Tình cảnh 'băng rôn hay là nước' của nhiều cư dân Centana Thủ Thiêm

Tại chung cư Centana Thủ Thiêm, một số người dân đã chấp nhận tháo băng rôn và giao nộp cho ban quản lý sau gần một ngày bị cắt nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng cuộc sống.

Thức dậy vào sáng 4/4, gia đình anh N.K.S cùng một số căn hộ khác tại chung cư Centana Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) phát hiện bị cắt nước dù đóng đầy đủ hóa đơn. Khi đi hỏi, anh được cho biết đã bị cắt nước do gia đình anh căng băng rôn phản đối bộ phận quản lý chung cư.

Gia đình đông người của anh S. trải qua ngày 4/4 với đầy rẫy bất tiện. Thời điểm mất nước lại vào buổi sáng, cả gia đình anh thậm chí không thể làm vệ sinh cá nhân.

Sau gần một ngày, anh S. đã tháo băng rôn để có nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để được mở lại nguồn nước, đại diện căn hộ của anh S. còn phải ký cam kết không treo, gỡ bỏ cũng như giao nộp băng rôn.

Câu chuyện của anh S. không phải cá biệt. Nhiều gia đình cùng giăng băng rôn phản đối tại chung cư này cũng đã quyết định nhượng bộ vì áp lực cắt nước.

Cư dân có quyền treo băng rôn

Trao đổi với Zing, đại diện ban quản trị chung cư Centana Thủ Thiêm cho biết người dân có quyền căng băng rôn để bày tỏ ý kiến cá nhân, miễn không xúc phạm, vu khống cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, theo ông, việc căng băng rôn ở ban công vi phạm nội quy “cấm phơi, để quần áo và bất cứ vật dụng nào trên lan can hoặc từ phần không gian lan can trở lên hoặc vắt ngang cửa sổ của căn hộ”.

Một căn hộ tại chung cư Centana Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) căng băng rôn ngày 4/4. Ảnh: Linh Thùy.

Bày tỏ quan điểm về vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình) cho rằng việc người dân căng băng rôn chỉ đơn thuần nhằm mục đích đòi làm rõ vấn đề tranh chấp. Việc căng băng rôn yêu cầu ôn hòa là một việc làm thuộc quyền hiến định về tự do ngôn luận của công dân.

Tuy nhiên, trong quy trình căng băng rôn nếu làm rối loạn trật tự công cộng, bịa đặt nội dung trong băng rôn… thì người dân mới bị giải quyết và xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.

Ngoài ra, về quy định cấm "phơi, để quần áo và bất cứ vật dụng nào trên lan can hoặc từ phần không gian lan can trở lên hoặc vắt ngang cửa sổ của căn hộ", luật sư Hùng cho biết các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện tại không quy định nghiêm cấm hành động trên, căn cứ Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Điều 2 phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BXD.

Trên thực tế, những hành vi bị cấm phải được xem xét, thảo luận tại hội nghị nhà chung cư, được quy định cụ thể trong nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng một số vật dụng để ở khu vực ban công chung cư có thể rơi rớt, ảnh hưởng đến những căn hộ xung quanh nên Hội nghị nhà chung cư có thể đưa ra những nội quy cấm nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn cho cư dân.

Gia đình chị T. cũng là một trong những hộ dân tại chung cư Centana Thủ Thiêm có treo treo băng rôn yêu cầu ban quản trị dừng hợp đồng với đơn vị quản lý Bee Home.

Theo chị T., nội dung trên băng rôn của gia đình chị là "Yêu cầu ban quản trị thay đổi ban quản lý chung cư Bee Home", không hề có câu chữ nào gây kích động. Chị cũng bị mời xuống làm việc và dọa cắt nước.

Tháo băng rôn có phải nộp lại?

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Bee Home - đơn vị quản lý chung cư Centana Thủ Thiêm - cho biết hành vi treo băng rôn của một số cư dân "là hành vi sách động, gây rối mất trật tự, trị an trong chung cư". Vì thế, ban quản lý quyết định thu hồi băng rôn làm tang vật để làm việc với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Minh Hùng cho hay đây là hành động không đúng với quy định của pháp luật.

Việc tháo gỡ băng rôn phải phụ thuộc vào quyết định xử phạt hành chính hoặc do cơ quan hành chính nhà nước ra văn bản quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ. Ban quản trị chung cư không phải là một cơ quan hành chính nhà nước nên không có quyền hạn trên.

Trong khi đó, theo luật sư Phát, băng rôn là tài sản cá nhân của cư dân, không ai có quyền bắt buộc cư dân phải nộp lại tài sản khi nó không là tang vật của một sự việc vi phạm hành chính hoặc hình sự.

Băng rôn - cảnh không mới ở chung cư

Sự việc ở Centana Thủ Thiêm là một trong số rất nhiều lần cư dân tại TP.HCM căng băng rôn bày tỏ bất bình về dịch vụ, chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị chung cư.

Cuối tháng 12/2021, cư dân chung cư Thủ Thiêm Dragon (TP Thủ Đức) đã căng băng rôn biểu tình về việc ban quản lý “thu phí một đằng, cung cấp dịch vụ một nẻo”, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đối thoại trực tiếp với cư dân.

Cư dân chung cư Thủ Thiêm Dragon (TP Thủ Đức) căng băng rôn hôm 25/12. Ảnh: L.T.T.M.

Tháng 7/2021, người dân chung cư New City (TP Thủ Đức) cũng căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư đối thoại với cư dân, công khai minh bạch việc sử dụng phí quản lý, phí bảo trì chung cư.

Cư dân chung cư New City (TP Thủ Đức) căng băng rôn đòi quyền lợi. Ảnh: K.V.

Theo luật sư Hùng, khi xảy ra mâu thuẫn, người dân cần bình tĩnh họp bàn để tìm ra phương án tốt nhất. Việc căng băng rôn chỉ giúp giải tỏa bức xúc chứ không mang nhiều hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp.

"Tranh chấp, đòi quyền lợi nhưng phải đúng nơi, đúng quy định của pháp luật. Do đó, người dân cần phải có văn bản gửi lên chính quyền và chứng minh được lỗi sai của bên còn lại", luật sư Hùng nói thêm.

Chị T. cho biết việc gia đình chị giăng băng rôn không hề bột phát hay thiếu hợp tác. Trước đó, gia đình chị đã rất nhiều lần phản ánh với ban quản lý về dịch vụ chung cư nhưng không được giải quyết.

Dù vậy, đến sáng 5/4, không còn băng rôn nhà chị T. hay bất kỳ gia đình nào xuất hiện bên ngoài chung cư Centana Thủ Thiêm.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Ngọc An - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-canh-bang-ron-hay-la-nuoc-cua-nhieu-cu-dan-thu-thiem-centana-post1307401.html