Tin thế giới 30/1: Canada trục xuất công dân Trung Quốc, Cố vấn Iran thiệt mạng tại Syria, EU cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Mỹ, NATO lo Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga, Israel phá âm mưu tấn công quy mô lớn từ Bờ Tây, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với Venezuela, Nga triển khai vũ khí mới tới Quần đảo Kuril…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus Víktor Jrenin và Bộ trưởng Quốc phòng Cuba - Tướng Álvaro López Miera. (Nguồn: SB News)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus Víktor Jrenin và Bộ trưởng Quốc phòng Cuba - Tướng Álvaro López Miera. (Nguồn: SB News)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*Ukraine tố Nga tấn công cơ sở hạ tầng bằng tên lửa và UAV: Không quân Ukraine ngày 30/1 cho biết Nga đã phóng tổng cộng 35 máy bay không người lái (UAV) tấn công và 2 tên lửa dẫn đường nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự gần tiền tuyến và các khu vực khác của Ukraine.

Trên trang Telegram, lực lượng trên tuyên bố các hệ thống phòng không của Ukraine đã bắn hạ 15 trong số 35 UAV. Hiện chưa rõ điều gì đã xảy ra với những UAV chưa bị phá hủy hoặc 2 tên lửa mà Nga đã phóng từ hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300. (Reuters)

*Nga bắn hạ hàng chục UAV của Ukraine ở Crimea: Các hãng thông tấn Nga ngày 30/1 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết các hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ hoặc đánh chặn 21 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine ở Bán đảo Crimea và một số khu vực khác trên lãnh thổ Nga.

Hãng thông tấn quốc gia RIA đưa tin hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 11 UAV trên bầu trời Crimea. Các UAV do Ukraine sản xuất cũng bị bắn rơi ở các khu vực Belgorod, Bryansk, Kaluga và Tula.

Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 trong một động thái bị các đồng minh phương Tây của Kiev lên án là hành vi chiếm giữ lãnh thổ bất hợp pháp. (Reuters)

Trung Đông – châu Phi

*Israel phá âm mưu tấn công quy mô lớn từ Bờ Tây: Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 30/1 cho biết đã tiêu diệt 3 tay súng Palestine tại Bệnh viện Ibn Sina ở Bờ Tây, trong đó có 1 đối tượng bị tình nghi đang lập kế hoạch thực hiện một vụ tấn công khác giống như cuộc tập kích hôm 7/10/2023 của phong trào Hồi giáo Hamas.

Trong chiến dịch xuyên đêm nhằm vào Bệnh viện Ibn Sina ở thành phố Jenin, IDF đã đụng độ với 1 thành viên phong trào Thánh chiến Hồi giáo và 2 thành viên nhóm Hồi giáo Jihad cùng một nhóm tay súng địa phương.

Nhà chức trách Palestine chưa lên tiếng về vụ việc trên, trong khi Đài phát thanh Palestine đã đưa tin về việc có 3 người Palestine bị hạ sát trong bệnh viện. (AFP)

*Hai cố vấn cao cấp Iran thiệt mạng tại Syria: Truyền thông nhà nước Iran và Syria ngày 30/1 đưa tin 2 cố vấn Iran đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Israel nhằm vào ngoại ô thủ đô Damascus hôm 29/1.

Theo Tasnim, Israel đã tấn công “một trung tâm cố vấn quân sự của Iran” ở Syria. Tuy nhiên, Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari đã phủ nhận thông tin cho rằng mục tiêu này là đồn quân sự của Tehran và khẳng định những người thương vong không phải là công dân Iran.

Trước đó, truyền thông nhà nước Syria dẫn một nguồn tin quân sự cho biết Israel đã không kích một số địa điểm ở phía Nam thủ đô Damascus khiến một số người thương vong. Trong khi đó, truyền thông Arab cho rằng mục tiêu bị tấn công nằm gần vị trí của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Hãng tin Reuters cũng dẫn nguồn tin thân Iran tiết lộ cuộc tấn công đã nhằm vào trụ sở hoạt động của IRGC. (Reuters)

*Israel sắp đánh bại Hamas ở Khan Yunis: Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 30/1 tuyên bố gần như đã đánh bại 3/4 tổng số tiểu đoàn chiến đấu của phong trào Hồi giáo Hamas ở thành phố Khan Yunis, miền Nam Dải Gaza.

IDF bắt đầu tấn công Khan Yunis từ đầu tháng 12/2023 song chỉ có được bước tiến chậm chạp. Sau đó, quân đội Israel thay đổi chiến thuật chuyển từ sử dụng robot và một số binh sĩ công binh rà soát các đường hầm, sang sử dụng số lượng lớn binh sĩ cùng đột kích vào các đường hầm.

IDF cũng tấn công mạnh trên mặt đất để phân tán sức kháng cự của Hamas. Chiến thuật mới đã giúp Israel chiếm được nhiều đường hầm, trong đó có các phòng chỉ huy tác chiến cấp tiểu đoàn và nơi nghỉ ngơi của đội ngũ chỉ huy cấp cao Hamas. Tuy nhiên, IDF cũng chưa chắc chắn liệu có bắt được các chỉ huy cấp cao của Hamas, được cho là đang ẩn náu trong các đường hầm ở Khan Yunis, hay không. (Times of Israel)

Châu Á-Thái Bình Dương

*Mỹ và NATO quan ngại việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga: Theo nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, trong cuộc hội đàm ngày 29/1 tại Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên xuất khẩu thiết bị quân sự sang Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Stoltenberg đã tới Washington để thảo luận về giải pháp duy trì chính sách hỗ trợ cho Ukraine và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Washington trong tháng 7, cùng các vấn đề khác.

Theo Nhà Trắng, Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Moscơ vài chục tên lửa đạn đạo để sử dụng ở Ukraine bên cạnh các lô hàng thiết bị quân sự và đạn dược trước đó.

Hàn Quốc, Mỹ và các chính phủ khác đã chỉ trích những thương vụ vũ khí giữa Tổng thống và Nga vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cấm buôn bán vũ khí với Bình Nhưỡng. (Yonhap)

*Philippines trục xuất 8 công dân Nhật Bản: Philippines ngày 30/1 đã trục xuất 8 công dân Nhật Bản bị cáo buộc liên quan đến vụ lừa đảo qua mạng viễn thông nhắm vào người dân ở Nhật Bản.

Cục Nhập cư Philippines cho hay những người đàn ông từ 25-35 tuổi bị bắt hồi tháng 2/2020 tại tỉnh Laguna, phía Nam Manila. Những người này bị tình nghi tham gia lừa đảo qua điện thoại và tống tiền người cao tuổi ở Nhật Bản trong khoảng thời gian ít nhất 3 năm.

Người phát ngôn Cục Nhập cư Philippines xác nhận máy bay của hãng Japan Airlines chở 8 nghi phạm dự kiến sẽ hạ cánh xuống sân bay Narita gần Tokyo vào chiều 30/1.(Kyodo)

*Hàn Quốc, Ấn Độ nâng cấp hợp tác kinh tế: Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTIE) cho biết nước này và Ấn Độ ngày 30/1 khởi động một vòng đàm phán mới để nâng cấp Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) song phương.

Theo MTIE, vòng đàm phán thứ 10 nhằm nâng cấp CEPA sẽ diễn ra tại New Delhi trong 2 ngày 30 và 31/1. Hai bên dự kiến thảo luận các giải pháp cải thiện thỏa thuận liên quan đến thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, quy tắc đầu tư và xuất xứ, cùng nhiều vấn đề khác.

CEPA song phương có hiệu lực từ tháng 1/2010 và hai bên bắt đầu đàm phán để sửa đổi vào năm 2015 nhằm phản ánh tốt hơn những thay đổi của bối cảnh thương mại toàn cầu. Vòng đàm phán mới nhất diễn ra hồi tháng 11/2022 sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác. (Yonhap)

Châu Âu

*EU cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ khẳng định lại quyết tâm của liên minh trong việc tiếp tục cung cấp "hỗ trợ quân sự kịp thời, có thể dự đoán được và bền vững" cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 1/2 tới.

Bản dự thảo kết luận cuộc họp nêu rõ "Hội đồng châu Âu cũng nhắc lại nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược và tên lửa" cho Kiev. (Reuters)

*Quân đội Ukraine áp dụng 88% các tiêu chuẩn của NATO: Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 29/1 cho biết Bộ Quốc phòng, Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) và các thành phần khác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng đã triển khai 18 tiêu chuẩn khác nhau của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, VSU và các thành phần an ninh khác của Ukraine đã áp dụng 315 tiêu chuẩn của NATO. Có tổng cộng 1.135 tiêu chuẩn trong NATO.

Hôm 10/1, các hãng thông tấn Ukraine đưa tin Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố các đồng minh trong khối sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo đáng kể cho Kiev. (AFP)

*Nga triển khai vũ khí mới tới Quần đảo Kuril: Hãng tin TASS ngày 30/1 đưa tin quan chức an ninh cấp cao của Nga Dmitry Medvedev cho biết nước này sẽ triển khai vũ khí mới trên Quần đảo Kuril, trung tâm cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Nga và Nhật Bản chưa bao giờ chính thức ký hiệp ước hòa bình chấm dứt xung đột bắt nguồn từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Quần đảo Kuril - mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc - vẫn là trở ngại chính trong quan hệ giữa hai bên.

TASS dẫn lời ông Medvedev khẳng định Nga không phản đối việc ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, nhưng chỉ khi Tokyo không còn tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này. (TASS)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Hàng trăm nhà báo tại Mexico bị lộ thông tin cá nhân: Thông tin cá nhân của gần 300 nhà báo chuyên nghiệp tại Mexico vừa bị phát tán trên Internet sau khi một nghi phạm chưa rõ danh tính xâm nhập hệ thống máy chủ của một cơ quan trực thuộc chính phủ nước này để lấy cắp dữ liệu. Đây được xem là sự cố nghiêm trọng bởi Mexico nhiều năm qua luôn đứng đầu danh sách các quốc gia xảy ra nhiều vụ sát hại nhà báo.

Thông tin từ buổi họp báo tối 29/1 (giờ địa phương) cho biết nghi phạm đã sử dụng tài khoản của một nhân viên Phủ Tổng thống Mexico hiện đã nghỉ việc để truy cập hệ thống máy chủ của Cơ quan điều phối Chiến lược Số hóa quốc gia, đánh cắp thông tin cá nhân chi tiết của 263 nhà báo đăng ký tác nghiệp thường xuyên tại Phủ Tổng thống, trong đó có nhiều phóng viên quốc tế thường trú tại Mexico. (AFP)

*Cuba và Belarus tăng cường quan hệ quốc phòng: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus Víktor Jrenin bắt đầu thăm chính thức Cuba từ ngày 29/1 nhằm tăng cường quan hệ song phương. Phát biểu sau lễ đón chính thức do Bộ trưởng Quốc phòng Cuba - Tướng Álvaro López Miera - chủ trì, ông Jrenin khẳng định Minsk và La Habana “đoàn kết với nhau bằng ý chí bảo vệ độc lập, công bằng xã hội, hợp tác bình đẳng với các quốc gia khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus nhấn mạnh hai nước sẵn sàng tăng cường quan hệ và không e ngại bất cứ khó khăn nào. Trước đó, hồi tháng 7/2023, phái đoàn quân sự Cuba do Bộ trưởng Quốc phòng López Mieras dẫn đầu đã đến thăm Minsk để thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế nổi cộm. (Reuters)

*Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Venezuela: Chính phủ Mỹ ngày 29/1 đã chính thức khôi phục một số biện pháp trừng phạt đối với Venezuela sau khi quốc gia Nam Mỹ từ chối hủy bỏ bản án của Tòa án Công lý Tối cao (TSJ), trong đó cấm một ứng cử viên tổng thống đối lập tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Washington thời điểm đó cũng yêu cầu chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro phải trả tự do cho một số tù nhân Mỹ có liên hệ với phe đối lập, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm về chính trị đối với một số nhân vật đối lập. (AP)

*Canada trục xuất một phụ nữ Trung Quốc vì hoạt động gián điệp: Ngày 29/1, tờ Global News đưa tin Chính quyền Canada đã ban hành lệnh trục xuất một phụ nữ Trung Quốc, tên là Jing Zhang, với lý do tham gia chương trình can thiệp nước ngoài của Bắc Kinh.

Theo tờ báo, Ủy ban di trú và tị nạn Canada ra phán quyết rằng Jing Zhang đã làm việc cho Văn phòng các vấn đề Hoa kiều ở nước ngoài (OCAO), nơi mà họ cho là có những hoạt động gián điệp ở Canada.

Lệnh trục xuất Zhang được ban hành ngày 28/8/2023, nhưng mới được công bố gần đây. Khi được hỏi liệu Zhang đã bị trục xuất hay chưa khi lệnh này được ban hành từ 6 tháng trước, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada nói rằng họ không bình luận về các trường hợp cụ thể. (TTXVN)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-301-canada-truc-xuat-cong-dan-trung-quoc-co-van-iran-thiet-mang-tai-syria-eu-cam-ket-tiep-tuc-ho-tro-quan-su-cho-ukraine-259338.html