Tình hình Ukraine: Mỹ 'chốt sổ' viện trợ quân sự năm 2023, tướng Ukraine thừa nhận Nga 'cao tay' một việc

Ngày 27/12, Mỹ thông báo về gói viện trợ quân sự cuối cùng trong năm 2023 dành cho Ukraine, trong khi một tướng quân đội của quốc gia Đông Âu thừa nhận năng lực của Nga chống lại các vũ khí chính xác mà Kiev nhận từ phương Tây.

Ukraine đang gặp vấn đề với việc sử dụng vũ khí tầm xa khi Nga đã nắm được cách đối phó. (Nguồn: Unian)

Hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin, trong tuyên bố về gói viện trợ vũ khí dành cho Ukraine trong khuôn khổ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) hiện hành, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, “gói viện trợ cuối cùng trong năm 2023” trị giá 250 triệu USD.

Các vũ khí trong gói bao gồm “đạn dược cho hệ thống phòng không, các cấu kiện khác cho hệ thống phòng không, bổ sung đạn dược cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 105 mm và 155 mm, đạn xuyên giáp và hơn 15 triệu băng đạn”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu Quốc hội nước này “hành động nhanh chóng” và “càng sớm càng tốt” để “thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia thông qua chính sách hỗ trợ Ukraine tự vệ và bảo vệ tương lai của nước này”.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đang huy động 500 máy phát điện khác từ nguồn dự trữ chiến lược để tăng cường khả năng phục hồi năng lượng của Ukraine trong bối cảnh xung đột của quốc gia Đông Âu với Nga đang tiếp diễn.

Được triển khai từ nguồn dự trữ cứu trợ khẩn cấp của EU do Ba Lan chủ trì, các máy phát điện có công suất từ nhỏ (12,5 kVA) đến lớn (1000 kVA) có khả năng cung cấp năng lượng cho toàn bộ bệnh viện trong trường hợp mất điện. Tổng giá trị của 500 máy phát điện được gửi đến Ukraine là 16,5 triệu Euro.

Các máy phát điện sẽ được chuyển đến các bộ khác nhau của Ukraine, mục tiêu là đảm bảo cung cấp đủ điện trong những tháng lạnh giá và tối, đồng thời duy trì hoạt động của các dịch vụ quan trọng như bệnh viện, xử lý nước thải và trạm sưởi ấm. Trong số đó, 40 máy phát điện đã được chỉ định dành cho các trường học.

Cùng với đợt triển khai mới này, tổng cộng đã có hơn 5.500 máy phát điện đã được gửi đến Ukraine thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự của EU, bao gồm số thiết bị quyên góp từ các quốc gia thành viên và 2.178 máy từ kho dự trữ của chính EU.

Cũng trong ngày 27/12, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, Chỉ huy nhóm quân Tavria của Các Lực lượng Vũ trang Ukrane (VSU) Alexander Tarnavsky thừa nhận, quân đội Nga đã học được cách đối phó với các loại vũ khí có độ chính xác cao trong phiên chế VSU.

Theo ông Tarnavsky, trong khuôn khổ cuộc chiến phản pháo, quân đội Nga trang bị hệ thống tác chiến điện tử cho lực lượng pháo binh, đồng thời thay đổi vị trí, nắm rõ mọi đặc điểm của súng và đạn pháo mà quân đội Ukraine sử dụng.

Tướng Tarnavsky nói rõ: “Họ biết được khả năng của chúng ta về tầm tấn công nên đã đặt các đơn vị pháo binh của chúng ở khoảng cách không thể bắn tới… Họ đang phát triển nhanh chóng các phương tiện tác chiến điện tử khiến chúng ta không thể sử dụng vũ khí có độ chính xác cao ở tầm xa”.

Trong khi đó, VSU đang gặp khó khăn trong việc xác định và loại bỏ pháo binh tầm xa của Nga.

Tướng Tarnavsky không phải là người đầu tiên nhận định VSU gặp vấn đề với việc sử dụng đạn pháo tầm xa có độ chính xác cao, bởi truyền thông phương Tây cũng từng đề cập tình trạng này.

Nguyên nhân là do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã được điều chỉnh để phù hợp với mục đích sử dụng trong xung đột.

Chúng làm gián đoạn liên lạc vô tuyến, bóp méo và tạo ra tín hiệu GPS sai, gây nhiễu không chỉ đối với quá trình dẫn đường của đạn pháo mà còn cả bom dẫn đường JDAM-ER và rocket tầm xa GMLRS dành cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-ukraine-my-chot-so-vien-tro-quan-su-nam-2023-tuong-ukraine-thua-nhan-nga-cao-tay-mot-viec-255443.html