Tin thế giới 24/4: 150 mục tiêu tại Ukraine bị pháo kích, Nga-Mỹ đồng loạt lên tiếng về điểm nóng này

Một nước Đông Nam Á tập trận chung với Trung Quốc, Bắc Kinh 'đính chính' tuyên bố về chủ quyền các nước Liên Xô cũ… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (ảnh) về chủ quyền các nước Liên Xô cũ, bao gồm Ukraine, khiến nhiều nước châu Âu 'dậy sóng'. (Nguồn: Vida Press)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga mở đợt pháo kích mới vào Ukraine: Ngày 23/4, Trung tâm tác chiến Nga (RBC) cho biết pháo binh Nga đã tấn công hơn 150 mục tiêu tại Ukraine, phát hiện và tiêu diệt 30 vị trí pháo binh. Người phát ngôn RBC Alexander Savchuk cho biết sau khi trinh sát phát hiện vị trí lữ đoàn không quân số 58 và lữ đoàn bộ binh cơ giới của Ukraine tại khu vực Torsky và Chervonodibrovsky, pháo binh Nga đã triển khai các đợt tấn công và gây tổn thất cho các đơn vị này.

Tuy nhiên, TASS không thông báo chi tiết số thương vong và thiệt hại của Ukraine, dù khẳng định các đợt pháo kích không gây ra thiệt hại cho dân thường.

* Quan chức thân Nga bác tin quân Ukraine đổ bổ sông Dnepr: Ngày 23/4, viết trên Telegram, quyền lãnh đạo tỉnh Kherson thân Nga Volodymyr Saldo nhấn mạnh: “Những nguồn tin của đối thủ đang lan truyền lời dối trá về ‘các bàn đạp’ như một phần của cuộc chiến thông tin nhằm phát tán thông tin sai lệch và làm người dân mất tinh thần”.

Theo ông, có thể “các nhóm phá hoại đã đổ bộ, chụp ảnh selfie ở bờ trái trước khi bị pháo binh phong tỏa và tiêu diệt hoặc bị binh sĩ Nga đẩy xuống nước”. Tuy nhiên, quan chức khẳng định quân đội Nga kiểm soát hoàn toàn khu vực này.

Trước đó, ngày 22/4, Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW) dẫn thông tin từ blogger quân sự Nga cho biết, Các Lực lượng vũ trang Ukraine đã chiếm được các bàn đạp ở tả ngạn sông Dnepr, phía Bắc Oeshki và tiến tới vùng ngoại ô phía Bắc thành phố này trên đường cao tốc E97. ISW cho rằng, VSU có thể đã thiết lập bàn đạp ở phía Tây làng Dachi, nằm cách vùng Kherson 10 km về phía Nam.

* Nga: UAV tấn công cảng Sevastopol: Ngày 24/4, viết trên Telegram, Thống đốc Sevastopol thân Nga ông Mikhail Razvozhaev cho biết: “Hiện tại, hạm đội của chúng ta đang đẩy lùi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV)... Hiện tất cả các lực lượng của thành phố đều ở trạng thái báo động”. (Reuters)

* Trung Quốc khẳng định tính trung lập về Ukraine: Ngày 24/4, trang tin The Paper (Trung Quốc) dẫn nội dung cuộc phỏng vấn với Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Phó Thông đã nêu quan điểm về cách nhìn nhận của châu Âu đối với mối quan hệ Trung-Nga. Ông khẳng định: “Châu Âu nên hiểu đúng về phát biểu ‘không có giới hạn’…Tình bạn và hợp tác giữa các quốc gia là vô tận và không nên bị giới hạn một cách nhân tạo. Hợp tác Trung-Nga là ‘không giới hạn’. Điều tương tự cũng đúng với Trung Quốc và châu Âu”.

Ông cảnh báo về những nỗ lực sử dụng quan hệ Trung-Nga nhằm gây mâu thuẫn giữa Trung Quốc và châu Âu, đồng thời bác bỏ quan điểm rằng Bắc Kinh có “thông tin trước” về xung đột Ukraine hoặc đang cung cấp vũ khí cho Moscow.

Thông tin trên được đăng tải ít lâu sau bài phát biểu gây tranh cãi trên truyền hình Pháp ngày 21/4 của Đại sứ Trung Quốc tại Paris Lư Sa Dã, người nêu quan điểm về chủ quyền của các nước Liên Xô cũ, bao gồm Ukraine. Tuyên bố trên của ông Lư đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ giới ngoại giao EU. (Reuters)

* Phần Lan muốn tăng tốc cung cấp đạn dược cho Ukraine: Ngày 24/4, Phát biểu khi đến dự họp của các bộ trưởng EU tại Luxembourg, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nêu rõ: “Chúng ta cần tăng tốc quá trình mua chung đạn dược”. Cảnh báo về nguy cơ các binh sĩ thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (Nga) hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sudan, ông cho rằng EU nên có thêm hành động tại đây. Nhà ngoại giao này nói: “Thật không công bằng khi tất cả người nước ngoài rời khỏi Sudan trong tình hình này. Nếu chúng ta rời đi, chúng ta sẽ để lại khoảng trống cho Wagner và Nga chơi trò chơi này”. (Reuters)

Mỹ-Trung

* Mỹ hối Hàn Quốc không bổ sung nguồn chip cho Trung Quốc: Ngày 23/4, Financial Times (Anh) đưa tin Mỹ yêu cầu Hàn Quốc hối thúc các doanh nghiệp sản xuất chip nước này không bổ sung bất kỳ nguồn cung chip cho thị trường Trung Quốc nếu Bắc Kinh ra lệnh cấm Micron Technology Inc (Mỹ) hoạt động.

Thông tin trên được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ ngày 24-29/4 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trong năm hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo Financial Times, doanh nghiệp Hàn Quốc mà Mỹ nhắm tới trong yêu cầu là tập đoàn điện tử Samsung và SK Hynix.

Nhà Trắng không bình luận nào về thông tin này. Tuy nhiên, Washington khẳng định Mỹ và Hàn Quốc đã nỗ lực điều phối các khoản đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn để bảo đảm các công nghệ then chốt và thống nhất định hướng phát triển kinh tế.

Trước đó, hồi tháng Ba, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo đã mở cuộc điều tra an ninh mạng liên quan đến việc bán chip nhớ của Micron - gã khổng lồ bán dẫn của Mỹ nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia”. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh nhắm vào công ty bán dẫn của Mỹ và được cho là đòn phản công lại các động thái tương tự của Washington. Trước đó, xứ cờ hoa đã ra lệnh cấm hoạt động với Yangtze Memory Technologies, đối thủ trực tiếp của Micron. (Reuters)

Đông Nam Á

* Singapore, Trung Quốc tập trận chung trong tuần: Ngày 24/4, theo tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nước này và Singapore sẽ tiến hành tập trận chung ngay trong tuần. Cụ thể, hải quân Trung Quốc sẽ triển khai khinh hạm mang tên lửa, Ngọc Lâm, và một tàu săn mìn Chibi tới tham gia hoạt động này, dự kiến kéo dài từ cuối tháng Tư tới đầu tháng Năm. Song, tuyên bố không nêu cụ thể địa điểm tập trận. Cách đây hai năm, Trung Quốc và Singapore từng tập trận chung ở vùng biển quốc tế tại mũi phía Nam Biển Đông sau khi nâng cấp hiệp ước quốc phòng song phương năm 2019. (Reuters)

Nam Thái Bình Dương

* Australia tăng cường tiềm lực quốc phòng và hợp tác quốc tế: Ngày 24/4, Australia đã công bố bản đánh giá chính sách quốc phòng Australia, cho rằng Mỹ không còn là “nhà lãnh đạo duy nhất của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tài liệu này cho rằng cạnh tranh giữa xứ cờ hoa và Trung Quốc đang định hình khu vực và điều này có “khả năng xảy ra xung đột”. Cũng theo bản đánh giá, các căn cứ phía Bắc của Australia sẽ là trọng tâm để ngăn chặn các đối thủ và bảo vệ các tuyến đường thương mại, thông tin liên lạc.

Trung Quốc đang có nhiều bước củng cố lực lượng lớn nhất kể từ Thế chiến II và đang tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực lân cận của Australia.

Trong bối cảnh đó, Canberra cần phải “tránh rủi ro chiến lược ở mức cao nhất mà nước này đang phải đối mặt: khả năng xảy ra xung đột lớn trong khu vực”. Mối đe dọa quân sự với Australia không cứ phải là một cuộc tấn công trực diện trong “thời đại tên lửa”. Australia cần hợp tác gần gũi hơn với Mỹ, bao gồm tăng cường lập kế hoạch quân sự song phương và tổ chức luân chuyển lực lượng với xứ cờ hoa, bao gồm cả tàu ngầm. Ngoài ra, Australia cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với các nước Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Cũng theo bản đánh giá này, ngân sách quốc phòng Australia dự kiến sẽ tăng trong thập kỷ tới, nhưng sẽ ổn định trong 4 năm tới ở mức 19 tỷ AUD (12,7 tỷ USD), với 7,8 tỷ AUD (5,2 tỷ USD) chuyển từ các dự án bị hủy bỏ. Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố bản đánh giá “sẽ củng cố an ninh quốc gia và đảm bảo Australia sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai”. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Thủ tướng Kishida: Nhật Bản sẽ không bầu cử sớm: Ngày 24/4, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói: “Vì chúng ta phải thực hiện từng chính sách quan trọng một, tôi không nghĩ đến việc giải tán (Hạ viện) và tiến hành tổng tuyển cử lúc này”. Trước đó một ngày, đảng Dân chủ tự do cầm quyền của ông đã giành 4/5 ghế được bầu lại, tăng một ghế so với trước đó. Trước đó, có đồn đoán cho rằng ông Kishida có thể kêu gọi bầu cử sau Thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima tháng tới. (Kyodo)

* Hàn Quốc mở rộng hạn chế xuất khẩu sang Nga và Belarus: Ngày 24/4, Bộ Thương mại Hàn Quốc thông báo: “Seoul đã bổ sung thêm 741 danh mục hàng hóa liên quan đến chất bán dẫn, hóa chất, thép, ô tô, thiết bị chế tạo máy, máy tính lượng tử và nhiều sản phẩm khác vào danh sách mặt hàng cấm cung cấp sang Nga và Belarus, nâng tổng số mặt hàng trong danh sách này lên đáng kể - 798 mặt hàng”. Dự kiến các biện pháp này sẽ chính thức có hiệu lực ngày 28/4.

Theo đó, những mặt hàng nêu trên có thể được Nga và Belarus nhập khẩu để sản xuất vũ khí và phục vụ mục đích quân sự. Seoul sẽ phân tích cụ thể từng “trường hợp đặc biệt” mặt hàng xuất khẩu sang hai nước trên. (Sputnik/Yonhap)

Trung Á

* Nga-Mỹ đồng loạt kêu gọi Armenia, Azerbaijan giảm căng thẳng: Trong tuyên bố ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng leo thang liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Về phần mình, ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi hết sức quan ngại về việc Azerbaijan lập điểm kiểm soát ở hành lang Lachin, hủy hoại những nỗ lực nhằm xây dựng niềm tin trong quá trình kiến tạo hòa bình ở khu vực”.

Đối đầu giữa Azerbaijan và Armenia “nóng” trở lại khi ngày 23/4, chính quyền Baku đã thiết lập một trạm kiểm soát trên Lachin-Khankendi, tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Yerevan coi trạm kiểm soát này là sự “vi phạm trắng trợn” thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Nga làm trung gian giữa hai bên. (Reuters)

Châu Âu

* Điện Kremlin nói về khả năng Tổng thống Nga tham dự hội nghị BRICS: Ngày 24/4, trả lời câu hỏi về sự hiện diện của ông Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tháng Tám tới tại Nam Phi, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “...các quyết định phù hợp sẽ được đưa ra gần thời điểm diễn ra sự kiện. Nhưng trong mọi trường hợp, Nga sẽ tích cực tham gia (hội nghị)”. Ông lưu ý, BRICS là diễn đàn “rất quan trọng”.

Nam Phi, một bên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga và sẽ là nước chủ nhà của Thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tới. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, nước này sẽ được yêu cầu bắt giữ ông Putin theo phán quyết của ICC tháng 3 liên quan hành động của Nga ở Ukraine. (Reuters)

* Căng thẳng ngoại giao EU-Trung Quốc thêm nóng: Quan hệ ngoại giao EU-Trung Quốc đứng trước thách thức mới sau phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã, người được cho là đã đặt nghi vấn về chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ukraine.

Phát biểu trước thềm cuộc họp chung ngày 24/4, các ngoại trưởng EU đã bày tỏ thất vọng về phát ngôn gần đây của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, người đã đặt nghi vấn về chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine.

Cùng ngày, ba nước Baltic đã triệu đại sứ Trung Quốc về bình luận của ông Lư. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết các quan chức này sẽ được yêu cầu giải thích liệu “lập trường của Trung Quốc về vấn đề độc lập có thay đổi hay không và để nhắc nhở họ rằng chúng tôi không phải là các quốc gia hậu Xô viết mà chúng tôi là những quốc gia bị Liên Xô chiếm đóng bất hợp pháp”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho biết ông muốn tìm hiểu “tại sao Trung Quốc lại có lập trường hoặc bình luận như vậy về các quốc gia vùng Baltic”. Ông nhấn mạnh rằng các nước Baltic là những quốc gia độc lập có chủ quyền, thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cùng ngày, viết trên Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: “Chính sách EU-Trung Quốc sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng châu Âu vào tháng 6. Các ngoại trưởng sẽ chuẩn bị cho cuộc thảo luận này dưới sự chủ trì của Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell”.

Về phần mình, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này tôn trọng “quy chế nhà nước có chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô trước đây. Bà khẳng định phát biểu của bà về vấn đề chủ quyền đại diện cho lập trường chính thức của Bắc Kinh. Về Ukraine, bà nêu rõ, Trung Quốc luôn “khách quan và vô tư” trong vấn đề chủ quyền. (Reuters/AFP)

Trung Đông-Châu Phi

* Anh trừng phạt chỉ huy IRGC: Ngày 24/4, phối hợp với Mỹ, EU và Anh ngày 24/4 đã công bố các trừng phạt bổ sung đối với một số quan chức Iran, bao gồm thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) liên quan đến cáo buộc của phương Tây về vấn đề nhân quyền. Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh James Cleverly nêu rõ London cùng các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục gây áp lực “để buộc Iran phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ”. (Reuters)

* Thêm nhiều nước sơ tán công dân khỏi Sudan: Ngày 24/4, một số quốc gia đã tiếp tục triển khai việc đưa công dân rời khỏi đất nước Bắc Phi.

Phát biểu cùng ngày trước các phóng viên, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại an ninh Josep Borrell cho biết hơn 1.000 công dân EU đã được sơ tán khỏi Sudan trong cuối tuần qua: “Đó là một chiến dịch phức tạp và nó đã thành công”. Phát biểu trước Hội nghị ngoại trưởng EU, quan chức này nêu rõ: “Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị. Chúng ta không đủ sức chống chọi nếu Sudan sụp đổ vì điều này sẽ gây ra cú sốc cho toàn bộ châu Phi”. Theo ông Borrell, Đại sứ EU tại Sudan vẫn đang có mặt ở nước này, nhấn mạnh “thuyền trưởng là người cuối cùng rời khỏi tàu. Ông ấy vẫn ở Sudan nhưng không còn ở thủ đô”. Trước đó, một quan chức EU cho biết rằng ước tính có 1.500 công dân EU ở Khartoum.

Cùng ngày, Pháp thông báo đóng cửa Đại sứ quán nước này ở Sudan “cho đến khi có thông báo tiếp theo”. Về phần mình, chính phủ Anh cho biết đang nỗ lực không ngừng để sơ tán công dân khỏi đất nước Bắc Phi, nơi đang xảy ra xung đột giữa quân đội và lực lượng bán quân sự. Tuy nhiên, hiện một số công dân nước này bị mắc kẹt tại quốc gia Đông Bắc Phi phàn nàn rằng họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Cũng trong ngày 24/4, Điều phối viên Chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho hay xứ cờ hoa đang bố trí một số khí tài hải quân ở Biển Đỏ để hỗ trợ bất kỳ công dân Mỹ nào rời khỏi Sudan. Tuy nhiên, Washington cho biết, hiện không tiến hành chiến dịch sơ tán quy mô lớn nào.

Cùng ngày, Nam Phi, Kenya, Uganda, Tunisia và Ghana cũng công bố kế hoạch sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Sudan. (AFP/Reuters/TTXVN)

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-244-150-muc-tieu-tai-ukraine-bi-phao-kich-nga-my-dong-loat-len-tieng-ve-diem-nong-nay-224751.html