Tin Thị trường: Châu Á giảm mạnh nhập khẩu LNG của Nga

Châu Á giảm nhập khẩu LNG của Nga xuống mức thấp nhất trong 2 năm; Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu ổn định bất chấp sóng nhiệt...

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu ổn định bất chấp sóng nhiệt

Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu giao dịch ổn định vào ngày 19/7 do tồn kho trên mức trung bình bù đắp cho nhu cầu làm mát cao hơn trong đợt nắng nóng kéo dài đã bao trùm miền Nam và trung tâm châu Âu.

Hợp đồng tương lai tháng trước tại trung tâm TTF, điểm chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu, được giao dịch ở mức 30,64 USD (27,32 euro) mỗi megawatt giờ (MWh) vào lúc 12h43 chiều 19/7 (giờ GMT), tăng nhẹ 0,9% trong ngày.

Hồi đầu tuần này, giá đã kéo dài mức giảm của tuần trước và giảm gần 3% sau thời gian bảo trì kéo dài trên tuyến đường cung cấp khí đốt chính của Na Uy. Tuần trước, giá khí đốt của châu Âu đã ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong năm nay, giảm 22%, do nguồn cung khí đốt của Na Uy tăng sau khi kết thúc bảo trì định kỳ tại nhà máy xử lý khí Nyhamna - thực tế công việc đã kéo dài hơn một tháng so với dự kiến ban đầu.

Do đó, xuất khẩu khí đốt của Na Uy đã tăng vào ngày 17/7 thêm 60 triệu m3/ngày, ở mức 318 triệu m3/ngày, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon được Reuters trích dẫn.

Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu sau khi Nga cắt đường ống cung cấp cho hầu hết các khách hàng EU.

Châu Á giảm nhập khẩu LNG của Nga xuống mức thấp kỷ lục

Những người mua LNG lớn ở Bắc Á đã cắt giảm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ các dự án xuất khẩu của Nga xuống mức thấp nhất trong 2 năm do các nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới tìm cách đa dạng hóa nguồn cung trong bối cảnh nguồn cung hiện tại dồi dào.

Hồi tháng 6 vừa qua, nhập khẩu LNG của châu Á từ Nga đã giảm 15% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, dữ liệu vận chuyển do Bloomberg tổng hợp cho thấy.

Trung Quốc, nước đã mua khối lượng dầu thô kỷ lục từ Nga, gần đây cũng cắt giảm mua LNG từ các nhà máy của Nga. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Nga đã giảm một nửa trong tháng 6 so với tháng 5, xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, theo dữ liệu vận chuyển do Bloomberg tổng hợp.

Các công ty Hàn Quốc hiện không mua LNG giao ngay của Nga, trong khi ít nhất hai công ty Nhật Bản muốn giảm nguồn cung LNG từ Nga, các nguồn thạo tin chia sẻ.

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên và LNG của Nga không phải chịu bất kỳ lệnh cấm vận hay hạn chế nào, nhưng người mua đang tìm cách đa dạng hóa và tránh các vấn đề tiềm ẩn trong tương lai về thanh toán và giao hàng, theo Bloomberg.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã gia hạn một số thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với Nga. Hầu hết những người mua LNG dài hạn từ dự án Sakhalin-2, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi Bắc Á đang giảm quy mô mua LNG từ Nga, thì nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga của Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 5 so với một năm trước đó và Nga chiếm 27,9% lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Ban Nha, chỉ đứng sau Algeria.

Xuất khẩu dầu thô của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng

Các chuyến hàng dầu thô của Nga tiếp tục có dấu hiệu cắt giảm khi xuất khẩu đường biển giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trong 4 tuần tính đến ngày 16/7, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg giám sát cho thấy.

Theo dữ liệu được báo cáo bởi Julian Lee của Bloomberg, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển đã giảm xuống 3,1 triệu thùng/ngày trên cơ sở trung bình 4 tuần tính đến ngày 16/7, giảm 105.000 thùng/ngày so với mức trung bình của 4 tuần tính đến ngày 9/7.

Trong tuần tính đến ngày 9/7, các chuyến hàng dầu thô của Nga bắt đầu cho thấy những dấu hiệu suy giảm khi lần đầu tiên giảm xuống dưới mức từ tháng 2, mức cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng dầu của Nga là 500.000 thùng/ngày mà Moscow cho biết đã bắt đầu vào tháng 3 .

Xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển giảm 205.000 thùng/ngày xuống 3,21 triệu thùng/ngày trên cơ sở trung bình 4 tuần tính đến ngày 9/7.

Trong 4 tuần tính đến ngày 16/7, các lô hàng tiếp tục giảm xuống còn 3,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn 270.000 thùng/ngày so với mức trung bình 4 tuần vào tháng 2.

So với mức cao gần đây trong 4 tuần tính đến ngày 14/5, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga thấp hơn 780.000 thùng/ngày trong giai đoạn 4 tuần tính đến ngày 16/7.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-chau-a-giam-manh-nhap-khau-lng-cua-nga-689918.html