Tin thị trường: cung chưa tăng, giá khí cao bất thường

Ủy ban Kinh tế OPEC dự báo sản lượng khai thác dầu thô Mỹ trong năm 2021-2022 vẫn bị hạn chế, bất chấp giá dầu thế giới tăng cao và cho phép OPEC+ điều tiết thị trường dầu thô thế giới.

Theo các chuyên gia, sản lượng khai thác Mỹ năm 2022 chỉ tăng trong phạm vi 0,5-1,3 triệu bpd, riêng trong năm 2021 giảm khoảng 120.000 bpd xuống trung bình 11,2 triệu bpd, trong đó, dầu đá phiến giảm 140.000 bpd xuống 7,15 triệu bpd.

Số liệu thống kê chính thức tháng 4 cho thấy, Mỹ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu thế giới về khai thác dầu thô với sản lượng 10,95 triệu bpd (giảm 2% so với tháng 3), LB Nga đứng vị trí thứ 2 với sản lượng 9,758 triệu bpd (+2,3%), vị trí thứ 3 là KSA với sản lượng 8,144 triệu bpd (0%). Theo JODI, xuất khẩu dầu thô KSA trong tháng 4 đã giảm 0,4% xuống 5,408 triệu bpd, xuất khẩu Mỹ tăng 2,6% lên 2,925 triệu bpd, xuất khẩu LB Nga không được công bố (tháng 3 – 3,963 triệu bpd). Cùng kỳ, khối lượng tinh chế dầu thô tại Mỹ tăng 4,4% lên 15,02 triệu bpd, LB Nga giảm 0,2% xuống 5,799 triệu bpd, KSA giảm 5,6% xuống 2,295 triệu bpd.

Fed tại cuộc họp ngày 16/06 điều chỉnh tăng triển vọng kinh tế Mỹ, tăng LSCB vào năm 2023, ít nhất một bậc (11/18 thành viên ủng hộ lên 0,6%). Đây có thể là tín hiệu Fed sẽ sớm bắt đầu thu hồi chính sách nới lỏng thanh khoản thị trường (QE), mặc dù trong tuyên bố vừa qua vẫn cam kết duy trì chương trình mua lại trái phiếu 120 tỷ USD/tháng hỗ trợ kinh tế phục hồi hoàn toàn. Ngay lập tức, thị trường hàng hóa, chứng khoán phản ứng với quyết định của FED: vàng giảm 5%, palladium giảm 10%, Brent giảm 3% xuống quanh 72,5 USD/thùng.

Ông Ebrahim Raisi – người thuộc phe bảo thủ và đang nằm trong danh sách trừng phạt cá nhân của Mỹ trở thành tân Tổng thống Iran, cùng cố vấn năng lượng Alireza Zeigami – người có chiến lược thiên về phát triển công suất tinh chế nội địa thay vì xuất khẩu dầu thô. Như vậy, trong mọi trường hợp, nguồn cung dầu thô Iran chưa thể tăng ngay, bên cạnh đó, nếu xảy ra bất ổn sau bầu cử có thể hỗ trợ giá dầu thế giới sớm đạt mốc 80 USD/thùng.

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đang ở mức cao bất thường trong giai đoạn mùa hè do nhu cầu tiêu thụ cao đi kèm với tỷ lệ lấp đầy hệ thống kho chứa ngầm (UGS) thấp kỷ lục. Theo số liệu Gas Infrastructure Europe, khối lượng khí UGS đang thấp hơn năm ngoái 33 tỷ m3, trong tổng khối lượng hơn 66 tỷ m3 khí đã rút ra, đến này mới chỉ bù đắp được 13,6 tỷ m3, trong khi đó, Gazprom chưa có kế hoạch mua thêm công suất trung chuyển qua Ukraine. Giá khí đốt giao ngay (spot) tại sàn giao dịch TTF Netherland vượt 373 USD/1000m3 – cao hơn 100 USD/1000m3 so với thời điểm mùa đông, tại sàn NCG (Đức).

Khoảng 445 triệu tấn tín chỉ carbon đã được giao dịch tại 8 thị trường thí điểm trong 7 năm qua. Theo đánh giá của S&P Global Ratings, giá carbon trung bình cho các dự án thí điểm là khoảng 25 NDT (3,9 USD/tấn CO2). Tuy nhiên, Viện Năng lượng, môi trường và kinh tế, Đại học Thanh Hoa cho biết, giá carbon của Trung Quốc sẽ ở mức 50 NDT (7,8 USD/tấn) trong năm 2021 và sẽ tăng lên 300-350 USD/tấn vào năm 2060 nhằm đạt được mục tiêu không phát thải ròng carbon của nước này.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-cung-chua-tang-gia-khi-cao-bat-thuong-614884.html