Tin Thị trường: Giá dầu ESPO của Nga tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng qua

Giá dầu ESPO của Nga tăng do nhu cầu từ Trung Quốc; Thị trường xuất khẩu nhiên liệu của châu Âu chịu tác động mạnh...

Giá dầu ESPO của Nga tăng do nhu cầu từ Trung Quốc

Nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc đã khiến giá loại dầu thô ESPO của Nga tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng qua, khi chênh lệch giữa ESPO với dầu Brent đang ở mức hẹp nhất kể từ khi lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022, các nguồn tin thương mại nói với Reuters.

Theo đó, dầu thô ESPO đến Trung Quốc vào tháng 9 đang được giao dịch ở mức thấp hơn chỉ từ 2 - 2,5 USD/thùng so với dầu Brent trên cơ sở giao hàng tại tàu (DES). Mức chênh lệch này so với khoảng 4 USD/thùng cho tháng 8.

Một nguồn tin tiết lộ: "Giá tháng 8 vốn đã rất đắt, nhưng chúng tôi đã bị sốc khi thấy chào giá cho tháng 9 bắt đầu thu hẹp khoảng cách chỉ còn 2 USD".

Nhu cầu cao hơn đối với dầu thô giá rẻ của Nga từ các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc, sự cạnh tranh từ các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, kể cả từ Nga, tất cả cùng góp phần nâng giá dầu thô ESPO.

Hồi đầu tháng này, giá ESPO của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng khi các khách hàng Trung Quốc đổ xô mua loại dầu này trước khi Nga thực hiện cam kết cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày vào tháng 8.

ESPO được giao dịch ổn định trên mức trần G7 là 60 USD/thùng vì đây là loại dầu được ưa thích của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc. Hỗn hợp ESPO nhẹ hơn và ngọt hơn so với dầu Urals của Nga, loại thường được giao dịch với mức thấp hơn đáng kể so với dầu thô Brent.

Thị trường xuất khẩu nhiên liệu của châu Âu chịu tác động mạnh

Các nhà máy lọc dầu châu Âu sẽ mất một phần thị trường xuất khẩu xăng chủ chốt sau khi tiêu thụ của Nigeria sụt giảm do quốc gia châu Phi này dỡ bỏ trợ cấp nhiên liệu.

Hồi cuối tháng 5, Nigeria đã thực hiện một cuộc cải cách lớn đối với thị trường bán lẻ nhiên liệu trong nước sau khi tân Tổng thống Nigeria Bola Tinubu dỡ bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu mà chính phủ đã chi trả trong nhiều năm. Khoản trợ giá này là một chi phí khổng lồ đối với chính phủ liên bang. Năm ngoái, chính phủ đã chi trả tới 10 tỷ USD cho khoản chênh lệch giữa nhiên liệu nhập khẩu theo giá thị trường và được bán giảm giá cho người dân Nigeria.

Việc dỡ bỏ trợ cấp nhiên liệu đã khiến mức tiêu thụ xăng trung bình hàng ngày ở Nigeria giảm 28% trong tháng 6, theo số liệu của Cơ quan Quản lý dầu mỏ trung và hạ nguồn Nigeria (NMDPRA) được công bố vào đầu tháng này.

Việc chấm dứt trợ giá của chính phủ cũng làm suy giảm thị trường xăng chợ đen ở các quốc gia láng giềng với Nigeria như Cameroon, Benin và Togo. Những thị trường này phát triển mạnh khi nhiên liệu giá rẻ được buôn lậu từ Nigeria sang các nước láng giềng.

Trên thực tế, việc chấm dứt các khoản trợ giá hiện báo hiệu nhu cầu nhập lậu nhiên liệu thấp hơn ở các nước láng giềng của Nigeria, điều này tiếp tục làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu vào Nigeria.

Với hơn 1/4 thị trường xăng Nigeria bị xóa sổ, các nhà máy lọc dầu châu Âu sẽ mất một phần thị trường xuất khẩu chính của họ. Tây Phi và Bắc Mỹ từ trước đến nay là điểm đến chính trong xuất khẩu xăng của châu Âu.

Giới phân tích nói với Reuters rằng, sự sụt giảm trong mức tiêu thụ nhiên liệu nội địa của Nigeria sẽ làm giảm lợi nhuận lọc dầu của các nhà máy lọc dầu châu Âu.

TC Energay tách riêng hoạt động kinh doanh đường ống

TC Energy sẽ tách hoạt động của mình thành hai công ty riêng biệt. Hoạt động kinh doanh đường ống dẫn chất lỏng sẽ được tách khỏi phần còn lại.

Trong một thông cáo báo chí, công ty Canada cho biết: "Việc tách biệt này sẽ mở ra giá trị cho cổ đông bằng cách cung cấp cho cả hai công ty sự linh hoạt để theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng của riêng họ thông qua phân bổ vốn có kỷ luật, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hoạt động".

Trên thực tế, chỉ có hoạt động kinh doanh ngoài đường ống mới giữ lại tên của công ty, cho thấy TC Energy đang cố gắng tách mình ra khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận chuyển hydrocarbon dọc theo các đường ống.

Sau khi tiến hành chia tách, TC Energy mới sẽ được biết đến là công ty giải pháp năng lượng và khí đốt tự nhiên đa dạng, dẫn đầu ngành, có vị trí độc nhất để đáp ứng nhu cầu đang phát triển của ngành và người tiêu dùng về năng lượng carbon thấp, đáng tin cậy, bằng cách tận dụng các bộ kinh doanh bổ sung.

Công ty cũng cho biết việc chia tách này diễn ra sau quá trình đánh giá chiến lược kéo dài 2 năm, cũng như cho biết thêm rằng nó sẽ được hoàn thành vào năm tới.

Hồi đầu tuần trước, TC Energy cho biết sẽ bán 40% đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Mỹ với giá 3,9 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ chứng kiến các hệ thống đường ống Columbia Gas và Columbia Gulf thuộc sở hữu của quan hệ đối tác giữa TC Energy và Global Infrastructure Partners nhưng TC Energy sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành.

TC Energy cho biết thương vụ này là một phần trong nỗ lực giảm nợ của họ.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-espo-cua-nga-tang-len-muc-cao-nhat-trong-8-thang-qua-690711.html