Tinh giản biên chế nhằm sàng lọc nguồn nhân lực

'Việc tinh giản biên chế là nhằm mục đích tinh gọn tổ chức bộ máy, và lớn hơn là sàng lọc nguồn nhân lực, chọn người được việc để bố trí theo vị trí việc làm, hướng đến trả lương theo vị trí việc làm', ông Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ), Trưởng đoàn công tác Bộ Nội vụ, khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, sáng ngày 15/11. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân.

Buổi làm việc của đoàn nhằm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2019) tại tỉnh.

Ông Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ), Trưởng đoàn công tác, phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ), Trưởng đoàn công tác, phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với đoàn, ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc những vấn đề liên quan đến địa phương. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa quy định cụ thể tiêu chí về biên chế công chức tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, nên chưa có sự thống nhất trong thực hiện.

Theo ông Sang, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cần tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ.

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin tình hình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2019) của Cà Mau.

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin tình hình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2019) của Cà Mau.

Việc phân cấp phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn, đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và khả năng quản lý, điều hành của chính quyền từng cấp; phải bảo đảm các nguồn lực (nhân lực, tài lực,...) và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo theo nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, gắn với tinh giản biên chế để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để bố trí phù hợp vị trí việc làm theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Ông Trần Bửu Nhân, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết, đến nay Cà Mau đã cơ bản hoàn thành việc kiện toàn tổ chức và sắp xếp đầu mối bên trong của từng cơ quan, tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó và giảm biên chế.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại cơ quan hành chính bố trí viên chức làm việc tại vị trí công chức (325 người, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 313 người, Sở Y tế 12 người), do trước đây không có biên chế công chức để bố trí nên phải tạm bố trí viên chức vào thực hiện nhiệm vụ công chức tại cơ quan hành chính.

Năm 2023, Cà Mau được giao 21.440 biên chế (giảm 439 biên chế); năm 2024 giảm tiếp 439 biên chế và đến năm 2026, địa phương còn 20.120 biên chế.

“Biên chế giao cho tỉnh Cà Mau ngày càng giảm, do đó địa phương không thể bố trí đủ biên chế cho ngành giáo dục theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Trần Bửu Nhân nêu thực tế, đồng thời cho biết hiện tại nhu cầu tuyển giáo viên tại tỉnh không đạt yêu cầu (không có người đăng ký tuyển dụng), hiện còn thiếu 778 biên chế, trong khi đó số giáo viên xin chuyển nơi khác luôn luôn biến động.

Về nội dung này, theo ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, ngành giáo dục thông báo tuyển 921 biên chế nhưng chỉ tuyển được 214 người, trong khi năm học mới này số lượng học sinh tăng trên 7.000.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nêu khó khăn của địa phương trong thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành y tế, giáo dục.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nêu khó khăn của địa phương trong thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành y tế, giáo dục.

Tại buổi làm việc, đại diện ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội… cho biết công việc ngày càng nhiều, cần nguồn nhân lực đủ để đảm bảo nhiệm vụ, nhưng thực hiện tinh giản biên chế nên số lượng con người ngày càng giảm xuống, rất khó khăn trong hoạt động, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ Sở Nội vụ cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, tỉnh Cà Mau có 294 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc. Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Bửu Nhân dự báo, trong thời gian tới số lượng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh xin thôi việc sẽ tăng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khẳng định, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy là xu hướng, trong thực hiện phải khoa học, hiệu quả, các tổ chức chính trị trong bộ máy phải mạnh hơn, nhưng tất cả cũng cần phải có quá trình và việc làm này tại Cà Mau càng khó khăn hơn do đặc thù sông nước, địa bàn rộng, nhiều vùng là rừng và biển nên cần đủ nguồn nhân lực để đảm bảo nhiệm vụ được giao.

Những ý kiến của tỉnh Cà Mau đã được Đoàn công tác ghi nhận, sẽ tổng hợp báo cáo với Bộ.

Theo chương trình, chiều nay, Đoàn công tác Bộ Nội vụ sẽ có buổi làm việc với huyện Đầm Dơi./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tinh-gian-bien-che-nham-sang-loc-nguon-nhan-luc-a30055.html