Tin thế giới 28/11: Ukraine có thể sửa luật nghĩa vụ, Bộ trưởng Israel ra cảnh báo về Dải Gaza

Nga cảnh báo Mỹ về Ukraine, Hamas có thể đàm phán thả quân nhân Israel, Hàn Quốc hoãn phóng vệ tinh do thám…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov cho biết ông sẵn sàng gửi thêm quân tới Ukraine. (Nguồn: Sputnik)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga cảnh báo Mỹ về Ukraine: Ngày 28/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: “Người Mỹ sẽ lại phải rút kinh nghiệm nếu không muốn rơi vào khó khăn như ở Afghanistan... và các khó khăn khác". Ông lưu ý rằng những năm 1970, Mỹ đã buộc phải thừa nhận đối thủ ngang hàng với mình, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Theo ông Ryabkov, việc Nga hoàn thành thắng lợi trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ là tiền đề quyết định để nước Mỹ điều chỉnh tư duy.

Trước đó, ông đánh giá theo hình thức hiện tại, cuộc đối thoại về ổn định chiến lược giữa Moscow và Washington khó có thể tiếp tục trong tương lai. Ngay cả khi Nga đáp ứng các đề xuất của Mỹ, “sẽ không có sự nhượng bộ nào”. (TASS)

* Chechnya tuyên bố sẵn sàng đưa thêm quân tới Ukraine: Ngày 28/11, viết trên Telegram, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov cho biết 3.000 binh sĩ khác khác của ông đã sẵn sàng tới Ukraine với danh nghĩa là một phần của các đơn vị mới của Bộ Quốc phòng Nga và lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga.

Ông nêu rõ: “Họ có trang bị tốt nhất và vũ khí hiện đại. Ngoài ra, các binh sĩ còn có tinh thần chiến đấu cao và có động lực để đạt kết quả”. Theo ông Kadyrov, xung đột ở Ukraine là bức tường thành chống lại sự xâm lấn của phương Tây.

Đầu tháng 11, ông Kadyrov cho biết một nhóm cựu lính đánh thuê Wagner của Nga cũng đã bắt đầu huấn luyện với lực lượng đặc nhiệm từ Chechnya. (Reuters)

* Ukraine có thể sửa luật nghĩa vụ: Ngày 27/11, trả lời The Guardian (Anh), Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Alexei Danilov cho biết nước này có ý định thay đổi quy định về nghĩa vụ quân sự. Theo ông, các thay đổi này liên quan đến việc sử dụng các công ty tuyển dụng thương mại để thực hiện nghĩa vụ có mục tiêu hơn, đồng thời thuyết phục những người lính nghĩa vụ rằng họ sẽ được tuyển dụng vào Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) cho các vị trí phù hợp với chuyên môn. Những thay đổi dự kiến sẽ được công bố trong tuần này. VSU sẽ làm việc với hai công ty tuyển dụng lớn nhất nước này để tìm kiếm nhân lực có trình độ cao muốn giúp quân đội, nhưng không muốn cầm súng chiến đấu.

Ông giải thích: “Việc huy động sẽ linh hoạt hơn. Chuyên ngành cần thiết sẽ được công bố và mọi người sẽ tự tìm đến vai trò cụ thể. Theo quan chức này, một số lính nghĩa vụ sợ tham gia chiến đấu, song họ có thể được giao các nhiệm vụ khác. Ông nhận định Bộ trưởng Quốc phòng mới đang có “cách tiếp cận mới”. (Reuters)

* Quốc hội Mỹ lo ngại về viện trợ cho Ukraine: Ngày 27/11, tờ The Economist (Anh) viết: “Thời gian trì hoãn càng lâu thì đảng (Cộng hòa và Dân chủ) càng bị cuốn vào cơn sốt bầu cử. Nếu không đạt được thỏa thuận trước Giáng sinh, một số người trong Quốc hội Mỹ lo ngại rằng việc phân bổ nguồn viện trợ mới (cho Ukraine) có thể bị trì hoãn đến sau bầu cử tháng 11/2024. Nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống, nó có thể dừng lại hoàn toàn”. Nguồn tin của báo này tại Thượng viện Mỹ lưu ý rằng thời gian đang chống lại những người ủng hộ Kiev.

Ukraine lo ngại nếu không có tấm gương của Mỹ, các đồng minh của Kiev ở châu Âu có thể nhanh chóng thoái chí. Nền sản xuất nước này, vốn rất mạnh vào thời Liên Xô, giờ đây không còn ở trạng thái tốt nhất. Một quan chức nước này thừa nhận: “Dù chúng tôi có gia tăng sản xuất trong nước đến mức nào, Ukraine vẫn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ đối tác với phương Tây”. (Economist/Sputnik)

Israel-Hamas

* Nổ súng ở Gaza sau khi gia hạn lệnh ngừng bắn: Sáng 28/11, nhân chứng đã nghe thấy tiếng súng dữ dội ở phía Đông và phía Bắc thành phố Gaza, bất chấp lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài đến ngày 30/11. Theo họ, máy bay của Không quân Israel đã xuất hiện trên bầu trời phía Bắc Dải Gaza.

Trước đó, tối 27/11, Bộ Ngoại giao Qatar thông báo Israel và Hamas đã đạt thỏa thuận nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo thêm hai ngày. Như vậy, lệnh ngừng bắn bắt đầu vào ngày 24/11 sẽ kéo dài đến ngày 30/11. Thỏa nêu trên thuận có hiệu lực lúc 7h ngày 28/11 (giờ địa phương, từ 12h theo giờ Hà Nội). (Sputnik)

* Israel sẽ thả thêm 50 tù nhân Palestine nếu có thêm con tin được trả tự do: Ngày 28/11, Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo nước này đã chấp thuận đưa 50 nữ tù nhân Palestine vào danh sách các tù nhân dự kiến được trả tự do nếu có thêm con tin Israel được giải thoát khỏi Gaza.

Cùng ngày, cơ quan quản lý nhà tù Israel cho biết 33 tù nhân Palestine đã được thả “trong đêm” theo điều khoản thỏa thuận ngừng bắn. (AFP/Reuters/Sputnik)

* Bộ trưởng Quốc phòng Israel ra cảnh báo: Ngày 28/11, báo Haaretz (Israel) dẫn phát biểu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant nói rằng giao tranh ở dải Gaza sau khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc sẽ dữ dội hơn và lan rộng ra toàn bộ dải đất này. Ông tuyên bố: “Chúng (các cuộc đụng độ) sẽ quy mô hơn và diễn ra trên khắp dải Gaza”. Theo quan chức này, phong trào Hồi giáo Hamas sẽ lợi dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lực lượng và nghỉ ngơi. Do đó, khi lệnh ngừng bắn kết thúc, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tấn công họ với sự hỗ trợ của không quân, pháo binh và chỉ sau đó bộ binh mới tiếp tục tiến công. (Haaretz)

* Hamas sẵn sàng đàm phán về thả quân nhân Israel: Ngày 28/11, tờ Jerusalem Post (Israel) đưa tin phong trào Hồi giáo này tuyên bố sẵn sàng đàm phán về những điều kiện để thả quân nhân Israel bị bắt giữ trong các hoạt động quân sự. Theo tuyên bố, vấn đề này không xuất hiện trong đàm phán ngừng bắn tạm thời. Điều kiện để thả quân nhân Israel sẽ khác với điều kiện thả dân thường.

Đây là một động thái quan trọng của Hamas, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng tập trung vào vấn đề thả con tin dân sự hơn là quân nhân Israel. (TASS)

* Palestine chỉ trích đề án tăng ngân sách khu định cư của Israel: Ngày 27/11, ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chỉ trích kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich về phân bổ thêm hàng triệu Shekel để củng cố các khu định cư trên lãnh thổ Palestine. Theo ông, đề xuất của quan chức Nhà nước Do Thái là một phần của chiến dịch toàn diện chống lại người dân, lãnh thổ và quyền bất khả xâm phạm của Palestine.

Trước đó, tờ Times of Israel (Israel) đưa tin Nội các nước này sắp thảo luận về thay đổi đối với ngân sách nhà nước năm 2023 do nhu cầu nảy sinh từ xung đột với Hamas ở Dải Gaza. Theo đó, ông Smotrich nhất quyết giữ hơn 300 triệu Shekel (80,87 triệu USD) trong quỹ ứng biến để phát triển khu định cư. Ông Abu Rudeineh nhận định đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Israel khấu trừ các khoản thu thuế từ người Palestine và tiến hành xung đột ở Dải Gaza và Bờ Tây.

Ngoài ra, quan chức này cũng cảnh báo tác động từ kế hoạch của Israel với an ninh và ổn định khu vực. Người phát ngôn Tổng thống Palestine kêu gọi thế giới gây áp lực với Nhà nước Do Thái để ngăn kế hoạch này, đồng thời giải phóng các quỹ của người Palestine hiện do Israel nắm giữ. (Tân hoa xã/Times of Israel)

* Mỹ hoan nghênh việc gia hạn lệnh ngừng bắn: Ngày 27/11, Nhà Trắng đã hoan nghênh việc gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza. Đồng thời, nước này hy vọng công dân Mỹ sẽ nằm trong số 20 con tin sẽ được thả tiếp theo, vì 8 đến 9 công dân Mỹ được cho là vẫn nằm trong số những người đang bị giam giữ.

Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng cho biết viện trợ có điều kiện cho Israel là ý tưởng đáng cân nhắc, nhưng Tổng thống Joe Biden tin rằng cách tiếp cận của ông đang có hiệu quả. Ông nêu rõ: “Tất nhiên, chúng tôi hy vọng thời gian tạm ngừng sẽ kéo dài hơn nữa. Điều đó phụ thuộc xem Hamas có tiếp tục thả con tin hay không”. (AFP/Reuters)

* WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ở Dải Gaza: Ngày 28/11, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris cảnh báo: “Thậm chí chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người chết dần do dịch bệnh hơn là thiệt mạng do bom đạn nếu như chúng ta không thể khôi phục hệ thống y tế tại đây”. Bà cũng miêu tả vụ đánh sập bệnh viện Shifa, miền Bắc dải Gaza là “thảm kịch”, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Israel bắt giữ một số nhân viên y tế của bệnh viện này. (TTXVN)

Đông Nam Á

* Indonesia bước vào chiến dịch vận động tranh cử: Ngày 27/11, phát biểu tại Lễ phát động chiến dịch bầu cử hòa bình ngày 27/11, Chủ tịch Ủy ban bầu cử (KPU) Hasyim Asy'ari cho biết, đây là thời điểm quan trọng để người dân và các ứng cử viên tham gia tranh cử chung tay thực hiện một cuộc bầu cử trung thực và công bằng, “vì một Indonesia đoàn kết, phát triển và vĩ đại hơn”. Chiến dịch bầu cử sẽ kéo dài 75 ngày từ 28/11/2023-10/2/2024. Có tới 204,8 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống trực tiếp tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này vào năm tới.

Hiện 3 ứng cử viên tổng thống chính thức vận động tranh cử gồm Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, cựu Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo, và cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan.

Ngày 28/11, ông Anies đã bắt đầu chiến dịch tranh cử tại Bắc Jakarta, còn ông Ganjar tổ chức vận động ngày đầu tiên ở Nam Papua. Trong khi đó, ông Prabowo chưa có hoạt động trong chiến dịch tranh cử nào do còn thực hiện nhiệm vụ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong hôm nay. Trước đó, có thông tin cho rằng liên minh Prabowo-Gibran sẽ bắt đầu chiến dịch bầu cử năm 2024 tại khu vực Jabodetabek (gồm các thành phố Jakarta-Bogor-Depok-Tangerang-Bekasi).

Theo cuộc thăm dò gần đây nhất của Indikator Politik, 40,6% số người được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Prabowo, 27,8% bầu cho Ganjar của đảng cầm quyền Đấu tranh dân chủ PDI-P; ứng cử viên Anies đứng thứ ba với 23,7%. (TTXVN)

* Tàu hải quân Trung Quốc đến Myanmar: Chính quyền quân sự Myanmar thông báo một tàu khu trục, một khinh hạm và một tàu tiếp tế Trung Quốc chở hàng trăm thủy thủ đã đến cảng Thilawa ngày 27/11, trước thềm “cuộc tập trận an ninh hải quân giữa Myanmar và Trung Quốc”. Hiện không có thông tin chi tiết hay thời điểm diễn ra cuộc tập trận. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin “lực lượng đặc nhiệm hải quân” của Trung Quốc có 700 thủy thủ. (AFP)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc hoãn phóng vệ tinh do thám quân sự: Ngày 28/11, Bộ Quốc phòng nước này đã hoãn phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên ngày 30/11 do thời tiết xấu. Thời điểm phóng vệ tinh do thám trên tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg của Mỹ ở California sẽ dời sang ngày 2/12.

Vụ phóng theo kế hoạch này là một phần trong dự án đưa 5 vệ tinh trinh sát được chế tạo trong nước lên quỹ đạo vào cuối năm 2025 để giám sát Triều Tiên tốt hơn.

Ngày 21/11, Triều Tiên đã phóng vệ tinh do thám đầu tiên và tuyên bố vệ tinh của họ đã chụp ảnh các cơ sở quân sự lớn ở Hàn Quốc cũng như lãnh thổ Guam và Hawaii của Mỹ, song Bình Nhưỡng chưa công bố hình ảnh chi tiết. (Yonhap)

Châu Âu

* Nga, Saudi Arabia không thảo luận trước họp OPEC+: Ngày 28/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman không có kế hoạch liên lạc trước cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (gọi là OPEC+) ngày 30/11. Ông cũng cho hay: “Đối với OPEC+, như bạn biết, chúng tôi không bao giờ công bố bất cứ điều gì. Đây là công việc khá tế nhị, công việc có trách nhiệm. Nga tiếp tục liên lạc với các đối tác của mình theo hình thức này”.

Dự kiến, ngày 30/11, OPEC+ sẽ tổ chức họp trực tuyến, để quyết định mức sản lượng dầu. Các nguồn tin cho biết trước đó, cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 26/11, song đã bị trì hoãn do sự bất đồng về sản lượng của các nhà sản xuất châu Phi. Hiện nguồn tin cho biết nhóm đã tiến gần đến thỏa hiệp về điểm này. (Reuters)

* Tây Ban Nha sẵn sàng ký thỏa thuận với Anh về Gibraltar: Ngày 28/11, trả lời phỏng vấn đài Telecinco (Tây Ban Nha), Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nói: “Cách đây vài tháng, Tây Ban Nha đã đặt lên bàn một thỏa thuận cân bằng và hào phóng”. Ông cho biết nước này sẵn sàng ký một thỏa thuận về tình trạng của vùng Gibraltar, sớm nhất là ngày 29/11 khi ông dự kiến gặp tân Ngoại trưởng Anh David Cameron tại Brussels (Bỉ) sau điện đàm ngày 27/11.

Vùng Gibraltar rộng 6,8 km2, có khoảng 30.000 dân và án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải duy nhất từ Đại Tây Dương. Tây Ban Nha đã trao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Gibraltar cho nước Anh theo Hiệp ước Utrecht năm 1713. Tuy nhiên, Madrid hiện vẫn tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất này. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ bác cáo buộc giúp Nga né trừng phạt: Ngày 27/11, một nguồn tin ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ cáo buộc giúp đỡ Nga lách trừng phạt: “Những cáo buộc nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn vô căn cứ, không có bất kỳ bằng chứng. Chúng tôi không tham gia lách lệnh trừng phạt chống lại Nga”.

Nguồn tin nhấn mạnh: "Ngay từ ngày đầu xảy ra xung đột ở Ukraine, chúng tôi đã giữ lập trường trung lập, duy trì mối quan hệ tin cậy như nhau với các nước láng giềng gần gũi. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống (Tayyip Erdogan), các nỗ lực hòa giải tích cực đang được thực hiện để tiến tới ngừng bắn. Trong vai trò trung gian hòa giải, Ankara không thể từ bỏ lập trường cân bằng, chúng tôi nhiều lần giải thích điều này với phương Tây”.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Thứ trưởng Brian Nelson sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về trừng phạt Nga. Theo Bloomberg, Washington đặc biệt lo ngại việc Ankara từ chối tham gia trừng phạt tàu biển và hàng không Nga, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt thứ cấp. Đây là chuyến thăm thứ 2 tới Thổ Nhĩ Kỳ của ông Nelson, người giám sát hoạt động “chống khủng bố và tình báo tài chính” tại Bộ Tài chính Mỹ. (Sputnik)

Trung Đông-châu Phi

* Iran hoàn tất thỏa thuận mua tiêm kích Nga: Ngày 28/11 Thứ trưởng Quốc phòng nước này Mehdi Farahi cho biết Tehran đã hoàn tất thỏa thuận mua tiêm kích Su-3, trực thăng Mi-28 và máy bay huấn luyện Yak-130 từ phía Moscow.

Hiện Không quân Iran chỉ có vài chục máy bay tiêm kích, trong đó có một số máy bay Nga, cũng như một số máy bay kiểu cũ của Mỹ mua trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Do cấm vận của Mỹ và phương Tây, Iran gặp khó khăn trong việc mua phụ tùng thay thế của các loại máy bay trên. Năm 2018, Iran cho biết đã bắt đầu sản xuất máy bay tiêm kích Kowsar theo mẫu thiết kế trong nước. (Reuters)

* Syria chỉ trích Israel tấn công sân bay dân sự: Ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Syria đã chỉ trích các cuộc không kích của Israel ngày 26/11 vào các sân bay dân sự nước này. Nước này kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an và các cơ quan quốc tế liên quan khác lên án và ngăn chặn hành động của Israel, đồng thời đảm bảo các hành động tương tự không tái diễn. Tuyên bố nhấn mạnh các cuộc tấn công lặp đi lặp lại vào các sân bay dân sự của Syria gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời vi phạm các nghị quyết của LHQ,

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công mới nhất của Israel nhằm vào một cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Syria”. Bà nhấn mạnh hành vi của phía Israel sẽ gây ra những hệ quả nguy hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình xung đột Israel-Hamas ngày càng trầm trọng hơn và căng thẳng khu vực gia tăng.

Trước đó, quân đội Syria thông báo những cuộc không kích của Israel đã khiến sân bay Damascus ngừng hoạt động ngày 26/11, buộc các chuyến bay đến phải chuyển hướng sang sân bay khác. (Reuters/Tân hoa xã)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2811-ukraine-co-the-sua-luat-nghia-vu-bo-truong-israel-ra-canh-bao-ve-dai-gaza-251819.html