Tình cảm đặc biệt của Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Bộ đội Công binh

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tá Phạm Văn Việt, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 77, Đoàn 559 chia sẻ câu chuyện về những lần tiếp xúc, trò chuyện với vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

Đại tá Phạm Văn Việt, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 77 – Đoàn 559, người nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Đại tá Phạm Văn Việt, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 77 – Đoàn 559, người nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Đại tá Phạm Văn Việt nhớ lại năm 1964, ông nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn Công binh 229, đến tháng 10/1966, ông có mặt tại Trung đoàn Công binh số 10, Đoàn 559, với cương vị Trung đội phó.

"Năm 1969, Trung đoàn 10 giải thể, tôi về làm Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 77 trực thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, với nhiệm vụ chính là xây dựng Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh. Vì vậy, tôi mới may mắn được gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Mỗi lần gặp chỉ khoảng dăm mười phút thôi nhưng đều để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên", ông Việt nhớ lại.

Bát canh của Tư lệnh với mấy sợi bí xanh

Lần thứ nhất, vào cuối năm 1969, ông Phạm Văn Việt cùng một trung đội đến sửa sang một khu địa đạo. Giữa lúc đơn vị đang ăn trưa thì thấy bóng dáng của một người cao to, tóc hoa râm từ trong địa đạo bước ra.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đến bắt tay, chia thuốc lá cho từng chiến sĩ và nói chuyện thân mật với mọi người. Bằng giọng Quảng Bình nhỏ nhẹ, chậm rãi, Trung tướng nói với mọi người: "Làm anh lính công binh, công việc thầm lặng nhưng quan trọng lắm, chiến công to lớn lắm. Bác Hồ nói bộ binh là lưỡi mác, công binh là cán mác". Ông nói tiếp: "Công binh có truyền thống rất vẻ vang là mở đường thắng lợi. Danh hiệu này đã ghi trên lá cờ Bác Hồ tặng cho Binh chủng từ hồi kháng chiến chống Pháp. Trên tuyến lửa Trường Sơn này, vị trí của bộ đội công binh càng quan trọng.

"Các cậu làm tại đây nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh là ra ngay mặt đường bảo đảm giao thông. Ở đó mới thật sự là thử lửa. Thanh niên nói chung, chiến sĩ quân đội nói riêng, phải qua thử lửa mới rắn giỏi và trưởng thành lên được", ông Việt nhắc lại lời vị tướng...

Ông Việt kể tiếp: "Nói đến đây hình như chợt nhớ ra điều gì, tự nhiên vị tướng quay lưng đi thẳng vào trong địa đạo. Khoảng mấy phút sau đã thấy ông quay ra, hai tay bưng một bát tô. Tôi đang đứng gần cửa địa đạo nên thoạt nhìn đã nhận ra ngay đó là bát canh bí xanh".

Vị tướng cười rất hiền và nói: "Tặng các cậu bát canh ăn cho vui nhé! Gian khổ, hy sinh cố gắng chịu đựng và vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Mai kia nước nhà hòa bình, thống nhất chúng ta sẽ có tất cả những gì mà hiện nay chúng ta đang ao ước", Đại tá Phạm Văn Việt xúc động nhớ lại.

"Cả trung đội nhìn nhau vì quá bất ngờ. Tôi giơ tay đón bát canh từ tay ông mà thấy lòng hạnh phúc trào nước mắt! Bát canh của Tư lệnh chỉ mấy sợi bí xanh...", ông Việt bồi hồi nhớ lại.

Mãi gần một tuần sau, khi anh Nguyễn Hoàng Hiếu, Chính trị viên Tiểu đoàn xuống thăm đơn vị, tôi kể với anh câu chuyện trên đây thì anh bảo: "Vậy là các cậu được Tư lệnh chiêu đãi rồi còn gì". Bấy giờ tôi mới biết đó chính là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên.

Từ đó, mỗi lần có dịp đi qua vị trí đóng quân của đại đội tôi, kể cả khi chúng tôi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông cách xa Bộ Tư lệnh hàng mấy chục cây số, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đều có quà cho cán bộ, chiến sĩ. Có khi ông vào tận lán, có khi xe ông đỗ ngoài đường, giao cho đồng chí nào đó mang vào. Lúc thì mấy gói thuốc lá, lúc lại mấy gói thuốc lào. Mỗi lần như vậy, dù ít dù nhiều chúng tôi cũng chia đều cho các trung đội và công bố rõ: "Quà của Tư lệnh đấy".

Cơm ăn với muối cũng không đủ, lấy sức đâu mở đường

Đại tá Phạm Văn Việt tiếp tục câu chuyện, lần thứ hai vào giữa năm 1970, lúc này tôi đã là Chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ. Đơn vị nhận nhiệm vụ làm một đoạn đường cho xe con đi dài chừng 2 km. Lán của Đại đội cách trung tâm Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh khoảng 1 km. Lúc này, trời mưa rả rích đã gần một tuần rồi mà chưa ngớt. Đang ngồi tranh thủ chuẩn bị nghị quyết Chi bộ thì một chiến sĩ lên báo, Đại đội có khách, không biết khách nào nhưng khá đông, đang chờ dưới bếp.

Tôi vội chạy đến nơi thì thấy đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đang nói chuyện với chiến sĩ nuôi quân Thoòng A Sáng, dân tộc Sán Dìu (quê Quảng Ninh). Trong câu chuyện Tư lệnh có hỏi: "Này đồng chí! Bộ đội ăn có no không?". Thoòng A Sáng báo cáo rằng chỉ có cơm ăn với muối, ngoài ra không còn gì nữa!

Nghe anh nuôi nói vậy, vị Tư lệnh lặng lẽ đi lên nhà đại đội. Tư lệnh "truy vấn" Đại tá, Cục trưởng Cục Hậu cần: "Các anh làm ăn thế nào mà để Đại đội 3 ăn cơm muối cũng không đủ?. Anh em vất vả ngày đêm, dầm mưa dãi nắng làm đường cho ta đi, làm nhà cho ta ở, làm hầm cho ta trú bom đạn. Đơn vị ở ngay sát nách Bộ Tư lệnh mà để cuộc sống anh em thế này sao?".

Cục trưởng Cục Hậu cần chưa kịp báo cáo thì Tư lệnh chỉ đạo: "Từ nay với Đại đội 3, dù khó khăn nhưng các anh không được để thiếu hay chậm tiêu chuẩn hậu cần. Không được để anh em đi vác gạo xa quá một cây số. Nếu cần thì lấy xe của tôi chở lương thực, thực phẩm cho anh em".

"Những chuyện tôi vừa kể diễn ra cách nay đã hơn nửa thế kỷ rồi nhưng giờ nhớ lại càng thấy nét bình dị, tình cảm trong sáng của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với bộ đội. Đó không chỉ là những kỷ niệm mà còn là những bài học quý báu giúp chúng tôi rèn luyện, phấn đấu vượt qua mọi hy sinh gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó", Đại tá Phạm Văn Việt bày tỏ.

"Chiến tranh đã lùi xa, song mỗi khi nhắc tới chiến công đánh Mỹ và thắng Mỹ của Việt Nam đều không thể không nhắc đến đường Trường Sơn huyền thoại và vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên", Đại tá Phạm Văn Việt chia sẻ.

Nhật Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tinh-cam-dac-biet-cua-tuong-dong-sy-nguyen-voi-bo-doi-cong-binh-102230224154825464.htm