Tính năng an toàn chủ động và bị động trên ô tô, cái nào quan trọng hơn?

Các mẫu ô tô hạng sang thường liệt kê rất nhiều tính năng an toàn chủ động như một thước đo cho giá trị và đẳng cấp của xe. Đó đều là các công nghệ hỗ trợ người lái nâng cao để giảm thiểu tối đa tai nạn, nhưng không thể thay thế an toàn bị động.

Mới đây, mẫu MG5 của Trung Quốc và Mahindra Scorpio của Ấn Độ nhập khẩu vào Autralia bị ANCAP (Chương trình đánh giá và xếp hạng an toàn xe mới của Australia) đánh giá "0 sao" đã gây tranh cãi lớn, nhất là khi cùng mẫu Mahindra Scorpio lại được Global NCAP đánh giá "5 sao". Một số chuyên gia xe quốc tế cho rằng ANCAP không khách quan khi quá chú trọng hệ thống hỗ trợ an toàn chủ động (ADAS) trong khi dường như coi nhẹ các tính năng an toàn bị động như sự chắc chắn của cấu trúc, khung gầm xe.

Vậy, tính năng an toàn chủ động (ADAS) có quan trọng hơn tính năng an toàn bị động?

Hệ thống trang bị an toàn chủ động ADAS

ADAS (Advanced driver-assistance system) nghĩa là Hệ thống Hỗ trợ lái xe nâng cao, được thiết kế để hỗ trợ người lái có thể điều khiển xe một cách mượt mà, chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân trong trường hợp bị mất tập trung hoặc xử lý chậm khi có các tình huống bất ngờ. Danh mục tính năng an toàn chủ động ngày càng được nâng cao hiện đại và thông minh, không khác gì một "trợ lý ảo" của các tài xế.

Thông thường, đó là các tính năng như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phanh khẩn cấp tự động AEB, cảnh báo người lái khi buồn ngủ, giới hạn tốc độ, hỗ trợ đổ đèo, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, cảnh báo va chạm, hỗ trợ giữ làn đường, hệ thống hỗ trợ nhìn ban đêm, hệ thống hỗ trợ đỗ xe, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng...

Cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau là một tính năng an toàn chủ động được trang bị trên xe Skoda Kodiaq

Trong đó, thú vị nhất là hệ thống cảnh báo người lái khi buồn ngủ (Driver Alert), một tính năng mới hiện đại có ý nghĩa lớn phòng ngừa tình trạng tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật. Thông thường, hệ thống này sử dụng cảm biến và camera để liên tục quét gương mặt người lái, theo dõi số lần chớp mắt, cử động đầu, số lần ngáp để xác định xem tài xế có buồn ngủ không và đưa ra cảnh báo. Tính năng này đã được cài đặt trên một số mẫu xe thương hiệu Mỹ và châu Âu.

Cũng có những mẫu xe hiện đại như Skoda lại sử dụng hệ thống cảm biến tích hợp trên vô lăng, thông qua lực cầm nắm của tài xế trên vô lăng, chỉ trong vòng 10 giây sẽ phát hiện dấu hiệu mệt mỏi của người lái, qua đó đưa ra cảnh báo bằng âm thanh nhắc tài xế nghỉ ngơi thích hợp.

Khi phát hiện dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ của người lái, hệ thống cảm biến trên vô lăng đưa ra cảnh báo bằng âm thanh nhắc tài xế nghỉ ngơi thích hợp

Ngày nay, ADAS được đưa vào trong các bài thử nghiệm an toàn xe của nhiều tổ chức đánh giá xe như Chương trình đánh giá xe châu Âu - Euro NCAP, NHTSA, IIHS. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức đánh giá an toàn xe chú trọng ADAS. Điều này dẫn đến trường hợp như mẫu xe MG5 bị chấm 0 sao trong đánh giá của ANCAP vì thiếu nhiều tính năng ADAS.

Hệ thống hỗ trợ an toàn bị động

Nếu như hệ thống hỗ trợ an toàn chủ động dù hiện đại và thông minh đến đâu cũng có thể là những trang bị dễ bị cắt bỏ để giảm giá thành xe thì hệ thống an toàn bị động lại thuộc về những công nghệ mang tính nền tảng cần phải đảm bảo tối thiểu. Hệ thống này nằm ở thiết kế phần cứng của xe bao gồm những trang bị cơ bản như túi khí, dây đai an toàn, kính cường lực cao, vùng biến dạng, độ bền của khung xe, gầm xe... Đó là những rào chắn cuối cùng cho người bên trong xe khi va chạm xảy ra. Dù có sự hỗ trợ từ ADAS, nhưng trong trường hợp va chạm với một chiếc xe khác, công nghệ này không thể ngăn chặn hậu quả của sự va chạm. Trong tình huống này, các yếu tố an toàn bị động như túi khí, khung vỏ xe và cấu trúc giảm lực va chạm trở nên quan trọng.

Do đó, trong bài kiểm tra và đánh giá của Euro NCAP, hệ thống an toàn bị động chiếm tới 60% tổng số điểm trong bài kiểm tra. Chiếc xe sẽ được thử chạy với tốc độ 50-64km/h và bị đâm mạnh, bị kéo với tốc độ 29 km/h và va chạm với vật cứng cố định. Kết quả sẽ được tính toán dựa trên các thông số tác động tới hình nộm trong xe.

Kết quả test Euro NCAP của xe Skoda Kodiaq trang bị 7 túi khí cho thấy bảo vệ người ngồi trong xe đạt 92%, là điểm số gần như tuyệt đối.

Như vậy, để một chiếc ô tô thực sự an toàn và chất lượng, mẫu xe sẽ phải đảm bảo được trang bị đầy đủ cả hệ thống an toàn bị động và hệ thống an toàn chủ động. Tiêu chuẩn 5 sao của Euro NCAP hiện nay gần như là bắt buộc đối với những chiếc xe được bán ra tại châu Âu. Do đó, khi mua một chiếc ô tô, bên cạnh việc quan tâm đến động cơ, cảm giác lái hay không gian nội thất bên trong, các tiện ích giải trí hiện đại, người dùng không nên bỏ qua danh mục các tính năng an toàn của xe. Một cách khác là bạn có thể truy cập vào website của các tổ chức đánh giá an toàn để kiểm tra kết quả xếp hạng của mẫu xe mình muốn mua.

HHãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Đình Quý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nang-an-toan-chu-dong-va-bi-dong-tren-o-to-cai-nao-quan-trong-hon-2233373.html