Tình cảm đặc biệt của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cũng dành nhiều tình cảm, sự quan tâm quý báu cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Những kỷ niệm về Thượng tướng Lê Khả Phiêu vẫn còn in đậm trong tâm trí của tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 14 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP, trong lần ông tới thăm đơn vị và nó sẽ mãi là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP hôm nay, để từ đó, tiếp tục nỗ lực, cố gắng vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế tháng 11-1999. Ảnh: Tư liệu

Người chỉ huy đức độ, ân cần, sâu sát

Trong căn hộ số 412 ở chung cư CT3, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Đại tá Đỗ Quang Viết, nguyên Chính ủy Trung đoàn 14 CANDVT, năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, xúc động nhắc lại tình cảm đặc biệt mà Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam dành cho những người lính Trung đoàn 14 CANDVT.

Đại tá Đỗ Quang Viết nhớ lại: “Năm 1981, Trung đoàn 14 CANDVT nhận được lệnh hành quân cắt đường số 5, ở Pua Xát ngăn không cho tàn quân Pol Pot chi viện từ bên kia biên giới vào Campuchia. Đồng thời, truy quét, tiễu trừ tàn quân Pol Pot, xây dựng các căn cứ, phòng tuyến biên phòng vững chắc giúp bạn ở vùng biên giới Pua Xát, Campuchia. Vùng biên giới Pua Xát được mệnh danh là khu rừng thiêng, nước độc, hầu như cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 14 ai nấy đều bị sốt rét triền miên, đến nỗi những người lính bị rụng hết tóc, da dẻ bủng beo, nhợt nhạt đi...”.

Đại tá Đỗ Quang Viết nhớ lại kỷ niệm mà ông vinh dự được gặp Thủ trưởng Lê Khả Phiêu trong lần ông sang Campuchia thăm đơn vị.

Ông kể: “Vào khoảng cuối tháng 6-1981, chúng tôi được chỉ huy thông báo sẽ có 2 thủ trưởng cấp cao tới thăm đơn vị, anh em cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị đón tiếp”.

Đến bây giờ, Đại tá Viết còn nhớ như in: “Thủ trưởng Lê Khả Phiêu khi xuống máy bay về tới đơn vị, đi bắt tay từng người, đến cậu chiến sĩ đứng thứ 3 thì thấy người cậu ấy vã mồ hôi.

Thủ trưởng bảo: “Sốt rét phải không?” Thôi, các đồng chí chúng ta vào hết trong đi, bỏ qua hết thủ tục, bảo quân y cấp thuốc cho chiến sĩ cùng những anh em bị sốt rét”. Thế là, ai ai cũng bất ngờ về “màn chào hỏi đầu tiên” của Thủ trưởng Lê Khả Phiêu.

Sau khi nói chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 14 tại căn cứ xong, Thủ trưởng Lê Khả Phiêu nói: “Trung đoàn 14 CANDVT là đơn vị được vinh dự sang chiến đấu giúp bạn tại chiến trường Campuchia. Tôi biết các đồng chí rất vất vả, thiếu thốn, nhưng chúng ta chiến đấu không những để chống lại bè lũ diệt chủng Pol Pot, mà còn làm nhiệm vụ quốc tế cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, giúp bạn cũng là giúp mình”. Nói xong, Thủ trưởng Lê Khả Phiêu hỏi: “Có đồng chí nào đề xuất gì không?”. Mọi người ai cũng im lặng.

Sau đó, tôi cùng Thủ trưởng đi một vòng đơn vị, ông bảo: “Tớ biết các cậu giấu tớ, không dám đề xuất gì nên tớ sẽ đi một vòng”. Đi được gần một nửa thì tới Đại đội Vệ binh. Ông gọi 5 cậu chiến sĩ tới nói chuyện rồi bất ngờ hỏi: “Sao lại mặc áo mà đằng sau rách hết thế kia?”. Cậu chiến sĩ thật thà, gãi đầu, gãi tai trả lời: “Báo cáo thủ trưởng, chúng em 3 năm ở bên này chưa được cấp quân trang, áo rách hết phía sau vì gùi gạo, gùi muối, quần đùi vải mủn hết nên cũng rách tả tơi. Biết thủ trưởng đến thăm đơn vị, chúng em mặc phần lành ra phía trước”.

Thủ trưởng Lê Khả Phiêu mắt rơm rớm, rồi ôm cậu chiến sĩ nói: “Cố gắng các đồng chí ạ”. Nói xong, ông lệnh cho cán bộ Ban hậu cần mặt trận khẩn trương cấp ngay quân, tư trang mới cho Trung đoàn 14.

Những kỷ niệm về Thủ trưởng Lê Khả Phiêu trong dịp tới thăm Trung đoàn 14 CANDVT năm nào, không chỉ riêng Đại tá Đỗ Quang Viết mà tất cả những người lính Trung đoàn 14 vẫn còn in sâu trong tâm trí về một người chỉ huy, một vị tướng đức độ, giản dị và rất đỗi tình cảm, coi lính như người ruột thịt của mình.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho lực lượng BĐBP

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tư, khóa VIII (tháng 12-1997), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Lúc này, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt cho BĐBP. Còn nhớ, đợt lũ lụt xảy ra tại miền Trung tháng 11-1999, cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, gây ra thiệt hại lớn về người và của. Tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là Thừa Thiên Huế. Ngay sau đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo địa phương và các lực lượng khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời, Tổng Bí thư đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế.

Nhân dịp năm mới, ngày 2-1-2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP qua Báo Biên phòng với nội dung:

Ảnh chụp trang 3, Báo Biên phòng số đặc biệt Xuân Canh Thìn 2000.

“Thân gửi: Báo Biên phòng

Nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng đối với Tổ quốc rất nặng nề.

Trong nhiều công việc đã làm được từ năm 1999, Bộ đội Biên phòng đã cùng với địa phương tích cực thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các khu dân cư ở vùng biên giới, giúp dân phòng bệnh, chữa bệnh, học chữ, nâng cao kiến thức, cùng nhau đoàn kết để bảo vệ biên cương.

Bộ đội Biên phòng đã tận tụy quên mình, chống lũ cứu dân ở các tỉnh miền Trung, được nhân dân yêu mến và tin cậy.
Qua Báo Biên phòng, sang năm mới, chúc Bộ đội Biên phòng ngày càng trưởng thành, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, với địa bàn hoạt động, kỷ luật nghiêm, cảnh giác cao, sức khỏe tốt.

Mong các cơ quan đi sâu xuống cơ sở, đến các đồn lẻ, nơi khó khăn, tạo điều kiện cho anh em tổ chức mừng xuân mới được vui vẻ và đầm ấm”*.

Đây là một vinh dự rất lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung, cá nhân Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói riêng dành cho lực lượng BĐBP.

Sau đó, toàn lực lượng BĐBP đã tổ chức quán triệt, học tập những điều đồng chí Tổng Bí thư căn dặn và đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng mừng Đảng, mừng Xuân, phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng đất nước bước vào thế kỷ mới.

Những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành cho BĐBP luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP “khắc cốt, ghi tâm”, coi đó là niềm vinh dự, tự hào, là hành trang mang theo bên mình để mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng cố gắng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

(*) Lịch sử Công tác Đảng, công tác chính trị trong BĐBP (1959 – 2009), trang 718, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, xuất bản năm 2003.

Trần Đức - Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-cam-dac-biet-cua-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-danh-cho-can-bo-chien-si-bdbp-post432030.html