Tình biên cương từ cột mốc ngã ba biên

Chiều buông trên đỉnh Chư Mom Ray hùng vĩ, chiều tàn trên sóng xanh dòng Đăk Bra chảy giữa cao nguyên Kon Tum bát ngát rừng xanh và những trái cà phê chín đỏ. Ánh sáng của vùng đất ngã ba biên giới này dường như khiến đất và người nơi đây có sức níu giữ đến lạ lùng, khiến khách phương xa không thể nào nguôi hoan luyến. Hàng trăm năm qua, vùng đất này đã ôm ấp, che chở cho những đứa con Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng... qua bao thăng trầm, tao loạn.

Lực lượng bảo vệ biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia chào cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: Nguyễn Anh Sơn

Tên gọi “Kon Tum” được khởi nguồn từ tên gọi của một ngôi làng người dân tộc Ba Na, có nghĩa là Làng Hồ. Cách nay chừng 3 thế kỷ, các ngôi làng ở vùng Tây Nguyên thường có giao chiến để cướp phá và bắt nô lệ của làng khác. Và ở ngôi làng Kon Trang nọ, có những con người hiền hòa không muốn đánh nhau nên bị người làng đe dọa, nhạo báng. Họ lập kế để bị lũ làng đuổi đi, âm thầm đưa gia đình đến làm nhà ở riêng khu vực có nhiều hồ nước cạnh sông Đăk Bla. Do thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, khí hậu tốt, nên cây trái ngọt lành, lương thực dư giả. Từ đó, có nhiều người di cư về ở cùng và lập nên một làng mới. Trong giai đoạn khởi nghĩa Tây Sơn, vùng đất này đã cung cấp khá nhiều vũ khí, voi, lương thực do có quan hệ rất hữu hảo với ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tới giữa thế kỷ 19, triều đình Huế lập Bok Seam - một người Ba Na làm quan cai trị các bộ tộc Tây Nguyên và mở mang việc giao thương giữa người Kinh và các dân tộc bản địa.

Tới năm 1867, thực dân Pháp bắt đầu tấn công xâm lược Kon Tum - Tây Nguyên và năm 1893, chúng đã đặt tại Kon Tum một tòa đại lý hành chính. Suốt gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, tháng 8/1945, Kon Tum cùng cả nước nổi dậy giành chính quyền. Tháng 6/1946, thực dân Pháp tấn công và chiếm lại Kon Tum, thiết lập trở lại bộ máy cai trị, các tổ chức cách mạng bị phân tán, thất lạc, tỉnh Kon Tum được đặt dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Phân ban vận động quốc dân thiểu số Nam Trung Bộ. Tháng 2/1952, Mặt trận miền Tây thắng lợi, Kon Tum được hoàn toàn giải phóng, nhưng theo tinh thần Hiệp định Geneve, Mỹ - ngụy lại tiếp quản Kon Tum.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, nhân dân các dân tộc của tỉnh Kon Tum đã cử những trai tráng khỏe mạnh nhất của làng tham gia cách mạng, lên rừng hoạt động và chiến đấu dũng mãnh, kiên cường. Bám biên cương, thanh niên các bản làng nơi đây không phân biệt dân tộc, thành phần đều trở thành những chiến sĩ giao liên cắt rừng đưa quân giải phóng đến nơi an toàn, trở thành những dân công hỏa tuyến có sức gùi nặng, bước đi vững trên những nẻo đường cheo leo, tiếp vũ khí, đạn dược cho bộ đội. Mãi đến năm 1972, ta mới giải phóng được Đăk Tô-Tân Cảnh và ngày 16/3/1975, tỉnh Kon Tum mới thực sự được hoàn toàn giải phóng. Ngay sau đó, hệ thống đồn, trạm Biên phòng trên tuyến biên giới dài trên 280km giáp với hai nước Lào và Campuchia đã được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang triển khai.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết, đường biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp giáp với tỉnh Attapeu và Sê Kông, nước CHDCND Lào dài 154,222km đã được phân giới, cắm mốc từ năm 1979 tổng số 16 cột mốc và tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia dài 138,691km. Địa bàn Biên phòng quản lý gồm 13 xã biên giới thuộc 4 huyện, dân cư sinh sống thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum và Bộ Tư lệnh BĐBP, BĐBP Kon Tum đã tích cực triển khai các nhiệm vụ đàm phán phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và tôn tạo, tăng dày cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, từ năm 2008 đến năm 2015, địa phương đã hoàn thành việc xây dựng 65 vị trí mốc tương ứng với 81 cột mốc và hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý nộp về Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao quản lý. Số cột mốc này đã được bàn giao cột mốc ngoài thực địa cùng hồ sơ mốc về các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn để quản lý, bảo vệ. Các lực lượng tham gia cắm mốc đã thực hiện rà phá bom mìn, khảo sát xác định vị trí mốc, bảo đảm thông tin cơ yếu, bảo vệ dẫn đường, kiểm tra thực địa, tuần tra song phương... an toàn, hiệu quả; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quan hệ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ biên giới, các Đội cắm mốc của Lào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nếu công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào khá thuận lợi, thì đối với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia không hề đơn giản. Nguyên nhân sau khi ký Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, hai bên đã tiến hành phân giới được hơn 200/1.137km đường biên và cắm được 72/322 mốc giới dự kiến. Tuy nhiên, sau 3 năm tiến hành, công tác phân giới cắm mốc phải tạm dừng do tình hình Campuchia không ổn định và phía Campuchia cho rằng việc chuyển vẽ bản đồ có sai sót, bất lợi cho Campuchia.

Mãi đến năm 2005, công tác này mới được nối lại sau khi chính phủ hai nước đi đến thỏa thuận và ký kết “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” tại Hà Nội. Sau gần 15 năm tiến hành phân giới cắm mốc, năm 2020, tỉnh Kon Tum đã hoàn tất việc xác định 24 vị trí cắm mốc và hoàn tất việc xây dựng 30 cột mốc chính, đảm bảo chất lượng công trình và nhân dân hai bên biên giới đồng tình, ủng hộ.

Với địa chính trị đặc thù như vậy, nên Kon Tum cùng Điện Biên là hai tỉnh được đặt cột mốc ngã ba biên giới - hay còn gọi là ngã ba Đông Dương, nơi “một con gà gáy ba nước cùng nghe”, do ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m có tên gọi là đồi Tròn, là vị trí giao điểm của ba đường biên giới giữa ba nước. Phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapeu, phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y 10km, cách thành phố Kon Tum 90km. Cột mốc được cắm vào năm 2007, dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Mốc được làm bằng đá hoa cương, có hình trụ tam giác, nặng 1 tấn, cao 2m, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ viết của nước đó bằng sơn màu đỏ.

Ngày 18/1/2008, cột mốc đặc biệt này được khánh thành. Tại sự kiện trang trọng đó, ông Var Kim Hông, Bộ trưởng cao cấp của Chính phủ Campuchia phụ trách biên giới đã khẳng định: “Cột mốc tại ngã ba biên giới là sự kiện trọng đại, kết quả hợp tác giữa ba nước. Đây là cơ hội đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh biên giới giữa ba nước”. Còn ông Phông Sạ Vắt Búp Phả, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới quốc gia Lào thì cho rằng: “Cột mốc là di sản cho con cháu đời sau của ba nước, là động lực hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực giữa ba nước”. Còn về phía Việt Nam, khi đó, ông Đào Việt Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh: “Việc khánh thành cột mốc khẳng định sự tin cậy lẫn nhau giữa ba nước. Nơi đặt mốc ngã ba biên giới có cảnh quan đẹp, nhìn về lâu dài sẽ là nơi thu hút khách du lịch, phát triển mạnh hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ”.

Trên biên giới Kon Tum, chúng tôi đã gặp hàng trăm già làng cựu chiến binh – những “cột mốc sống vùng biên” thuộc các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Rơ Măm, Brâu... Họ đã dành tuổi trẻ cho cách mạng, giờ đây là “rường cột” trong việc xây dựng thôn làng no ấm, tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trên sân nắng cuối chiều, chúng tôi nhìn những người đàn ông đang ngồi chỉnh chiêng chuẩn bị cho ngày lễ sắp đến. Còn phía đầu sàn nhà rông “con”, những phụ nữ chơi đàn Klông pút khuất sau rặng dã quỳ vàng rực đẹp đến nao lòng.

Tạm biệt những người lính Biên phòng cùng nhân dân nơi ngã ba biên giới khi mùa khô đang về, tôi đứng giữa ngã ba biên giới Bờ Y. Và dường như quanh tôi, ngọn đồi Tròn đang đón gió ba miền và đường rừng thoảng hương phong lan dìu dặt. Vùng đất năm xưa là túi bom của Mỹ - ngụy, là bàn tay đoàn kết chiến đấu của quân dân ba tỉnh Kon Tum, Attapeu, Rattanakiri và ba dân tộc Việt - Campuchia - Lào giờ đây tràn nắng mai và gió sớm. Tôi tự hỏi, cây xà nu góc đồi có phải cắm rễ ba quốc tịch mà lên xanh rời rợi? Còn dưới chân tôi, đâu là cỏ Bờ Y, cỏ Phu Cưa hay Taveang Lew đang gối đầu lên nhau nằm giữ đất? Chứng kiến cuộc hội ngộ của ba đội tuần tra của những người lính Biên phòng ba nước, tôi bỗng thấy thật tự hào khi các anh chia ba hướng đường tuần tra sau cái bắt tay thật chặt. Từ cột mốc đá hoa cương ba mặt nhìn về ba hướng, là những thôn ấp bình dị đang bắt đầu ngày mới xôn xao.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-bien-cuong-tu-cot-moc-nga-ba-bien-post470725.html