Tin thế giới 25/4: Nga cử T-14 tới Ukraine; ông Biden ra tranh cử; tình hình Sudan có khởi sắc?

Moscow bi quan về khả năng có hiệp ước thay thế New START, Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Xe tăng T-14 Armata của Nga được cho là đã xuất hiện tại Ukraine. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga sử dụng xe tăng T-14 Armata ở Ukraine: RIA (Nga) dẫn một nguồn thạo tin cho biết nước này đã bắt đầu sử dụng xe tăng mới T-14 Armata tại Ukraine, song hiện “chúng vẫn chưa tham gia các chiến dịch tấn công trực tiếp”. Theo đó, các xe tăng này đã được lắp thêm bộ phận bảo vệ khung sườn và nhóm lái xe đã trải qua huấn luyện “phối hợp tác chiến” tại Ukraine. Xe tăng T-14 có có tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 80 km (50 dặm)/h và được trang bị tháp pháo tự động, với xạ thủ điều khiển vũ khí từ “một khoang bọc thép trong thân xe phía trước”.

Trước đó, tháng 1/2023, tình báo Anh cho rằng việc triển khai T-14 là “quyết định rủi ro” với Nga và chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền. (Reuters/Sputnik)

* Tổng thống Zelensky: Nga muốn xóa bỏ lịch sử-văn hóa Ukraine: Ngày 25/4, viết trên Telegram, ông Zelensky nêu rõ: “Vẫn còn người dưới đống đổ nát… họ đang tìm mọi cách tiêu diệt hoàn toàn chúng tôi, lịch sử, văn hóa, con người Ukraine”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nga tấn công bảo tàng lịch sử ở Kupiansk, khiến một nhân viên thiệt mạng và 10 người bị thương. Tháng 9/2022, Ukraine đã giành lại Kupiansk, một trung tâm đường sắt quan trọng ở miền Đông Bắc. Tuy nhiên, lo ngại rằng Nga có thể tấn công để chiếm lại thành phố, Ukraine đã ra lệnh cho những cư dân dễ bị tổn thương sơ tán đầu tháng Ba vừa qua. (AFP)

Nga-Mỹ

* Nga bi quan về triển vọng cho một hiệp ước thay thế New START: Ngày 24/4, trả lời phỏng vấn TASS (Nga), Vụ trưởng Vụ Không phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov nhận định: "Không có triển vọng như vậy ở hiện tại. Kiểm soát vũ khí không thể tách rời khỏi tình hình địa chính trị và chiến lược quân sự nói chung. Bất kỳ bước đi nghiêm túc nào trong lĩnh vực này luôn song hành với các quá trình chính trị mang tính xây dựng trong quan hệ các bên liên quan. Ít nhất, cần có sự hiểu biết lẫn nhau về nhu cầu đối thoại và ý chí chính trị để thúc đẩy đàm phán thực chất, dựa trên sự thỏa hiệp”.

Theo ông Yermakov, phương Tây “không có thái độ tương tự” và “đến nay, mọi thứ hoàn toàn ngược lại: Mỹ và đồng minh đang tiến hành xung đột hỗn hợp chống lại Nga nhằm gây ra ‘thiệt hại chiến lược’ cho đất nước trong lĩnh vực quân sự, cũng như thành công trong việc gây sức ép với Moscow bằng các biện pháp trừng phạt. Họ kỳ vọng rằng một nước Nga suy yếu sẽ phục tùng các mệnh lệnh của phương Tây từ một vị trí quyền lực. Tuy nhiên, như lịch sử đã nhiều lần chỉ ra, đây là cách tiếp cận hoàn toàn vô ích đối với nhà nước của chúng tôi”. (TASS)

Đông Nam Á

* Tổng thống Philippines có thể bàn vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) khi thăm Mỹ: Ngày 25/4, trao đổi với Reuters, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Washington D.C. ngày 1/5, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. muốn ưu tiên đàm phán kinh tế về lĩnh vực năng lượng, khí hậu và thương mại. Nhà ngoại giao này cho biết: “Trung Quốc, tất nhiên, là đối tác thương mại số một của chúng tôi... Mỹ là một trong những quốc gia mà chúng tôi mong muốn có thêm trao đổi thương mại”. Ông cũng nhấn mạnh phía Philippines mong muốn Quốc hội Mỹ gia hạn quyền tiếp cận ưu đãi thương mại của nước này với các nền kinh tế đang phát triển, vốn đã hết hạn năm 2020.

Đại sứ Romualdez để ngỏ khả năng ông Marcos bàn về vấn dề Đài Loan với Mỹ, nhưng sẽ chú trọng vào việc tránh xung đột. Nhà ngoại giao này nhận định đảo Đài Loan ở rất gần Philippines và khi nơi này gặp vấn đề, không chỉ Philippines, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Manila không muốn Bắc Kinh “cảm thấy rằng Philippines đang đối đầu với Trung Quốc vì quan hệ với Mỹ... mọi thứ Philippines đang làm hoàn toàn là vì quốc phòng”. Trước đó, Trung Quốc đã cáo buộc Philippines kích động căng thẳng bằng cách tăng gần gấp đôi số lượng căn cứ quân sự mà Mỹ có thể tiếp cận theo Hiệp ước phòng thủ chung, với một số trong đó hướng về phía Bắc đối diện đảo Đài Loan. (Reuters)

* Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc lên tiếng về Myanmar: Ngày 25/4, phát biểu sau cuộc gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - Tướng Min Aung Hlaing, ông Ban Ki Moon đã kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar. Ông nói: “Tôi đến Myanmar để hối thúc quân đội chấm dứt bạo lực ngay lập tức và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan”.

Về cuộc gặp, theo Báo Global New Light of Myanmar, hai bên “đã trao đổi quan điểm về tiến bộ mới nhất của Myanmar và thảo luận thân mật với thái độ xây dựng”. Trong chuyến thăm, ông Ban Ki Moon cũng gặp cựu Tổng thống Thein Sein. (Reuters)

Nam Á

* Ấn Độ bác phán quyết của hội đồng WTO về thuế quan: Ngày 25/4, New Delhi đã ra tuyên bố nêu rõ: “Theo các thủ tục Giải quyết tranh chấp hiện có, Ấn Độ đang thực hiện các bước cần thiết và cũng đang khám phá các lựa chọn có sẵn dựa trên các quyền và nghĩa vụ của mình với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO”. Các lựa chọn như trên có thể bao gồm kế hoạch kháng cáo phán quyết.

Tuần trước, hội đồng WTO đã đưa ra phán quyết liên quan đến tranh chấp năm 2019 giữa Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ về thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin. Theo đó, năm 2019, EU phản đối việc Ấn Độ áp thuế nhập khẩu từ 7,5% đến 20% đối với nhiều loại sản phẩm công nghệ thông tin, chẳng hạn như điện thoại di động và linh kiện, cũng như mạch tích hợp, đồng thời cho rằng chúng đã vượt quá mức tối đa. Cùng năm đó, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) đã nộp đơn khiếu nại tương tự. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc thăm Bàn Môn Điếm: Ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã thăm làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ở biên giới liên Triều để động viên binh lính Hàn Quốc và Mỹ tại đây. Ông nói: “Mỗi người các bạn đã kề vai sát cánh duy trì tư thế phòng thủ chung tượng trưng cho liên minh Hàn-Mỹ. Dựa trên tình bạn thân thiết, tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục dẫn dắt để xây dựng liên minh 70 năm tiếp theo”.

Cùng ngày, Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm cấp nhà nước tới Washington D.C. nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập liên minh song phương. Ngày 26/4, (theo giờ Mỹ), ông và người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, với tình hình Triều Tiên có thể sẽ nằm trong nội dung thảo luận. (Yonhap)

* Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên muốn tăng cam kết răn đe: Ngày 25/4, phát biểu tại hội thảo Asan Plenum 2023 tại thủ đô Seoul, ông Sung Kim nêu rõ: “Tôi không muốn nói trước các nhà lãnh đạo của chúng ta, những người sẽ sớm gặp nhau, nhưng tôi nghĩ rõ ràng đây sẽ là một chủ đề nổi bật với hai nhà lãnh đạo của chúng ta. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã chỉ ra rằng những gì đạt được từ thượng đỉnh sẽ truyền tải rõ ràng ý thức và cam kết răn đe mở rộng của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi rất mong đợi điều đó”.

Theo ông Sung Kim, Mỹ “đang tiếp tục nỗ lực để tăng cường cam kết răn đe mở rộng đối với đất nước và người dân Hàn Quốc”. Quan chức này cũng nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa và đạt mục tiêu hòa bình lâu dài ở bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao vẫn là cam kết “không thể lay chuyển” của Washington. (Yonhap)

* Triều Tiên cam kết tăng cường quan hệ với Nga: Ngày 25/4, phát biểu nhân dịp 4 năm thượng đỉnh đầu tiên năm 2019 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Vladivostok, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Im Chon-il nhấn mạnh: “Hai nước đang tăng cường hỗ trợ lẫn nhau và đoàn kết trong cuộc đấu tranh kiên quyết đập tan nguy cơ chiến tranh và mối đe dọa quân sự từ bên ngoài… (Bình Nhưỡng) luôn đứng vững để nâng cao mối quan hệ hữu nghị lâu đời và truyền thống (giữa hai nước)”. (Yonhap/TTXVN)

Trung Á

* Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-Trung Á: Ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, Ngoại trưởng Tần Cương sẽ chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-Trung Á lần thứ 4 ngày 27/4 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây. (Reuters)

Châu Âu

* Nga bảo vệ việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus: Ngày 25/4, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov nhấn mạnh chỉ có bảo đảm an ninh “của Nga và Belarus, hay Nhà nước Liên minh” là quan trọng đối với Moscow.

Quan chức này nêu rõ: “Phương Tây có thể tiếp tục duy trì phản ứng tiêu cực cho chính họ. Chúng tôi quan tâm đến bảo đảm an ninh nhiều như việc các nước NATO đã ‘quan tâm’ trong vài thập kỷ về lo ngại của Nga trước hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu”. Theo ông, xứ cờ hoa đã lắp đặt vũ khí hạt nhân tại 6 cơ sở quân sự ở 5 nước châu Âu, “nơi mà Mỹ không thuộc về”.

Nhà ngoại giao này kết luận: “Thực tế, trong nhiều thập kỷ, Washington đã giữ vũ khí hạt nhân cách xa hàng nghìn km so với khu vực tài phán tại các căn cứ tiền tuyến, nơi các đồng minh NATO có thể tấn công các mục tiêu chiến lược trên đất Nga hoặc Belarus. Trong khi chúng tôi đóng vai trò là quốc gia anh em trong Nhà nước Liên minh, có lãnh thổ tạo thành khu vực phòng thủ duy nhất”. (TASS)

* Đức mời Thủ tướng Trung Quốc hội đàm: Bloomberg (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin ngày 25/4 cho biết Thủ tướng Olaf Scholz đã mời người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường hội đàm tại Berlin ngày 20/6 tới. Theo đó, ông Scholz sẽ cố gắng tranh thủ Trung Quốc như một đối tác chính trong giải quyết các thách thức toàn cầu như hòa bình và biến đổi khí hậu. Song song với đó, nhà lãnh đạo này cũng sẽ vạch ra lằn ranh đỏ với bất kỳ nỗ lực thay đổi hiện trạng nào ở eo biển Đài Loan. (Reuters)

* Tổng thống Czech: Kéo dài xung đột ở Ukraine có lợi cho Trung Quốc: Phát biểu ngày 25/4, ông Petr Pavel đánh giá: “Tôi nghĩ rằng việc duy trì hiện trạng có lợi cho Trung Quốc, bởi điều đó có thể đẩy Nga tới một loạt nhượng bộ... và phương Tây đang yếu đi khi ủng hộ Ukraine”. Nhà lãnh đạo này nhận định Bắc Kinh đang “rút ra bài học từ xung đột” và “chăm chú theo dõi việc Nga đang làm và cách phương Tây phản ứng”. (Politico)

Châu Mỹ

* Ông Joe Biden chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ 2024: Ngày 25/4, thông báo trong video đăng tải trực tuyến nhân kỷ niệm 4 năm khởi động chiến dịch tranh cử năm 2020, ông chủ Nhà Trắng đã chính thức tuyên bố tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 để tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ mới.

Ông Biden 80 tuổi, hiện là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Nếu tái đắc cử, khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2029, ông Biden sẽ 86 tuổi. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Tình hình Sudan: Hai bên sẽ ngừng bắn tạm thời trong 72 giờ: Sau 48 giờ đàm phán dưới sự trung gian của Mỹ, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí thực hiện ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương). Nhà Trắng cũng yêu cầu các bên tham chiến tại Sudan tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bảo đảm việc bảo vệ dân thường khi các nước đang triển khai những nỗ lực sơ tán công dân của mình.

Cùng ngày, RSF xác nhận, lực lượng này đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo khi đình chiến.

Một quan chức Mỹ cho biết, đại diện nước này, Liên minh châu Phi (AU) và EU, cũng như các Bộ Ngoại giao của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập hiện đang liên lạc với nhau để thúc đẩy các sáng kiến, với lệnh ngừng bắn là một trong số đó. Trong khi đó, báo Ahram Online (Ai Cập) dẫn lời phe đối lập ở Sudan cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp tại Saudi Arabia giữa Tư lệnh SAF Sudan Abdel Fattah al-Burhan và Chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo đang được triển khai. Theo ông Orwa Al-Sadeq, thành viên đảng Umma Sudan, hiện có các đề xuất cụ thể cho cuộc gặp, nhưng “chúng tôi đang chờ sự chấp thuận cuối cùng từ tất cả các bên trước khi công bố chi tiết”.

Hiện giao tranh tại Sudan đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp, với ít nhất 427 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương trong 10 ngày qua.

* Sudan: LHQ cắt giảm hoạt động, các nước khẩn trương sơ tán công dân: Ngày 25/4, người phát ngôn Văn phòng nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) Jens Laerke cho biết cơ quan này đã cắt giảm hoạt động ở một số khu vực của Sudan do giao tranh. Tuy nhiên, LHQ vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ cho người dân Sudan.

Trong khi đó, các nước vẫn tiếp tục sơ tán công dân khỏi Sudan. Hãng thông tấn Antara (Indonesia) cho biết Quân đội nước này đang triển khai các binh sĩ thuộc Lực lượng phản ứng nhanh của không quân (Kopasgat) để hỗ trợ sơ tán các công dân khỏi Sudan. Trong khi đó, chính phủ Cyprus thông báo đã kích hoạt cơ chế cứu trợ nhân đạo để sơ tán công dân nước thứ 3 từ Sudan thông qua đảo Cyprus.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế của Nam Phi Clayson Monyela cho biết, hai chiếc xe buýt đang sơ tán công dân nước này khỏi Sudan đã đến biên giới với Ai Cập an toàn.

Cũng trong ngày 25/4, Cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR) cho biết đã sơ tán 87 công dân Ukraine, hầu hết là các chuyên gia hàng không gồm phi công và kỹ thuật viên, cùng các thành viên trong gia đình họ khỏi Sudan. Một số các công dân Gruzia và Peru cũng đã được sơ tán. Những người sơ tán hiện đang ở Ai Cập và nhận được trợ giúp y tế, thực phẩm và nước uống, viện trợ của cơ quan.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết ông đã nói chuyện với lãnh đạo của các phe tham chiến ở Sudan để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán công dân Anh khỏi quốc gia Bắc Phi ngày 25/4. Nhà ngoại giao này cũng nêu rõ hiện London đang tiếp tục thúc đẩy việc duy trì lệnh ngừng bắn ở Sudan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh cũng nêu thông tin thêm về các hoạt động sơ tán: “Các chuyến bay quân sự của Anh sẽ khởi hành từ sân bay bên ngoài Khartoum. Các chuyến bay này phục vụ người có hộ chiếu Anh và ưu tiên sẽ được dành cho các gia đình có trẻ em và/hoặc người già hay cá nhân cần chăm sóc y tế…Công dân không nên đến sân bay trừ phi được thông báo. Tình hình vẫn không ổn định và khả năng sơ tán của chúng tôi có thể thay đổi trong thời gian ngắn”.

Hôm 23/4, Anh đã sơ tán các nhà ngoại giao nước này. Ước tính, có 4.000 người Anh mang 2 quốc tịch và 400 người chỉ có hộ chiếu Anh ở Sudan. Hiện 2.000 người đã đăng ký với London, tìm kiếm sự giúp đỡ để rời khỏi đất nước Bắc Phi.

Về phần mình, Bắc Kinh cho biết hầu hết công dân nước này ở Sudan đã được sơ tán an toàn theo nhóm đến các cửa khẩu biên giới của các nước láng giềng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, hiện nước này chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo thương vong nào liên quan đến công dân của mình ở Sudan.

Một nước châu Âu khác là Italy cũng đã đẩy nhanh quá trình sơ tán công dân. Ngày 24/4, hai máy bay quân sự nước này đã sơ tán 96 người, trong đó có 83 người quốc tịch Italy và 13 người có quốc tịch khác, rời Sudan. Phát biểu sau khi đón những người được sơ tán tại Rome, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh: “Đó không phải là một hoạt động (cứu hộ) dễ dàng, tuy nhiên đã có kết quả xuất sắc”. Quan chức này nói thêm rằng tất cả các công dân Italy yêu cầu được rời khỏi Sudan đều được đưa đến nơi an toàn. Một số người Italy - các nhân viên tổ chức phi chính phủ và nhà truyền giáo - đã quyết định ở lại Sudan, trong khi 19 người khác đã được đưa đến Ai Cập 2 ngày trước.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo quyết định tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Sudan: “Do tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng, toàn bộ nhân viên Đại sứ quán đã được sơ tán đến Cộng hòa Djibouti. Đại sứ quán ở Sudan đã tạm thời đóng cửa, bộ phận lãnh sự tạm thời được mở ở Djibouti để tiếp tục công việc của cơ quan ngoại giao này”. Trước đó, Nhật Bản đã sơ tán 45 công dân và thành viên gia đinh của họ khỏi Sudan bằng máy bay. (AFP/Kyodo/Reuters/TASS)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-254-nga-cu-t-14-toi-ukraine-ong-biden-ra-tranh-cu-tinh-hinh-sudan-co-khoi-sac-224879.html