Tin thế giới 7/3: Ukraine ráo riết hành động ở Bakhmut; Trung Quốc cảnh báo 'lằn ranh đỏ' với Mỹ; dấu hiệu đáng lo ở Triều Tiên?

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Đài Loan, tình hình bán đảo Triều Tiên, quan hệ Hàn-Nhật ấm dần, cải cách tư pháp Israel... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Trung Quốc cảnh báo, Đài Loan chính là lằn ranh đỏ đầu tiên mà Mỹ không nên cố vượt qua. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Ukraine ráo riết tăng quân ở Bakhmut: Ngày 7/3, theo trung tá đã nghỉ hưu Andrey Marochko thuộc Lực lượng dân quân vùng Luhansk ly khai miền Đông Ukraine, Kiev đang cố gắng ngăn chặn Nga tiến hành một cuộc bao vây hoàn toàn Bakhmut.

Theo đó, Kiev giảm hiện diện quân ở phía Tây thành phố và củng cố lực lượng tại các vị trí trong khu vực đường tiếp tế. Đồng thời, các lực lượng Ukraine đã tăng cường các hoạt động pháo kích và đang nã pháo vào quân đội Nga từ thị trấn Chasov Yar.

Một cố vấn của người đứng đầu vùng Donetsk ly khai miền Đông Ukraine cho biết, Kiev đang chuẩn bị lực lượng lính dự bị mới để gửi tới Bakhmut, bất chấp những thiệt hại to lớn đang phải chịu ở đây.

Trước đó, nhà sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga Yevgeny Prigozhin xác nhận, quân đội Ukraine đang hình thành 4 nhóm quân tại các điểm dân cư xung quanh Bakhmut để chặn Moscow bao vây.

Các động thái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh ngày 6/3, chính quyền ở Kiev xác nhận rằng, các chỉ huy quân đội nước này đồng thuận về sự cần thiết phải tiếp tục bảo vệ thành phố Bakhmut. (TASS)

* "Bàn tay vô hình" điều khiển xung đột ở Ukraine: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho rằng, có một "bàn tay vô hình" đang "lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ cho các mục đích địa chính trị nhất định".

Ông Tần Cương cũng kêu gọi các bên sớm đối thoại để giải quyết xung đột đã bước sang năm thứ 2 ở Ukraine.

Khi được đề nghị về bình luận này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, chính Mỹ đang điều khiển cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời hoan nghênh hoạt động ngoại giao gia tăng của Trung Quốc. (Reuters)

* Canada đàm phán cung cấp cho Ukraine hàng trăm thiết bị không người lái kỹ thuật cao, được phía Kiev đánh giá là “sản phẩm duy nhất trên thị trường đáp ứng được yêu cầu hoạt động", tờ National Post đưa tin.

Theo một bức thư National Post có được mà Phó thủ tướng Ukraine Yuklia Svyrydenko gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand và Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland của Canada, thiết bị không người lái đang trở nên quan trọng đối với các lực lượng mặt đất của Kiev.

Bà Svyrydenko cũng đề nghị phía Canada viện trợ 300 chiếc như một khoản cam kết trị giá khoảng 150 triệu CAD (hơn 2.600 tỷ VNĐ).

* Ủng hộ đàm phán trực tiếp Nga-Mỹ để giải quyết xung đột ở Ukraine, theo lời Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto.

Khẳng định hầu hết các nước đều ủng hộ việc sớm thiết lập hòa bình ở Ukraine, ông Szijjarto nhấn mạnh: “Thế giới cần đàm phán hòa bình, và vì điều này, chúng ta phải giữ cho các kênh liên lạc luôn mở”. (TASS)

* Tổng thống Ukraine cách chức một loạt lãnh đạo các cơ quan gồm Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Oleksandr Yakushev, các lãnh đạo SBU Boris Bezrukiy (ở Zaporozhye), Eduard Fedorov (ở Sumy), người đứng đầu Cục Bảo vệ Bí mật Nhà nước và Cấp phép SBU Igor Nosko và người đứng đầu bộ phận hỗ trợ kinh tế của SBU Oleksandr Povotorov.

Tổng thống Zelensky cũng đã bổ nhiệm nhân sự vào vị trí lãnh đạo SBU ở Sumy và người đứng đầu Cục Bảo vệ Bí mật Nhà nước và Cấp phép SBU. (Babel)

Châu Âu

* Nga chỉ trích chính sách của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề quốc tế: Đại sứ Nga tại EU Kirill Logvinov cho biết, chính sách của EU chống lại Moscow làm phức tạp hóa giải pháp ngoại giao đối với tất cả các vấn đề quốc tế, bao gồm cả hồ sơ hạt nhân Iran.

Ông Logvinov nói rõ: "Chính sách chống Nga chắc chắn để lại dấu ấn trong mọi cuộc thảo luận về toàn bộ các vấn đề quốc tế, bao gồm cả Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Nó chắc chắn sẽ làm phức tạp nghiêm trọng, nếu không nói là không thể đạt được, giải pháp ngoại giao thành công của họ". (Sputnik)

* Nga chặn xung đột leo thang ở Nagorno-Karabakh: Ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này đã ngăn chặn một cuộc đụng độ vào cuối tuần qua ở Nagorno-Karabakh.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn: “Quân nhân của lực lượng vũ trang Cộng hòa Azerbaijan đã bắn vào một chiếc ô tô chở các sỹ quan thực thi pháp luật của Armenia. Nhờ những nỗ lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, cuộc đụng độ đã dừng lại”.

Trong vụ việc, 3 người trên xe đã thiệt mạng và một người khác bị thương, trong khi bên phía Azerbaijan đã có 2 người tử vong và 1 người bị thương.

Tuy nhiên, phản ứng với tuyên bố của Nga, Azerbaijan nói rằng, chiếc xe bị bắn được "trang bị đầy đủ vũ khí và đạn dược" chứ không phải các sĩ quan thực thi pháp luật. (AFP, Anadolu)

* Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ từ ngày 4-5/4.

Cuộc họp do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chủ trì, song liên minh này chưa tiết lộ nội dung chương trình nghị sự của hội nghị này. (Sputnik)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc cảnh báo lằn ranh đỏ với Mỹ: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết, Đài Loan chính là lằn ranh đỏ đầu tiên của nước này mà Mỹ không được vượt qua.

Theo nhà ngoại giao, việc giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của người dân Trung Quốc và không quốc gia nào khác có quyền can thiệp.

Ông Tần Cương nhắc lại rằng, Trung Quốc giữ quyền lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đạt được "thống nhất" với Đài Loan.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng chỉ trích chính sách gần đây của Mỹ đối với nước này, nói rằng, nếu Washington không thay đổi con đường của mình thì không có rào chắn bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật bánh và "chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu".

Quan chức bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tìm ra con đường đúng đắn để hòa hợp với Trung Quốc vì lợi ích của cả hai nước và toàn thế giới. (Reuters)

* Trung Quốc khẳng định cần củng cố quan hệ với Nga trong bối cảnh thế giới đang trở nên hỗn loạn hơn.

Theo ông Tần Cương, quan hệ Trung Quốc-Nga không phải là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào, cũng không phải là yếu tố gây bất hòa hay công cụ can thiệp vào bất cứ bên thứ 3 nào .

Trả lời câu hỏi về việc liệu hai nước này sẽ từ bỏ đồng USD hay Euro trong giao thương tương lai, nhà ngoại giao nêu rõ, các quốc gia cần sử dụng bất kỳ loại tiền tệ nào an toàn và đáng tin cậy, nhấn mạnh rằng không nên dùng tiền tệ làm vũ khí cho các biện pháp trừng phạt đơn phương hay đồng nghĩa với đe dọa.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết thêm, nước này sẽ tiếp tục tham gia giải quyết các vấn đề nợ quốc tế trên tinh thần xây dựng, đồng thời lưu ý, Bắc Kinh nên là bên cuối cùng bị buộc tội gây ra bẫy nợ ở các nước khác và kêu gọi các bên để chia sẻ gánh nặng. (THX, Reuters)

* IAEA cảnh báo dấu hiệu "đáng lo ngại" ở Triều Tiên: Ngày 7/3, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, liên tục phát hiện các dấu hiệu về hoạt động "rất đáng lo ngại" tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, gần lối vào số 3.

Bên cạnh đó, con đường dẫn đến lối vào số 4 (Adit 4) trước đây đã được xây dựng lại, mặc dù IAEA này chưa quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu nào của hoạt động đào bới.

Theo ông Grossi, Triều Tiên dường như cũng đang bí mật vận hành lò phản ứng 5 megawatt và cơ sở làm giàu máy ly tâm tại địa điểm hạt nhân Yongbyon.

Ông Grossi nói rõ: "Có dấu hiệu cho thấy khả năng có thử nghiệm hệ thống làm mát lò phản ứng nước nhẹ (LWR) vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10, và những thay đổi đối với kênh xả nước làm mát của LWR vào tháng 10". (Yonhap)

* Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể sắp thử ICBM mới: Ngày 7/3, theo hãng thông tấn Yonhap, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn vào tháng 3 hoặc tháng 4, đồng thời thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.

Cơ quan trên cũng cho hay, người con đầu lòng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là con trai và nhà lãnh đạo này còn có một người con thứ ba chưa rõ giới tính.

* Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc nồng ấm: Ngày 7/3, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc xác nhận, Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể thăm Nhật Bản trong tháng 3 này để hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio.

Hai bên đang cân nhắc kỹ lưỡng chuyến thăm và đây là lần đầu tiên sau 4 năm, các cuộc thảo luận chi tiết về chuyến thăm của một tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản diễn ra.

Trước đó, Kyodo News và các phương tiện truyền thông khác của Nhật Bản khác đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 16-17/3 tới.

Trong khi đó, cùng ngày, lãnh đạo đảng Komeito trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản Natsuo Yamaguchi cho biết, Thủ tướng Kishida hy vọng sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Yoon Suk Yeol sớm nhất vào tuần tới. (Yonhap, Reuters)

Trung Đông

* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bất ngờ thăm Iraq trong ngày 7/3, được cho là nhằm thể hiện cam kết của Washington duy trì sự hiện diện quân sự của mình.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani, ông Austin nhấn mạnh: "Các lực lượng Mỹ sẵn sàng ở lại Iraq theo lời mời của chính phủ nước sở tại. Mỹ sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ đối tác của chúng ta nhằm hỗ trợ an ninh, ổn định và chủ quyền của nước bạn". (Reuters)

* Iran quyết tâm gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), theo thông báo của Bộ Ngoại giao Iran ngày 7/3.

Tại cuộc họp với Tổng thư ký SCO Trương Minh, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã "lưu ý tới quyết tâm sự nghiêm túc của Tehran" tham gia và vai trò tích cực trong tổ chức này.

Theo ông Amir-Abdollahian, "chúng tôi tin rằng SCO có thể đóng vai trò quan trọng trong nền an ninh quốc tế, cơ chế kinh tế và sự phát triển của hợp tác kinh tế sẽ đóng góp cho một nền an ninh bền vững". (TASS)

* Các bên Israel "tiến gần hơn" bao giờ hết tới thỏa hiệp về cải cách tư pháp, Tổng thống Israel Isaac Herzog cho biết ngày 6/3.

Theo nhà lãnh đạo, "đã có sự đồng thuận về hầu hết các vấn đề" và hiện là lúc "các bên thể hiện trách nhiệm "đặt quốc gia và người dân lên trên hết". Tuy nhiên, ông Herzog không nêu cụ thể những vấn đề nào đã được giải quyết.

Đề xuất cải cách tư pháp do chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyhu đứng đầu đang gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ ở trong nước.

Giới phi công quân sự, sỹ quan, binh sỹ và nhiều quân nhân lực lượng dự bị đã tuyên bố từ chối thực hiện nghĩa vụ hoặc tập trung huấn luyện hàng năm để phản đối kế hoạch trên.

Về vấn đề này, Thủ tướng Netanyahu cảnh báo, việc những người lính từ chối thực hiện nhiệm vụ sẽ đe dọa sự tồn vong của đất nước. (Times of Israel)

* Cảnh sát Israel được yêu cầu phá dỡ nhiều ngôi nhà của người Palestine ngay trong tháng lễ Ramadan, mệnh lệnh do Bộ trưởng An ninh quốc gia Nhà nước Do Thái Itamar Ben-Gvir đưa ra.

Ông Ben-Gvir đã đảo ngược quyết định ngừng việc phá dỡ các công trình xây dựng trái phép ở Đông Jerusalem, đặc biệt là trong tháng lễ Ramadan, được đưa ra từ vài năm trước, để không kích động gia tăng căng thẳng trong khoảng thời gian nhạy cảm này.

Palestine cảnh báo, quyết định này sẽ khiến khu vực lâm vào bất ổn mới, và kêu gọi chính phủ của ông Netanyahu chịu trách nhiệm. (Jerusalem Post)

Châu Mỹ

* Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu Mỹ cấp thị thực cho tất cả các đại biểu dự họp ở trụ sở, theo người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stéphane Dujarric.

Ông Dujarric cho rằng, cần tôn trọng các nghĩa vụ của nước đặt trụ sở LHQ và tất cả các thành viên phái đoàn có hoạt động tại trụ sở LHQ ở New York phải được nhận thị thực.

Trước đó, đại diện Nga Irina Tyazhlova cho biết, phía Mỹ đã không cấp thị thực cho một số đại biểu Nga đến dự phiên họp Nhóm công tác mở của LHQ về an ninh công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). (TASS)

* Mỹ trừng phạt các công ty Canada do ủng hộ Nga, gồm 2 công ty cung cấp thiết bị điện tử đóng tại Montreal là Cpunto và Electronic Network Inc.

Ngày 6/3, Lực lượng biên phòng Canada (CBSA) cho biết, 2 công ty này bị coi là có hành động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hay chính sách đối ngoại của Mỹ và phải tuân thủ lệnh hạn chế xuất khẩu, mặc dù phía Mỹ không nói cụ thể 2 công ty này vận chuyển hay cố vận chuyển hàng gì. (Reuters)

Châu Phi

* Phiên họp lần thứ 159 Hội đồng Liên đoàn Arab (AL) ở cấp đại diện thường trực đã khai mạc ngày 6/3 tại trụ sở chính của AL ở thủ đô Cairo, dưới sự chủ trì của Ai Cập.

Các đại biểu tham dự sự kiện đã thảo luận về dự thảo chương trình nghị sự của hội nghị bộ trưởng Hội đồng AL dự kiến diễn ra vào ngày 8/3, cũng dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Ai Cập.

Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của AL, trong đó đặc biệt quan tâm tới các vấn đề cấp bách tại Palestine, Yemen, Syria, cũng như quan hệ của liên đoàn với các khối khu vực, quốc tế và châu Phi. (Egypt Today)

* LHQ đề nghị các bên ở Nam Sudan tuyệt đối tuân thủ thỏa thuận hòa bình, theo lời đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, đồng thời là người đứng đầu Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) Nicholas Haysom.

Theo ông Haysom, năm 2023 là năm mang tính quyết định và là phép thử đối với tất cả các bên tham gia thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan.

Nhà ngoại giao này hoan nghênh việc chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan khẳng định cam kết thực hiện thỏa thuận hòa bình theo đúng thời gian biểu của lộ trình đã được ký kết giữa các phe phái, nhấn mạnh, cuộc bầu cử hiện vẫn được lên kế hoạch tổ chức ở quốc gia trên vào cuối năm 2024. (UN)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-73-ukraine-rao-riet-hanh-dong-o-bakhmut-trung-quoc-canh-bao-lan-ranh-do-voi-my-dau-hieu-dang-lo-o-trieu-tien-219049.html