 4%, người Tày hơn 2%, người Mông hơn 2,1%. Sự đa dạng trong cộng đồng dân cư mang đến cho Đăk Lăk những giá trị văn hóa phong phú. Địa phương này được xem là "cái nôi" của nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Êđê, M'nông, Gia Rai như: lễ hội cồng chiêng, lễ đâm trâu, đua voi mùa xuân. Những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nơi này như kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; những bản trường ca Tây Nguyên. Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà Đăk Lăk là một trong năm địa phương có, được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

4. Vùng núi Ngọc Linh nổi tiếng nhất với loại thảo dược nào?

icon

Đông trùng hạ thảo

icon

Sâm

icon

Linh chi thái tuế

Câu trả lời đúng là đáp án B: Thảm thực vật ở Kon Tum đa dạng, thể hiện nhiều loại rừng khác nhau trong nền cảnh chung của đới rừng nhiệt đới gió mùa. Về tài nguyên rừng, tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 300 loài thực vật thuộc hơn 180 chi và 75 họ thực vật có hoa. Trong đó, nổi bật nhất ở Kon Tum là rừng rậm, trong rừng rậm có quần hợp chủ đạo là thông hai lá, dẻ, re, pơmu, đỗ quyên. Vùng núi Ngọc Linh ở Kon Tum có nhiều cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, hà thủ ô và quế. Sâm Ngọc Linh (danh pháp khoa học Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc họ cam tùng, còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, sâm trúc. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.

5. Dân tộc nào ít người nhất Việt Nam?

icon

Ơ Đu

icon

Pu Péo

icon

Brâu

Câu trả lời đúng là đáp án A: Theo Cổng thông tin Ủy ban Dân tộc dẫn kết quả điều tra dân số năm 2019 cho biết, dân tộc Ơ Đu có 428 người, tức dân số ít nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Ơ Ðu xưa kia cư trú dọc theo hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơn (bắt nguồn từ Lào chảy vào Việt Nam tại tỉnh Nghệ An). Do nhiều biến cố lịch sử, người Ơ Đu phải dời đi nơi khác hay sống cùng với các cư dân mới đến. Hiện, người Ơ Ðu cư trú tập trung ở một số bản tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ở Lào, họ hợp với nhóm Tày Phoọng cư trú ở tỉnh Sầm Nưa. Theo quy định của Chính phủ, dân tộc thiểu số rất ít người là những dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Hiện, cả nước có 16 dân tộc thiểu số rất ít người, gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Trong đó, ngoài dân tộc Ơ Đu, một số dân tộc khác có dân số dưới 1.000 người theo thống kê năm 2019 như Si La, Pu Péo, Brâu, Rơ Măm.

6. Ngày hội lớn nhất trong năm với người Ơ Đu là gì?

icon

Lễ chào mặt trăng

icon

Lễ đón tiếng sấm

icon

Lễ ăn mừng cơm mới

Câu trả lời đúng là đáp án B: Người Ơ Đu có hệ thống lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết cơm mới. Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm trong năm. Ngày đó, cư dân khắp nơi đổ về mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng tại bản. Trong tín ngưỡng, người Ơ Ðu tin rằng khi chết đi linh hồn ngụ tại bãi tha ma, hồn gốc ở chỏm tóc ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên. Nơi thờ ma nhà tại góc hồi của gian thứ hai. Bàn thờ đơn giản, treo cao sát mái nhà.

7. Sóc Bom Bo ở tỉnh nào?

icon

Lâm Đồng

icon

Bình Phước

icon

Bình Dương

Câu là lời đúng là đáp án B: Sóc Bom Bo thuộc thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Sóc có năm dân tộc sinh sống, nhiều nhất là đồng bào S'tiêng. Theo Cổng thông tin điện tử Bình Phước, năm 1962-1963, quân đội Mỹ càn quét triền miên, dồn dân vào ấp chiến lược. Dân làng sóc Bom Bo, phần lớn thuộc dân tộc S'tiêng, kiên quyết giữ làng xóm. Hơn 100 người dân của sóc lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ Nửa Lon, bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên Bom Bo. Già làng Điểu Lên được xem là hình tượng của người dân Bom Bo trong kháng chiến và xây dựng làng xã. Địa danh sóc Bom Bo nay đã mang nhiều tên mới. Ban đầu, huyện Bù Đăng quy hoạch lại các cụm, vùng dân cư để thuận tiện cho người dân trong sinh hoạt và cải thiện cuộc sống. Tên sóc Bom Bo được đặt làm tên xã Bom Bo, còn sóc lấy tên là thôn 1. Sau đó ít lâu, do thôn 1 cách xa các thôn khác nên địa phương quyết định chuyển thôn 1 (tiền thân là sóc Bom Bo) thuộc địa bàn quản lý của xã Bình Minh. Sóc Bom Bo trong lịch sử là địa bàn thôn 1 của xã Bình Minh, còn xã Bom Bo không phải là sóc Bom Bo trước đây. Tuy nhiên, do địa danh sóc Bom Bo đã trở nên quen thuộc và gần gũi nên năm 2012, tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã quyết định đổi tên thôn 1 thành thôn Bom Bo.

8. Đâu là tên một khu vườn quốc gia lớn nhất ở Bình Phước?

icon

Bù Gia Mập

icon

Lộc Linh

icon

Bù Đốp

Câu là lời đúng là đáp án A: Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu rừng chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Đông Nam Bộ. Vườn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Phía đông vườn quốc gia này là tỉnh Đăk Nông, phía Tây Bắc là biên giới Việt Nam - Campuchia. Vườn rộng hơn 22.326 ha, sở hữu nhiều kỳ quan thiên nhiên với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú. Đây là nơi bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái và các nguồn gen quý hiếm như: vượn đen má vàng, voọc chà vá chân đen, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn. Sau khi phục hồi bản năng hoang dã, chúng sẽ được thả về tự nhiên. Vườn quốc gia Bù Gia Mập cảnh quan phong phú, hoang sơ, nhiều thác nước đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ. Đây là điểm du lịch thu hút đông du khách.

Kết quả

Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!

điểm

Đỗ Hợp (t/h)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tinh-nao-cua-viet-nam-co-nghia-la-lang-ho-post1469445.tpo